Theo Đánh giá công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp nguy hại năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), mức thu phí rác thải tại Việt Nam mới chiếm khoảng 0,5% thu nhập trung bình của hộ gia đình, trong khi quốc tế đề xuất mức phí chi trả chiếm từ 1 - 1,5% thu nhập trung bình của các hộ gia đình. Bên cạnh đó, tỷ lệ thu phí xử lý rác hằng năm tại các địa phương đạt thấp. Đơn cử, mức thu phí tối đa hằng năm tại 4 quận nội thành Hà Nội (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng) là 103,35 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, doanh thu thực tế tại 4 quận này chỉ là 65.817 triệu đồng/năm, tương đương 64%.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường Phan Tuấn Hùng thừa nhận, thực tế, việc thu phí xử lý chất thải sinh hoạt ở Hà Nội và TP. HCM hiện nay theo hình thức hộ gia đình hay đầu người mới chỉ mang tính chất hỗ trợ, còn kinh phí xử lý rác gần như vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách.
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam - PGS.TS. Phùng Chí Sỹ - cũng cho rằng, lâu nay, phí rác thải sinh hoạt được thu theo hộ gia đình mà không quan tâm gia đình đó có bao nhiêu người, xả rác nhiều hay ít. Cách thu này đơn giản, dễ làm nhưng không công bằng, không khuyến khích người dân giảm phát thải rác sinh hoạt.
Thêm vào đó, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền, việc phân loại rác thải tại nguồn dù đã được triển khai ở một số địa phương nhưng kết quả không được như mong đợi do chưa có cơ chế khuyến khích hay động lực kinh tế thúc đẩy người dân thực hiện.
Giới chuyên gia cho rằng, việc sử dụng nguyên tắc chi trả theo mức độ tác động tới môi trường là hoàn toàn phù hợp với xu hướng của các đô thị văn minh.
Theo chuyên gia thuộc Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản Hideki Wada, hệ thống thu phí theo lượng phát thải sẽ phát huy hiệu quả trong 3 trường hợp - khuyến khích phân loại rác tại nguồn; tạo sự cân bằng trong việc tính phí xả rác; đảm bảo nguồn tài chính cho việc xử lý rác.
Việc áp dụng hệ thống này để tạo động lực khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn. Cụ thể, trong hệ thống thu phí theo lượng phát thải, mức phí đóng cho một số loại rác có thể thấp hơn như rác tái chế, tạo động lực cho người dân thực hiện phân loại để giảm phí phải đóng.
Việt Nam nếu thực hiện phân loại rác tại nguồn cho công nghệ xử lý phân compost, cần phân loại rác hữu cơ và các loại rác khác. Mặt khác, địa phương nào áp dụng công nghệ đốt rác thu hồi năng lượng cần phân loại thành rác đốt được và không đốt được.
Để đảm bảo sự công bằng về việc trả phí, người xả nhiều rác phải trả nhiều tiền hơn người nỗ lực giảm thiểu lượng rác xả. Ông Hideki Wada phân tích, tại Việt Nam, trong những năm gần đây ý thức của người dân về quản lý chất thải đã được tăng lên. Tuy nhiên, trong khi một số người nỗ lực để giảm thiểu, phân loại rác, một số người lại gần như không làm gì cả. Như vậy, liệu đó có công bằng khi yêu cầu tất cả phải trả một số tiền như nhau cho các hoạt động thu gom và xử lý rác thải. Vì thế, Việt Nam nếu không áp dụng tính phí theo lượng phát thải sẽ rất khó cải thiện được tình hình.
Việc áp dụng thu phí rác thải theo khối lượng để đảm bảo nguồn tài chính cho công tác quản lý chất thải rắn. Việt Nam cần có thêm kinh phí để ứng dụng các công nghệ hiện đại như đốt rác thu hồi năng lượng. Tại Nhật Bản, những thành phố có áp dụng hệ thống thu phí theo lượng phát thải thì nguồn tài chính cho hệ thống quản lý chất thải rắn vẫn là ngân sách với nguồn thu chính từ thuế. Tỷ lệ thu phí theo lượng phát thải đóng góp cho tổng chi phí quản lý chất thải rắn từ 10% đến 50%. Tuy nhiên, có nhiều địa phương đặt ra mục tiêu thu phí theo lượng phát thải, bao gồm cả việc thành lập các quỹ đặc biệt nhằm thúc đẩy hệ thống tái chế, giảm thải hay để thúc đẩy sự phát triển của các hệ thống tái chế, xử lý rác thải.
Theo cựu Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Kim In Wan, có ba mục đích của việc thu phí rác thải theo khối lượng. Người nội trợ sẽ tìm cách để tiết kiệm bằng phân loại, giảm lượng túi phải dùng và cố gắng giảm thiểu chất thải phát sinh vì thải ra nhiều sẽ phải trả nhiều tiền. Việc phân loại sẽ giúp các nhà tái chế dễ lựa chọn ra loại rác có thể tái chế, thay vì đổ lẫn vào nhau và phải mất thêm một công đoạn phân loại. Ở các địa phương, lượng chất thải phát sinh phải chôn lấp, xử lý sẽ giảm đáng kể.
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam hiện nay cũng tương tự như Hàn Quốc, Nhật Bản trước đây, việc phân loại rác tại nguồn gần như ở con số không. Các giải pháp mang tính phong trào còn rất ít và chưa đủ mạnh mẽ để thay đổi tình thế. Gánh nặng xử lý rác thải ngày càng lớn trên vai của chính quyền địa phương các cấp, gây ra nhiều hệ lụy xấu về môi trường. Trong bối cảnh đó, xả rác phải đóng tiền không phải là câu chuyện thêm một loại phí trên vai người dân mà chính là cụ thể hóa trách nhiệm, nghĩa vụ của dân đối với chính môi trường mà mình đang sống. Điều 79 thu phí rác thải theo cân phải thực hiện chậm nhất vào cuối năm 2024 là quy định được các chuyên gia đánh giá là hợp lý, “muộn còn hơn không”.
Từ thực tiễn của quốc gia phát triển này, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Kim In Wan - người đã 7 năm nghiên cứu thực trạng rác thải ở Việt Nam và là cố vấn xây dựng Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) - khẳng định, nếu khởi động từ bây giờ, Việt Nam có thể thu phí rác thải theo khối lượng trong 5 năm tới.
Theo PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, về nguyên tắc, muốn giảm phát thải rác sinh hoạt, các nước thường “đánh” vào kinh tế - tính phí rác thải cao lên, thải nhiều rác thì trả nhiều tiền, thậm chí tính lũy tiến. Bản thân luật pháp các nước cũng xử phạt rất nặng nếu không phân loại rác nên buộc người dân phải thực hiện nghiêm túc. Ông Sỹ khuyến nghị, để quy định này có thể đi vào cuộc sống, sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Khi người dân nhận thức được lợi ích, họ sẽ tự giác nộp tiền.
GS.TSKH. Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - lưu ý, quan trọng nhất là quá trình thực hiện phải đơn giản, dễ làm, đảm bảo công bằng, bịt được các lỗ hổng, tránh tình trạng tuân thủ chưa nghiêm các quy định của pháp luật hoặc lợi dụng chính sách để trục lợi.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) chỉ quy định nguyên tắc, còn cách thức thu phí rác thải sinh hoạt cụ thể sẽ được hướng dẫn bằng nghị định, thông tư. Dẫn thực tế Hàn Quốc phải mất 10 năm để thực hiện thu phí rác thải theo khối lượng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Để làm được điều này, cần phải có giải pháp đồng bộ ở các khâu, từ phân loại đến thu gom, xử lý. Quan trọng hơn, người dân có nhận thức đầy đủ, nếu họ ủng hộ và trực tiếp làm thì sẽ thành công. Nhà nước sẽ đảm bảo các điều kiện để khi người dân tham gia vào quá trình này cũng được thụ hưởng lợi ích. Gắn với đó là tuyên truyền, giám sát và chế tài xử lý vi phạm”.
Các chuyên gia môi trường đồng quan điểm rằng, việc thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo khối lượng là cần thiết và đúng hướng. Tuy nhiên, điều quan trọng là truyền thông chính sách, giúp người dân dễ hiểu, dễ làm. Để thay đổi thói quen phân loại rác tại nguồn, ngoài tuyên truyền, Nhà nước cần có những chính sách, cơ chế khuyến khích người dân thực hiện. Chỉ như vậy mới đảm bảo sự bình đẳng theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, giảm thiểu tình trạng NSNN lâu nay đang bù lỗ cho dịch vụ công này, đồng thời, tạo ý thức phân loại rác tại nguồn - một tiền đề giúp rác thải trở thành tài nguyên.
Theo thống kê trong năm 2019, tại thành phố Hà Nội, mỗi ngày có đến hơn 4.000 tấn rác được thải ra, số ít trong đó được xử lý, tái chế, phần lớn số còn lại không qua xử lý hoặc sử dụng các biện pháp lạc hậu như đốt, chôn lấp và đổ thẳng ra môi trường.
Trong khi đó, cả nước có hơn 1.000 cơ sở xử lý rác, gồm khoảng 380 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất phân compost, hơn 900 bãi chôn lấp. Có chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, không tuân theo tiêu chuẩn.
Chỉ tính riêng Hà Nội có tới 85 - 90% số bãi chôn lấp rác không hợp vệ sinh. Chính vì thế, các bãi chôn lấp tại các thành phố lớn đang quá tải, gây ô nhiễm môi trường nước và ảnh hưởng đến người dân.
Trung bình, Hà Nội và TP.HCM phải chi 3,5% ngân sách hằng năm để thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của người dân, tương đương khoảng 1.200 – 1.500 tỷ đồng.
Các địa phương khác kinh phí xử lý hàng năm từ 20 – 40 tỷ đồng, trong đó có những địa phương chỉ dành khoảng 3 – 10 tỷ đồng cho việc thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn.
Theo Khánh An/NB&BL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên