1. Mấy ai, kể cả những người yêu và chọn nghề giáo ngờ được rằng, ở một đất nước có truyền thống hiếu học, thậm chí từng đặt địa vị của người thầy trên cả người cha, thì người thầy lại nghèo, lại đói.
Thời bao cấp, nhiều thầy cô ngoài giờ dạy phải lặn lội ruộng đồng, hay buôn thúng bán bưng… Ấy là tình cảnh chung. Nhưng thời mở cửa, nhiều ngành nghề phất lên mà người làm nghề cao quý lại nghèo vẫn hoàn nghèo.
Thậm chí khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục, thì bỗng ngày 14/1/2009, đích thân Phó Thủ tướng – Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã phải phát đi “thư kêu cứu” cho hàng triệu nhà giáo Việt.
Trong thư, ông Nhân kêu gọi các tỉnh, thành phố vận động doanh nghiệp giúp các thầy cô có “mâm cơm để cúng ông bà tổ tiên, có được chiếc áo mới cho cha mẹ, con cái, có được chiếc bánh chưng, bánh tét ăn ngày mùng một Tết”.
“Tết thì chết giáo viên” là câu ám ảnh nhà giáo suốt mấy chục năm trước đó, mà sang thế kỷ 21, họ vẫn phải mơ về một mâm cơm, tấm áo.
Thậm chí chỉ vừa mới đây thôi, thầy cô bám bản ở xã An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định đã phải vào làng xin ăn. Trong khi họ, chính họ là những biểu tưởng đẹp nhất về sự hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Ngành giáo dục năm này qua năm khác chỉ ra rả “lời tri ân”.
2. Còn nhớ, trước khi phát đi lời kêu cứu năm 2009, thì vào 17/11/2006, tại cuộc gặp các tân Nhà giáo Nhân dân, tân Giáo sư, ông Nguyễn Thiện Nhân nói bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương, để đến năm 2010 nhà giáo có thể sống được bằng lương.
Thầy cô đã chờ tới 2010, rồi chờ tới giờ là thêm 10 năm nữa, mà đời sống của họ cũng chẳng bớt đi nhọc nhằn. Thật may, họ vẫn dấn thân, chấp nhận sống đạm bạc, dù phải đối diện với muôn vàn áp lực, lúc vật giá leo thang, lúc “tư lệnh ngành” hết bắt “đổi mới" rồi "cải cách"...
Sau ông Nhân, tới ông Phạm Vũ Luận, cũng chỉ nói được một câu đáng nhớ và đáng quên “tôi xin chia sẻ những khó khăn này” trước các giáo viên vùng cao đang tứ bề khó khổ.
Nhưng cũng năm 2014 ấy, tên Bộ trưởng Luận gắn với sự kiện “34.000 tỷ đồng làm sách giáo khoa”. Dù ông Luận làm gì đi nữa, làm sách, lo cho nghiên cứu, đào tạo, đi học tập kinh nghiệm nước ngoài,… thì con số 34.000 tỷ đồng ấy so với cảnh thầy cô còn thiếu ăn thiếu mặc là sự tương phản cực kỳ chua chát.
Sang thời ông Phùng Xuân Nhạ, ngày 16/11/2017, ông lại hứa “sẽ đồng hành, tăng lương cho giáo viên”. Nhưng năm 2018, giáo viên THCS lương 2 triệu đồng/tháng, THPT 3 triệu đồng/tháng - mức lương phải gọi đúng là “chết đói”. Trong khi đó, tiền thuê người giúp việc theo tháng đã là 5 triệu đồng.
Bộ trưởng quên mất thầy cô giáo cũng là người, cũng bằng xương bằng thịt, cũng trĩu nặng bổn phận, lo toan. Họ không sống được thì làm sao làm tốt công việc?
3. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”.
Và cũng có thể hiểu đó còn là lời nhắn nhủ, dặn dò, mong đợi thuộc cấp và lãnh đạo ngành giáo dục các thời kỳ của cố Thủ tướng về vai trò, tầm vóc của nhà giáo.
Gần 40 năm đã qua, thầy cô nào đã bớt những giọt nước mắt “chảy ngược vào lòng”?. Bởi chỉ nói về lương, phải tới năm 2022 giáo viên mới có lương mới, khởi điểm dự kiến khoảng 6 triệu đồng/tháng, vẫn thua người giúp việc.
Bao năm qua, không biết bao lượt nhà giáo đã nêu ý kiến, yêu cầu người đứng đầu ngành giáo dục thực hiện lời hứa tăng lương, để họ có thể sống được, sống đàng hoàng bằng lương, để không còn cảnh các lớp dạy thêm bị "săn bắt", mà hình ảnh, từ ngữ nào cũng làm đau thương người dạy học.
Bộ GD&ĐT thì vẫn vậy, vẫn mau mắn dành những mỹ từ “cao quý”, “hạnh phúc giản đơn”,… để động viên thầy cô bám làng, cắm bản, tiếp tục hiến dâng, thay vì bằng mọi giá nâng mức sống đáng kể cho họ. Không thể nói rằng Bộ chủ quản không quyết tâm. Họ có yêu cầu, kiến nghị, đề xuất tăng lương cho nhà giáo. Nhưng quyết tâm có lớn bằng quyết tâm dành cho các đề án “đổi mới” thi cử, làm sách hay không, chỉ Bộ trưởng mới có thể trả lời.
Lương giáo viên vẫn lè tè ở đáy xã hội, trong khi hàng loạt dự án, đề án “cải tiến – cải lùi” trong giáo dục lũ lượt ra đời, nuốt ngàn vạn tỷ đồng ngân sách mà hiệu quả mơ hồ. Điều đó, càng làm đau những người dạy học.
Ngày 20/11 của năm 2020, những nhà giáo cao quý cả về tri thức và phẩm cách vẫn phải vượt qua mọi khó khăn để sống và làm việc. Có lẽ chính nhờ tình yêu và say mê với sự nghiệp trồng người, không phải vì đồng lương “chết đói” hay mấy lời hứa gió bay của ông Bộ trưởng!
Theo Kiên Giang/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên