Nỗi lo nhập siêu từ Trung Quốc: Giải thích của Bộ Công Thương

Thứ sáu - 20/11/2020 11:07
Trước lo ngại nhập siêu thêm với các đối tác RCEP, trong đó có Trung Quốc, Bộ Công Thương cho rằng “Hiệp định RCEP chắc chắn sẽ không làm trầm trọng nhập siêu”.

Nhập siêu với Trung Quốc sẽ ra sao?

Ngày 19/11, Bộ Công Thương tổ chức buổi trao đổi về các vấn đề xung quanh Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). 

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại RCEP sẽ làm trầm trọng thêm nhập siêu với Trung Quốc và các đối tác khác, bởi 10 tháng năm 2020, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang ASEAN là 18,92 tỷ USD còn nhập khẩu 24,5 tỷ USD. Với Trung Quốc, Việt Nam xuất khẩu 37,91 tỷ USD, còn nhập khẩu lên tới 65,62 tỷ USD.

Thị trường Hàn Quốc, Việt Nam xuất khẩu 16,1 tỷ USD, nhập khẩu 37,47 tỷ USD. Với Nhật Bản, Việt Nam xuất khẩu 15,74 tỷ USD trong khi nhập khẩu 16,55 tỷ USD.

111
Việt Nam nhập nhiều nguyên vật liệu từ Trung Quốc.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho rằng: Với lợi thế về việc hài hòa quy tắc xuất xứ, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với nguồn nguyên liệu đầu vào từ các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc,... để hưởng ưu đãi thuế quan của Hiệp định RCEP, từ đó thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực, kể cả Trung Quốc và một số nước khác. Do vậy, Hiệp định RCEP không tạo thêm “nguy cơ” cho bất kỳ nước nào.

Trong thực tế, Việt Nam đã tham gia với các nước ASEAN và 5 nước đối tác trong RCEP theo các hiệp định FTA giữa nội khối ASEAN, cụ thể là hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các FTA giữa ASEAN với từng đối tác trong số 5 đối tác trên (gọi là các hiệp định FTA ASEAN+1). Vì vậy, quá trình tự do hoá thuế quan với các nước ASEAN được thực hiện trong suốt hơn 20 năm qua và với 5 nước đối tác trên trong khoảng 15 năm qua.

Vì vậy, Bộ Công Thương khẳng định việc thực hiện hiệp định RCEP sau khi được thông qua sẽ không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan đối với Việt Nam.

Với tất cả các nước ASEAN, đây là hiệp định không hướng đến giá trị gia tăng mới về mở cửa thị trường do ASEAN đều đã FTA với các đối tác.

Thay vào đó, Hiệp định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác trong một Hiệp định FTA. Ví dụ, doanh nghiệp chỉ phải sử dụng một quy tắc xuất xứ thay vì 5 bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây. Tương tự, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường.

Do đó, Bộ Công Thương cho rằng về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Với góc độ hài hòa các quy định hiện có của các Hiệp định ASEAN đã có với các đối tác thì Hiệp định được coi là có giá trị cao trong việc giảm chi phí giao dịch, thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường vị trí trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các xung đột về thương mại trong khu vực. Đơn cử như doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, khó tận dụng được ưu đãi do có nhiều quy định khác nhau giữa Hiệp định của ASEAN và các nước đối tác.

Với Hiệp định RCEP, Bộ Công Thương đánh giá “các khó khăn này sẽ giảm đi” do chỉ dùng chung một bộ quy tắc duy nhất và cho phép cộng gộp hàm lượng từ tất cả các nước trong khu vực. Tương tự, trước đây nếu có tranh chấp thương mại với một đối tác lớn thì các nước ASEAN cũng khó giải quyết hơn. Nay với một cơ chế mang tính đa phương với cả 15 nước tham gia thì các quy tắc thương mại sẽ được tuân thủ triệt để hơn.

“Với góc độ như vậy, Hiệp định RCEP chắc chắn sẽ không làm trầm trọng nhập siêu, thậm chí có khả năng cải thiện cho Việt Nam và các nước ASEAN, đặc biệt là trong dài hạn”, Bộ Công Thương khẳng định.

111
Nền sản xuất của Việt Nam còn yếu nên phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu từ Trung Quốc.

Nhập siêu hay không chỉ là một yếu tố

Theo Bộ Công Thương, nhập siêu hay không là một yếu tố cần xem xét, nhưng không phải là yếu tố duy nhất khi cân nhắc lợi ích của các FTA.

Đơn cử như trường hợp chúng ta có FTA song phương và khu vực với Hàn Quốc, nay thêm quan hệ FTA thông qua Hiệp định RCEP. Mặc dù còn nhập siêu lớn nhưng không thể phủ nhận giá trị của các hiệp định này trong việc giúp gắn kết hai nền kinh tế, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và đem lại nhiều giá trị cụ thể cho người dân và doanh nghiệp hai bên.

Khi chúng ta gia nhập WTO, nhập siêu cũng rất lớn nhưng từ việc chấp nhận hội nhập để tự vươn lên thì các doanh nghiệp đã có những bước phát triển vượt bậc, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp không bị giảm đi mà còn tăng lên đáng kể.

“Nay chúng ta đã hội nhập trong nhiều năm nên hy vọng sẽ rút ra được các kinh nghiệm cần thiết để hội nhập thành công khi tham gia Hiệp định RCEP”, Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Liên quan đến thời gian có hiệu lực của hiệp định RCEP, Bộ Công Thương cho biết: Hiệp định RCEP sẽ có hiệu lực khi ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê chuẩn, chấp nhận hoặc phê duyệt hiệp định. Với các nước còn lại, hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày hoàn tất các thủ tục trong nước.

Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình.

Đối với các cam kết thuế quan, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình sau 15-20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6-89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi các nước đối tác xóa bỏ cho ta khoảng 90,7-92% số dòng thuế.

Theo Hà Duy/VietNamnet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây