Vì sao có nhiều vấn đề trong sách giáo khoa lớp 1?
Thứ hai - 09/11/2020 11:39
Một số quy định chưa rõ liên quan đến thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa; nhiều nội dung triển khai chậm so với tiến độ là những nguyên nhân khiến triển khai chương trình - sách giáo khoa lớp 1 thời gian qua còn lúng túng.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mới có báo cáo giám sát về đổi mới chương trình - sách giáo khoa (CT - SGK) phổ thông giai đoạn 2015 - 2020 gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Dư luận phản ánh chương trình còn “nặng và khó”
Với chương trình giáo dục phổ thông mới, báo cáo khẳng định: “Quy chế, quy trình biên soạn chương trình tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục được ban hành theo luật định, tương đối đầy đủ, khoa học, bảo đảm tính liên thông, thống nhất giữa các cấp học, môn học theo định hướng, mục tiêu đổi mới của Nghị quyết 88. Việc xã hội hóa biên soạn SGK bước đầu thành công đối với lớp 1”.
Giá SGK mới cao hơn 2 - 3 lần
Báo cáo giám sát chỉ ra rằng giá SGK lớp 1 mới cao hơn SGK lớp 1 cũ khoảng 2 - 3 lần, một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện nghiêm quy định về quản lý, sử dụng sách tham khảo, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế của một bộ phận dân cư trong khi nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ về SGK cho các nhóm đối tượng khó khăn.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo: “Qua theo dõi việc triển khai thực hiện CT - SGK lớp 1 đầu năm học (tháng 9 - 10.2020), do thay đổi về phương thức giảng dạy, nhiều ý kiến của phụ huynh, cử tri, dư luận phản ánh chương trình còn nặng, đặc biệt môn tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ; yêu cầu phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn, gây áp lực cho giáo viên và học sinh (HS)”.
Cụ thể, theo phản ánh của phụ huynh HS: lớp 1 trong 1 tuần học 12 tiết tiếng Việt thay cho 8 tiết như chương trình cũ; bài học tuần 4 của môn tiếng Việt năm nay bằng bài học tuần thứ 25 của chương trình cũ. Đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Việt: tiếp cận phát âm trước khi tập viết. HS không được làm quen với các nét, chữ cái cơ bản mà học ngay vào ghép vần, thậm chí tập đọc luôn ngay từ bài đầu tiên; môn tập viết. Những năm trước, HS có 1 tuần để tập viết các nét trước khi viết chữ thì năm nay chỉ có 1 buổi nên nếu HS không học chữ trước sẽ không thể nhớ hết các nét để viết chữ...
Thứ nhất, quy định của Bộ GD-ĐT chưa cụ thể trong yêu cầu về chất lượng và quy trình hoàn chỉnh bản mẫu SGK trước khi nhà xuất bản trình Hội đồng quốc gia thẩm định. Sự “chưa cụ thể” thể hiện ở việc “yêu cầu tác giả SGK phải là công dân VN” chưa rõ ràng, đã làm nảy sinh một số bất cập trong quá trình thẩm định SGK tiếng Anh, dẫn đến việc thay đổi tên tác giả nhiều bộ SGK (từ tác giả nước ngoài phải điều chỉnh thành tác giả VN).
Thứ hai, quy định về tổ chức thực nghiệm SGK chưa rõ thời lượng và quy mô thực nghiệm, chưa được lấy ý kiến phản hồi rộng rãi. Do vậy, SGK lớp 1 có những nội dung chưa phù hợp, gây khó khăn cho giáo viên, HS trong quá trình thực hiện, gây băn khoăn, phản ứng trong dư luận xã hội.
Cơ quan giám sát chỉ ra thực tế, sau 2 tháng triển khai CT - SGK lớp 1, có nhiều ý kiến của phụ huynh, cử tri, dư luận về SGK tiếng Việt lớp 1, chủ yếu tập trung vào bộ Cánh Diều...
Nhiều cái chậm so với tiến độ
Báo cáo chỉ ra nhiều cái chậm so với tiến độ đề ra trong việc thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội. Ví dụ, việc chậm ban hành chương trình tổng thể dẫn tới chậm có chương trình các môn học, kéo theo việc biên soạn, in ấn, lựa chọn... SGK cũng bị chậm theo...
Bộ sẽ có hướng dẫn và giám sát chặt về thực nghiệm và tập huấn SGK
Ngày 8.11, trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết tới đây sẽ có hướng dẫn và giám sát chặt hơn về thực nghiệm và tập huấn sử dụng SGK mới từ lớp 2, lớp 6. Theo đó, hướng dẫn sẽ quy định cụ thể về thời lượng và quy mô thực nghiệm SGK; việc tập huấn thực hiện SGK vẫn giao cho các nhà xuất bản nhưng Bộ sẽ giám sát, kiểm tra chặt chẽ.
Cụ thể, năm học 2020 - 2021, việc cung ứng SGK cho đa số cơ sở giáo dục chậm (theo giám sát của ủy ban đến cuối tháng 8.2020 sách mới về đến các cơ sở), gây khó khăn trong việc triển khai các khâu: lựa chọn SGK, tập huấn giáo viên, trao đổi chuyên môn giữa các giáo viên, các đơn vị trường, cụm trường.
Việc có SGK muộn cộng với tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ở trường phổ thông triển khai chương trình mới còn chậm về tiến độ so với lộ trình đặt ra, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở đội ngũ cốt cán, việc tập huấn đại trà cho giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới việc tiếp cận, tập huấn của giáo viên trong đổi mới phương pháp giảng dạy.
Liên quan đến điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện đổi mới, báo cáo nêu: “Việc chuẩn bị và đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, cung ứng thiết bị dạy học nhiều nơi còn chậm về tiến độ và thiếu đồng bộ, chưa hợp lý; việc bố trí phòng học bộ môn ở các trường học của nhiều địa phương nhìn chung còn bất cập và lạc hậu theo cách thức cũ, chưa bảo đảm chất lượng và yêu cầu kỹ thuật, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai chương trình mới nói chung và chương trình lớp 1 năm học 2020 - 2021 nói riêng".
Thiếu sự phối hợp tổng thể về chính sách với nhà giáo
Báo cáo giám sát dành nhiều thời lượng để phản ánh về thực trạng đội ngũ giáo viên, bày tỏ lo ngại khi đội ngũ giáo viên còn thừa - thiếu cục bộ và chất lượng không đồng đều giữa các địa phương, vùng miền. Đội ngũ giáo viên đang phải chịu thách thức giữa số lượng và yêu cầu về trình độ đáp ứng Nghị quyết 88 và chuẩn hóa.
Báo cáo cho rằng liên quan đến việc thừa - thiếu giáo viên có nguyên nhân là do thiếu sự chỉ đạo, phối hợp tổng thể cấp vĩ mô. Còn hạn chế trong sự phối hợp giữa Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành liên quan và địa phương trong xây dựng chính sách triển khai Nghị quyết 88, trong chính sách với đội ngũ nhà giáo.
Do vậy, báo cáo đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo và báo cáo việc thực hiện hiệu quả Đề án đổi mới CT- SGK và các đề án khác có liên quan tới yêu cầu bảo đảm đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện đổi mới CT - SGK; bố trí các nguồn vốn T.Ư hỗ trợ các địa phương khó khăn; rà soát, điều chỉnh, quản lý, sử dụng hiệu quả khoản vốn vay của Ngân hàng Thế giới đối với các dự án liên quan đến giáo dục phổ thông.
Báo cáo cũng đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục có giải pháp tốt hơn trong chỉ đạo triển khai biên soạn, thẩm định, phê duyệt SGK từ lớp 2 - 12; nghiên cứu, đổi mới hình thức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và nâng chuẩn trình độ đào tạo đối với giáo viên phổ thông.