Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Đã có “ lửa” trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Thứ ba - 17/11/2020 14:34

Thông thường, trong mỗi kỳ họp Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và người dân cả nước. Sự quan tâm không chỉ ở việc đại biểu đặt câu hỏi thế nào, thành viên Chính phủ, tư lệnh ngành trả lời ra sao mà còn là phiên chất vấn mang tính chất tổng kết nhiệm kỳ ( trước đó kỳ họp giữa năm 2020 không tổ chức phiên chất vấn do ảnh hưởng của dịch covid 19) nhằm rút ra bài học và hướng đi mới cho nhiệm kỳ tiếp sau.

111
Đại biểu Ksor H’Bơ Khắp và nhiều đại biểu khác đặt câu hỏi về việc
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường có ủng hộ xây thêm thủy điện vừa và nhỏ nữa không

Không ngại “ động chạm” những vấn đề “ nóng”

2,5 ngày cho một kỳ chất vấn, khoảng thời gian vửa đủ để đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, trực tiếp tranh luận những vấn đề cử tri, người dân cả nước quan tâm đối với các tư lệnh ngành và trành viên Chính phủ. Theo thông lệ là vậy, nhưng trước đó tại kỳ họp thứ 9, do ảnh hưởng của dịch covid 19, Quốc hội đã quyết định không tổ chức phiên chất vấn nhằm tuân thủ công tác phòng chống dịch. Do đó, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 10, nội dung chất vấn đã được mở rộng ở tất cả các lĩnh vực và  có thể "động chạm" đến tất cả các ngành, Chính phủ. Bởi đây hầu hết là những vấn đề được các đại biểu, cử tri và người dân cả nước quan tâm.

 Với đặc điểm là kỳ chất vấn năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội đã không chọn một số vị Bộ trưởng, trưởng ngành để chất vấn trực tiếp như các kỳ họp khác mà thay vào đó, đại biểu Quốc hội chất vấn vấn đề thuộc lĩnh vực nào thì các vị phụ trách chính lĩnh vực đó trả lời.Tổng cộng đã có tới 121 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn; có 41 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó có 3 Phó Thủ tướng Chính phủ và 15 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo làm rõ, cụ thể thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời chất vấn của các đại biểu.

Và thực tế, phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV diễn ra trong các ngày 5 và 6//11 đã phần nào giải tỏa được cơ khát về một nguồn tin chính thống từ Chính phủ liên quan đến các vấn đề quốc kế dân sinh. Lần lượt các đại biểu đã đặt câu hỏi và không ngại giơ biển xin tranh luận trực tiếp với các tư lệnh ngành, thậm chí là thành viên Chính phủ về công tác phòng chống dịch covid19; Về sách giáo khoa; Về trách nhiệm của liên Bộ Công thương, BộTài Nguyên và môi trường, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đến đâu trong cấp phép xây dựng thủy điện vừa và nhỏ đã và đang được cho là nguyên nhân bức tử rừng nguyên sinh, gây lũ chồng lũ tại miền Trung, Tây Nguyên...Và còn rất nhiều những vấn đề nóng khác mà bất kỳ ai quan tâm đến phiên chất vấn cũng có thể tìm thấy những thông tin hữu ích. Có thể dẫn ra những số liệu từ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về rừng của Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng cho biết, diện tích rừng tự nhiên đang tăng lên, độ bao phủ rừng của Việt Nam đã có sự bứt phá ngoạn mục trong 30 năm qua, tỉ lệ rừng tự nhiên tăng từ 9 triệu ha lên 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, như vậy so với cách đây 30 năm diện tích rừng tự nhiên đã tăng 1,3 triệu ha... Sau những con số nói trên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, chất lượng rừng tự nhiên chưa được tốt, trong 10,3 triệu ha rừng tự nhiên thì chỉ có 15% là rừng giàu về trữ lượng, 50% là rừng trung bình và 35% là rừng nghèo kiệt. Đây là thực tế chúng ta phải có trách nhiệm. Chưa biết Bộ trưởng sẽ có trách nhiệm thế nào khi để rừng tự nhiên trở nên nghèo thậm chí là nghèo kiệt, nhưng tiếng cười chua xót từ nghị trường là có thật. Khái niệm rừng nguyên sinh, rừng trồng mới dường như đã bị xóa nhòa và trở thành một chủ thể duy nhất là rừng tự nhiên. Trong khi đại biểu cho rằng rừng tự nhiên đang bị bức tử để làm thủy điện vừa và nhỏ, thì liên bộ cho rằng thủy điện không “ nuốt” đất rừng và nếu có việc hoàn thổ ( trồng bù rừng) đã và đang được thực hiện khá nghiêm túc...

Đã có sự thẳng thắn thậm chí là sòng phẳng trước những vấn đề nóng khiến cho cả người hỏi và người trả lời chất vấn phải nghiêm túc nhìn nhận lại mình. Những phát biểu như: tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm về những thông tin chất vấn hay nghe Bộ trưởng nói thấy có gì đó sai sai... đã thực sự làm nóng nghị trường và như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: đã có “ lửa” trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Sẵn sàng để thành công

Tranh luận đề đi đến tận cùng vấn đề không phải chỉ để thấy kết quả đã, đang và chưa làm được ở tất cả các Bộ, ngành, lĩnh vực mà còn để tư lệnh ngành, thành viên Chính phủ và Chính phủ thấy được trách nhiệm của mình đến đâu trước những tồn tại, hạn chế của ngành mình, linh vực mình quản lý, từ đó có hướng giải quyết trong ngắn, trung và dài hạn. Tuy nhiên, không phải câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn nào cũng thỏa mãn được người nghe. Nhiều câu hỏi trực diện nhưng Bộ trưởng lại đưa người nghe đi vòng, và cũng lại có đại biểu đặt câu hỏi nhưng nghị trường và cử tri không hiểu đại biểu hỏi gì, nghe như khen Bộ trưởng, thành viên Chính phủ. Vẫn biết, đó là điều mà những người trong cuộc đều không mong muốn, nhưng cảm giác nghe “ cứ sai sai” như đại biểu Ksor H’Bơ Khắp (đoàn đại biểu tỉnh Gia Lai) phát biểu đã thực sự  khiến không ít người thất vọng. Giữa những tai họa đang dồn dập đổ ập vào miền Trung, những câu hỏi của  đại biểu Ksor H’Bơ Khắp và nhiều đại biểu khác về việc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường có ủng hộ xây thêm thủy điện vừa và nhỏ nữa không, mối quan hệ giữa Rừng và Trời, cách xử lý các tấm pin năng lượng mặt trời sau khi các dự án hết thời hạn... và câu chuyện trách nhiệm của người đứng đầu, khi có ý kiến cho rằng sự  chậm trễ trong cảnh báo, cứu hộ là nguyên nhân gián tiếp khiến cho tỷ lệ thương vong và sự khốn đốn của người dân tăng lên...đã nhận được những câu trả lời đại loại “ Rừng quan trọng hơn Trời” ( Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trần Hồng Hà), chưa thực sự làm hài lòng tất thảy các đại biểu và cử tri. Nhưng dù là vậy, phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 đã thể hiện trách nhiệm của các trưởng ngành, và cũng giúp Đảng, Chính phủ đánh giá đúng về người đứng đầu các ngành trước trọng trách được giao. Và cũng không có gì sai khi nhiều ý kiến cử tri cho rằng, phiên chất vẫn và trả lời chất vấn nên được xem là một kênh quan trọng, phục vụ công tác chuẩn bị nhân sự cho các khóa tiếp sau. Bên cạnh đó là căn cứ xây dựng những sách lược quan trọng nhằm từng bước thực hiện thành công các kiến nghị của cử tri, không để phát sinh những vấn nóng trong thời gian tới, sẵn sàng để gặt hái thành công trong tương lai.

Theo Văn nghệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây