Tách 2 luật giao thông đường bộ: Lo ngại phát sinh nhiều thủ tục hành chính

Thứ hai - 16/11/2020 15:32

Qua thảo luận, nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc tách 2 luật giao thông đường bộ.

"Sửa 1 luật thay vì tách 2 luật mới"

Sáng 16.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

So với Luật Giao thông đường bộ 2008, nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được tách ra để xây dựng thành Luật riêng và sẽ được thảo luận trong phiên thảo luận tại Hội trường sẽ diễn ra vào chiều nay 16.11.

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tập trung quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ.

Nêu ý kiến thảo luận, Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng việc tách Luật giao thông đường bộ (GTĐB) hiện hành là không hợp lý.

Ông Thắng cho rằng, hơn 10 năm qua, khi thực hiện Luật GTĐB, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chịu trách nhiệm quản lý tổng thể, toàn diện, xuyên suốt, góp phần quan trọng cho phát triển, đầu tư mạng lưới giao thông đường bộ. Công tác đảm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật có những tiến bộ tích cực dù vẫn còn khó khăn.

111
Qua thảo luận, nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc tách 2 Luật giao thông đường bộ. Ảnh: TTBC

Theo đại biểu đoàn Quảng Trị, những vấn đề còn bất cập, thiếu quy định để thực hiện Luật GTĐB hiện hành, thì Quốc hội cần xem xét, sửa đổi cho phù hợp ngay trong nội hàm luật hiện hành thay vì tách thành 2 luật mới.

“Giao thông đường bộ là một hệ thống nhất được liên kết chặt chẽ giữa các yếu tố kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người điều khiển, người tham gia giao thông và quy tắc giao thông đường bộ. Nếu trong trường hợp cả 2 bộ cùng tham giam quản lý, thì khi có vụ việc xảy ra thì bên nào sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp? Nếu tách luật sẽ phá vỡ kết cấu, vốn đã hợp lý, logic hay nói rộng ra là phá vỡ những quy luật, nền tảng, hệ thống phát luật nước nhà, tạo tiền đề hết sức nguy hiểm trong xây dựng pháp luật”, ông Thắng nói.

Ông Thắng khẳng định, trong trường hợp tách thì sẽ không giữ tên là “Luật Giao thông đường bộ” mà phải đổi tên khác để phù hợp với nội hàm vì chỉ còn 2 thành tố là hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông.

Cho ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng, việc trình dự án luật này chưa tuân thủ đầy đủ trình tự theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số chính sách chưa được đánh giá tác động hoặc đánh giá về sự thay đổi.

Ví dụ như về đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe, báo cáo đánh giá tác động không chỉ ra bất cập khi tổng kết 10 năm thực hiện luật hiện hành. Trong khi đó vấn đề này liên quan rất lớn đến 2.000 công chức, viên chức đang thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng thanh tra giao thông đang gắn liền với giao thông đường bộ (GTĐB).

“Vậy lực lượng này có tiếp tục tồn tại, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình hay không, nếu không thì đánh giá tác động chuyển lực lượng này làm nhiệm vụ gì?”, bà Dung đặt vấn đề.

Lo ngại nảy sinh thêm các thủ tục hành chính

Đại biểu Trần Thị Dung cho rằng, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì việc tách thành 2 luật cũng chưa báo cáo Quốc hội một cách đầy đủ. Do vậy, tên Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) còn nguyên nghĩa không? Bà Dung đề nghị để Quốc hội khoá XV xem xét vấn đề này để cơ quan chuẩn bị có thêm thời gian nghiên cứu, đánh giá.

111
Đại biểu Trần Thị Dung Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: TTBC
 

Tán thành cần phải sửa đổi luật GTĐB để giải quyết những bất cập, song đại biểu Cao Văn Trọng (Đoàn Bến Tre) cho rằng việc tách 2 luật giao thông là chưa phù hợp.

Theo đại biểu, không nên vì chuyện Luật CAND xác định trách nhiệm xử phạt trật tự cho lực lượng CSGT mà tách thành 2 luật thì dẫn tới không hay. Việc này sẽ nảy sinh thêm các thủ tục hành chính. Do vậy, việc này cần nghiên cứu lại và nên dành thời gian nghiên cứu sửa chữa một luật chung.

“Tách ra 2 luật lại có nội dung trùng nhau, nhiều điều lặp đi lặp lại. Nếu tách thế này, nảy sinh trong kết cấu hạ tầng đường bộ thì phần quy định về an toàn thì ai kiểm soát” - Đại biểu Trọng đặt câu hỏi.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình) đồng quan điểm cho rằng, việc tách thành 2 luật là chưa thực sự hợp lý. “Luật GTĐB có phạm vi điều chỉnh kết cấu hạ tầng, phương tiện, người tham gia giao thông và quy tắc gia thông. 4 thành tố gắn kết chặt chẽ và hướng đến mục đích đảm bảo an ninh trật tự. Tách luật thì thành tố trên khô cứng và vô nghĩa” - ông Xuyền nêu ý kiến và khẳng định không nên tách luật.
 

Theo Vương Hà Chung/Lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây