- Thị trường văn học có thể được hiểu là không gian văn học đương đại từ góc nhìn có tính thương mại, còn văn học thị trường là một bộ phận, một dòng, một loại hình văn học? Anh có thể nói một chút về các khái niệm này?
+ Thực ra, nếu thị trường văn học đã là một thực tế thì cái gọi là “văn học thị trường” về bản chất vẫn là một quy ước/ tên gọi quen thuộc chứ chưa phải là một khái niệm khoa học chặt chẽ. Về đại thể, trong cái nhìn của nhiều người, nó được hiểu như là văn học trong cơ chế thị trường, văn học giải trí, văn học thương mại hay có khi được hiểu là văn học đại chúng, văn học bình dân… Trên thế giới, văn học đại chúng (Mass literature) là một thuật ngữ đã được thừa nhận, được bàn luận nhiều, và được hiểu như là một bộ phận của văn hóa đại chúng (Popular culture). Văn học đại chúng có cơ sở lịch sử, văn hóa, xã hội và nền tảng triết học của nó.
- Có phải vì thế mà Viện Văn học từng tổ chức hẳn một hội thảo về văn học thị trường?
+ Trong khi chúng ta đang chờ đợi những nghiên cứu sâu về văn học đại chúng thì việc tìm hiểu, thảo luận về cái gọi là văn học thị trường như cách hiểu của nhiều người thiết nghĩ là công việc cần thiết, có ý nghĩa thời sự. Xuất phát từ định hướng như thế, chúng tôi từng tổ chức hội thảo về văn học thị trường thu hút giới nghiên cứu văn học tham dự. Hội thảo tập trung vào những nội dung chính như, tìm hiểu những vấn đề lí luận chung về văn học thị trường, quan niệm văn học thị trường, mối quan hệ tương tác giữa văn học và thị trường; văn học thị trường với văn học đại chúng, văn học mạng, văn học giải trí; tương quan giữa văn học thị trường với văn học đặc tuyển. Bên cạnh đó cũng bàn rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển thị trường văn học ở các nền văn học trên thế giới; tác động của kinh tế thị trường đến đời sống văn chương; những biến chuyển của đời sống văn hóa và văn học Việt Nam trong cơ chế thị trường. Chúng tôi cũng đánh giá thực trạng và các xu hướng phát triển của văn học thị trường ở Việt Nam, vấn đề chất lượng và giá trị của các tác phẩm, vấn đề thị hiếu và nhu cầu của người đọc đối với văn học thị trường. Các nhà nghiên cứu tham gia hội thảo cũng bàn về những khả năng và hạn chế của văn học thị trường nói riêng và văn học nói chung trong nền kinh tế thị trường, những thách thức đối với nhà quản lí, giới sáng tác và phê bình.
Nhiều vấn đề khác cũng đã được nêu lên, được trao đổi ngay tại diễn đàn. Chẳng hạn, vấn đề tiếp nhận tác phẩm ngôn tình ở Việt Nam, văn học mạng, sự đối sánh thị trường văn học Việt Nam với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga,… những vấn đề thuộc về chiến lược tự sự, tự sự đa phương tiện, các giới hạn của thực tiễn sáng tác văn học đương đại, vấn đề kinh tế học trong kinh doanh hàng hoá văn học,…
- Vâng! Có lẽ sẽ có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về văn học thị trường. Nhưng cũng phải có điều gì tương đối căn cốt và thống nhất để định danh nó chứ ạ?
+ Khái niệm “văn học thị trường” như tôi đã nói ở trên, chưa phải là một thuật ngữ khoa học chặt chẽ. Nhưng chúng ta có thể sử dụng nó để định danh (một cách tương đối) về một khuynh hướng văn học, một bộ phận văn học đã và đang hình thành ngày càng mạnh mẽ trong đời sống văn học đương đại. Văn học thị trường, hiểu một cách ngắn gọn là văn học hướng đến những lợi ích thương mại, đặt lợi ích thương mại và chức năng giải trí làm tiêu chí hàng đầu. Nhưng, một số nhà nghiên cứu, nhà quản lí kinh doanh sách văn học cũng cho rằng, văn học hiện đại đương nhiên là văn học thị trường. Một số nhà nghiên cứu trung đại còn chỉ ra, văn học trung đại cũng có những loại hình tác phẩm được buôn bán, không chỉ là biếu tặng hay thù tạc.
Sau nhiều tranh luận, giới nghiên cứu đã nhận thấy, dù tinh tuyển hay thị trường (tạm định danh như thế) một khi trở thành hàng hóa, được đem ra để mua bán thì đều phải tính đến cái “lợi”, và “lợi” sẽ trở thành yếu tố quy định và điều tiết thị trường văn học. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải xây dựng được một cơ chế thị trường với đúng nghĩa là thị trường. Chỉ đến lúc đó, văn học mới đủ điều kiện phát triển đa dạng và hình thành sân chơi bình đẳng cho các loại hình văn học, và bản thân thị trường văn học cũng sẽ bình đẳng với các thị trường khác. Tất nhiên, ở đây chúng ta chưa bàn đến loại sách do nhà nước đặt hàng vì mục tiêu coi trọng hiệu quả xã hội hơn so với hiệu quả kinh tế.
- Dường như, khi vạch ra những chủ điểm này chúng ta đã có một chút hình dung về sự đối lập giữa văn học thị trường và văn học đặc tuyển. Chúng ta có thể nói về một thị trường văn học đặc tuyển, về giá trị thương mại của văn học đặc tuyển không, thưa anh?
+ Ồ, đây là một câu hỏi khá lí thú dưới góc độ nghiên cứu văn học. Tôi tin rằng, anh đã suy nghĩ nhiều trước khi đặt ra câu hỏi này. Chúng ta buộc phải chấp nhận tính tương đối của khái niệm, thuật ngữ. Rõ ràng, giữa khái niệm, thuật ngữ và thực tiễn luôn thường trực những vênh lệch nhất định. Văn học đặc tuyển hiểu như là những tác phẩm tinh hoa, hàm chứa giá trị nghệ thuật cao, nhưng, như đã nói, rất có thể lại trở thành một thứ mặt hàng ế ẩm, ít lợi nhuận, doanh thu kém,… Dù như thế, vẫn có thể nói về sự tồn tại của thị trường văn học đặc tuyển được, nhưng có lẽ đó là câu chuyện không mấy sáng sủa, nhất là với những nhà kinh doanh ở nước ta hiện nay. Ở đây, vấn đề không đơn giản chỉ là lợi nhuận kinh tế hay những làn sóng văn chương có tính thời vụ. Những tác phẩm văn học đặc tuyển, có thể nhất thời chưa có được sự quan tâm thoả đáng từ cộng đồng, nhưng đó lại chính là tài sản – di sản mà chúng ta có để nói về tương lai của văn học. Tôi tin rằng, những tác phẩm kinh điển, những tác phẩm có giá trị sẽ tồn tại lâu dài với lịch sử nhân loại, dù lúc này, lúc khác, trong những tình huống khác nhau nó bị sao nhãng, ít được quan tâm và không phải là thứ hàng hoá ăn khách.
- Tôi xin lỗi ngắt lời anh một chút. Tôi cũng có tham dự hội thảo ấy và được nghe ý kiến trao đổi của anh Nguyễn Nhật Anh, người quản lí Công ti văn hoá truyền thông Nhã Nam, anh Nhật Anh lại chia sẻ tại diễn đàn rằng, đối với văn học thế giới, đa phần những tác phẩm kinh điển đều là những tác phẩm Nhã Nam bán chạy, trừ tác phẩm của F. Kafka. Có điều gì mâu thuẫn hay khó hiểu ở đây chăng?
+ Từ quan sát của mình tôi nhận thấy, đối với những nhà xuất bản lừng danh thế giới, bản thân tác phẩm kinh điển đã là một thứ hàng hoá đảm bảo cho chiến lược kinh doanh của họ. Vì thương hiệu của sản phẩm chắc chắn sẽ gắn liền với thương hiệu mà nhà xuất bản hướng tới. Tôi chỉ muốn lưu ý thêm một điều, không vì sự yếu kém của văn học mà chúng ta đổ lỗi cho thị trường. Thị trường, cũng như bất cứ phương diện nào của đời sống, đều có mặt phải (tích cực) và mặt trái (tiêu cực). Vấn đề là chúng ta phải biết thích ứng với mặt tích cực và tránh được mặt tiêu cực. Việt Nam mới làm quen với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, còn ở các quốc gia phát triển, khi kinh tế thị trường đã xuất hiện vài ba trăm năm, tại sao văn học của họ vẫn xuất hiện nhiều tác phẩm văn học tinh hoa, nhiều văn tài đoạt giải Nobel? Tôi nghĩ, đây mới là điều chúng ta phải tìm cách lí giải một cách thẳng thắn và cởi mở. Với chia sẻ của Nguyễn Nhật Anh thì đó cũng là tín hiệu đáng mừng với Nhã Nam, nhưng cũng anh Nhật Anh đã nói, xuất bản nghiêm túc khá thiếu hi vọng đối với các nhà xuất bản nói chung. Đó là bức tranh toàn cảnh mà tôi muốn nói.
- Khi tìm hiểu về vấn đề văn học thị trường, tôi luôn cảm thấy ở đó ẩn chứa một sự “kì thị” hay xem thường từ phía chủ thể đánh giá. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
+ Sự “kì thị” hay xem thường văn học thị trường theo tôi một phần xuất phát từ tâm lí “trọng nông ức thương”, thái độ kì thị buôn bán ở xứ ta (Sĩ – Nông – Công – Thương), coi những người làm thương nghiệp là kẻ “gian”, chuyên lừa lọc… Tôi cho rằng như thế là không công bằng, không khách quan, nhất là khi chúng ta xem đó là đối tượng nghiên cứu. Hơn nữa, chữ “tín” cũng luôn được đề cao trong làm ăn buôn bán kia mà. Cái cách mà những người nghiên cứu có thái độ xem thường văn học thị trường cũng không khác gì các nhà kinh doanh, nhà buôn khi họ nhận ra nguy cơ thua lỗ từ việc kinh doanh dòng văn học tinh hoa, đặc tuyển. Vấn đề ở đây chính là các đối tượng đó được nhìn nhận, đánh giá từ góc độ nào, hướng đến mục đích gì? Anh thấy đấy, nếu xem xét từ góc độ doanh thu, những tác phẩm văn học mà ta tạm gọi là văn học thị trường đang ăn đứt dòng văn học đặc tuyển. Nhưng, vấn đề là chắc gì những tác phẩm có doanh thu lớn, số tiara cao hiện nay đã tồn tại lâu trong lòng công chúng. Nghĩ đến điều này, tôi chợt nhớ đến sự hóm hỉnh của Albert Einstein: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, con cá đó sẽ dành cả cuộc đời còn lại để tin rằng nó là một đứa ngu đần”.
Bây giờ, người trẻ viết văn luôn đi cùng với việc quảng bá, giới thiệu, đăng tải, phát hành trên mạng Internet. Độc giả biết đến những tác giả trẻ qua môi trường Internet trước khi xuất hiện trên sách giấy. Tôi nghĩ rằng, đó là đặc thù của thế hệ, của thời đại. Tuy nhiên, không nên vơ đũa cả nắm vì tôi biết có những cây bút trẻ không hẳn thiên về câu khách, đáp ứng thị hiếu dễ dãi của công chúng mà họ có ý thức đột phá, từng bước khẳng định bản lĩnh sáng tạo của mình. Đó là con đường hướng tới các giá trị tinh hoa. Mà sao phải lo lắng nhỉ? Sáng tạo tinh hoa mà thu được nhiều tiền vẫn thích hơn là tinh hoa mà ít tiền chứ! |
- Tôi muốn nhìn từ phía đội ngũ sáng tác một chút. Phải chăng văn học thị trường là khái niệm hướng tới trong sáng tác của các tác giả trẻ? Anh đánh giá như thế nào về văn học trẻ và các tác phẩm tham gia thị trường sách văn học của họ?
+ Ở thời chúng ta đang sống hiện nay, văn học chịu sự chi phối mạnh mẽ của cơ chế thị trường và buộc chúng ta phải tuân thủ những yêu cầu “tàn nhẫn” của thị trường. Hãy điểm qua một vài ví dụ: thơ ế ẩm, tác phẩm kinh điển - tinh hoa rất ít người đọc, trong khi ngôn tình, đam mĩ, truyện teen, văn học mạng phát triển rầm rộ,… Những năm gần đây, nhìn vào sự nhân bản các ấn phẩm của Trang Hạ, Trần Thu Trang, Keng, Gào, Kawi Hồng Phương, Hồng Sakura, Di Li, Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Ngọc Thạch Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao,… chúng ta mới thấy rõ tác động to lớn của kinh tế thị trường, của truyền thông đối với văn chương đương đại như thế nào. Thực ra cái gọi văn học thị trường không chỉ dành cho các cây bút trẻ, vì những ai đề cao yếu tố thương mại, giải trí đều nhận thấy họ trong dòng mạch văn học này. Nhưng đúng là lớp trẻ chiếm tỉ lệ áp đảo. Điều đó không có gì lạ vì những tác giả trẻ có điều kiện hơn thế hệ đi trước về phương diện truyền thông, công nghệ. Bây giờ, người trẻ viết văn luôn đi cùng với việc quảng bá, giới thiệu, đăng tải, phát hành trên mạng Internet. Độc giả biết đến những tác giả trẻ qua môi trường Internet trước khi xuất hiện trên sách giấy. Tôi nghĩ rằng, đó là đặc thù của thế hệ, của thời đại. Tuy nhiên, không nên vơ đũa cả nắm vì tôi biết có những cây bút trẻ không hẳn thiên về câu khách, đáp ứng thị hiếu dễ dãi của công chúng mà họ có ý thức đột phá, từng bước khẳng định bản lĩnh sáng tạo của mình. Đó là con đường hướng tới các giá trị tinh hoa. Mà sao phải lo lắng nhỉ? Sáng tạo tinh hoa mà thu được nhiều tiền vẫn thích hơn là tinh hoa mà ít tiền chứ!
- Vâng! Khi đã cùng chung sống trong một thị trường bình đẳng thì có lo lắng cũng không được. Vậy theo anh, đâu là những thế mạnh và hạn chế của văn học thị trường Việt Nam?
+ Từ quan sát của bản thân, tôi nhận thấy văn học thị trường có thế mạnh ở truyền thông, gắn với truyền thông, là sản phẩm của truyền thông. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, bộ phận văn học này đang tiếp cận công chúng một cách rộng rãi hơn, bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Dòng văn học này cũng đem lại lợi nhuận cho các bên tham gia,… Còn về hạn chế, có lẽ hạn chế lớn nhất của văn học thị trường chính là chất lượng nghệ thuật. Từ câu chuyện của văn học thị trường, nhìn rộng ra đời sống văn học và văn hóa, có thể khẳng định, không chỉ văn học thị trường mới tuân thủ cơ chế này mà tất cả buộc phải vận hành trong cỗ máy khổng lồ cơ chế thị trường. Về đại thể, có thể nói thế mạnh của văn học thị trường là hạn chế của văn học tinh hoa và ngược lại.
- Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị này!
Nguyễn Thanh Tâm (thực hiện)
Theo VNQĐ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên