Hoặc sẽ bị phạt nặng, rất nặng, thậm chí bêu gương, hoặc sẽ phải dùng những đồng vốn ít ỏi còn lại để nộp thuế trước - tình huống được ngành thuế tạo ra từ Nghị định 126 đang khiến cộng đồng doanh nghiệp choáng váng.
Choáng váng, bởi theo Nghị định 126: Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế cả năm. Trường hợp DN nộp thiếu sẽ phải nộp tiền chậm nộp.
Báo chí dẫn lời các quan chức ngành thuế cho đây là một quy định kiểu “bịt kẽ hở” với 2 lập luận chính: Thực trạng nhiều DN lợi dụng quy định về tính tiền chậm nộp không thực hiện tạm nộp hằng quý mà để dồn đến thời hạn nộp thuế của quý IV... Từ đó thuế TNDN phát sinh phải nộp trong năm ngân sách trước đó bị chiếm dụng và nộp vào năm ngân sách kế tiếp, gây ảnh hưởng đến cân đối NSNN hằng năm. Lập luận thứ 2 là “Các DN đều có phương án và kế hoạch sản xuất kinh doanh, hoàn toàn chủ động trong việc xác định/ước tính kết quả để thực hiện quy định tạm nộp thuế”.
Bản chất của quy định này là ngành thuế không tính đến những hoàn cảnh bất khả kháng do dịch bệnh.
Sẽ có tình huống là nếu doanh thu và lợi nhuận quý IV “gánh” cho cả năm thì có nghĩa DN sẽ bị phạt nặng, thậm chí, bị “bêu gương”, bị coi như “kẻ gian” nếu nộp ít hơn 75%.
78.300 DN đã phải rút khỏi thị trường trong 9 tháng của một năm mà đại dịch COVID-19 đánh tan túi tiền, tài sản tích lũy trong nhiều năm của các DN.
Bắt doanh nghiệp phải tính nộp trong một năm không thể chủ động, không biết ngày mai sẽ thế nào khi dịch bệnh vẫn hoành hành khắp thế giới, khi dự báo về một mùa đông ảm đạm. Và khi còn chưa kịp hoàn hồn - đó không chỉ là sự máy móc nữa khi buộc doanh nghiệp đứng trước sự lựa chọn: Hoặc phải dùng chính những đồng vốn ít ỏi còn lại để nộp thuế trước cho Nhà nước; hoặc nguy cơ chịu lãi “cắt cổ” tiền nộp chậm.
9 tháng khốn đốn. Phải tính đếm từng xu từng cắc. Dè xẻn từng đồng còn lại. Những tháng cuối năm, theo thông lệ là những tháng “củ mật” với nhiều ngành nghề, đó là những tháng gánh doanh thu, lợi nhuận cho cả năm. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp đang rất cần tiền để sản xuất kinh doanh trở lại. Nếu không hỗ trợ, giúp được gì cho họ thì cũng không nên thi hành trong thời điểm hiện tại một chính sách không khuyến khích doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, đánh đố, dồn doanh nghiệp vào thế khó trong hoàn cảnh dịch bệnh.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên