Tết năm 2017, tại làng chài xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân Đỗ Văn Vo, sinh năm 1990 và một toán ngư dân lên kế hoạch mở phiên biển ra Thái Bình Dương. Nhiều ngư dân nghe có ngư trường mới vẫn sẵn sàng liều lĩnh để đổi đời. Các ngư dân phải chuẩn bị kỹ về mọi mặt. Bởi chiếc tàu vỏ gỗ sẽ chở theo khoảng 60.000 lít dầu và từ Quảng Ngãi đến điểm đánh cá phải đi liên tục trong khoảng thời gian 29 ngày. Đó là một chuyến đi kinh khủng của một chiếc tàu nhỏ giữa Thái Bình Dương. Bởi các hệ thống thông tin sẽ mất tín hiệu khi tàu ra khỏi biển Đông; Máy định vị vệ tinh sẽ hiển thị nhiều thông số lạ khi tàu đi sang vùng bán cầu khác.
Tạm biệt đứa con nhỏ vừa sinh được vài tháng, anh Vo và các ngư dân lặng lẽ xuống tàu, vượt ra khỏi trạm kiểm soát biên phòng. Đối với các ngư dân ở làng chài, muốn đổi đời, muốn có vốn để khi trở về hùn nhau mua một chiếc tàu mới rồi bắt đầu một cuộc đời mưu sinh, làm chủ tàu thì phải làm liều. Đi ra Thái Bình Dương rất dễ bỏ mạng. Tuy nhiên, các ngư dân vẫn liều mình lên tàu nhổ neo.
Để vượt qua chặng đường dài thăm thẳm này, thuyền trưởng không dám cho tàu chạy nhanh để dưỡng máy. Chiếc tàu nương theo dòng chảy để đi cắt qua khoảng giữa các đảo của Philippines để ra Thái Bình Dương mà không phải đi qua eo biển Malaccar. Trong số các ngư dân này, nhiều người từng bị bắt giữ tại vùng biển của Úc vào năm 2013 khi đi trên tàu cá của ngư dân Tiêu Chánh, quê ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu. Lần đi này, để lọt khỏi hệ thống giám sát đại dương của Úc, chiếc thuyền rẽ về hướng quốc đảo Solomon. Đây là quốc gia kỳ lạ - dân số 679.912 người, dân bản địa là người Melanesia, là một trong 6 quốc gia Thái Bình Dương và 17 quốc gia trên toàn thế giới từng công nhận chính quyền Đài Loan, tiếng Anh là ngôn ngữ chính, ngoài 60 thổ ngữ địa phương. Nhìn người dân nước này có vài điểm giống Việt Nam 100 năm về trước, đó là người dân vẫn nhai trầu, thủ đô là tuyến đường dài vài km, nhưng đi sâu vào bên trong là những con đường đất, nhà cửa tạm bợ.
Từ Solomon muốn về Việt Nam bằng đường hàng không thì phải bay 3 giờ sang Brisbane của Úc, sau đó bay thêm 7 giờ tới Singapore và thêm 2 giờ nữa để về Việt Nam. Báo chí ở Úc, Papua New Guinea, Micronexia…đều đăng bài về "blue boats" rồi đặt câu hỏi, vì sao những chiếc tàu nhỏ này có thể đến được tận Thái Bình Dương?
Nhiều năm trước đó, ngư dân Việt Nam thường bị bắt tại các ngư trường nằm tại khu vực biển Đông như Indonexia, Malaysia, Philippines, nhưng năm 2017, Liên minh Châu Âu rút thẻ vàng đối với ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Lý do khiến sự vụ này được kích hoạt, đó là do ngư dân đi lặn bắt trộm hải sâm ở các quốc đảo trên Thái Bình Dương như: Palaus, Micronexia, Papua New Guinea… Các quốc đảo trên Thái Bình Dương đều nằm dưới sự bảo trợ của Mỹ, Pháp, Anh.
Con tàu khi đi qua vùng biển Salomon lặn hải sâm thì bất ngờ bị bắt giữ. Cả 3 tàu cá đi theo nhóm nên đều lần lượt bị tàu tuần tra bắt được, 43 ngư dân bị nhốt tù một thời gian, sau đó được thả về và chỉ 3 thuyền trưởng bị giữ lại. Nhà chức trách Solomon tuyên bố, 3 thuyền trưởng nếu nộp phạt số tiền tương đương 34 tỷ VND thì mới được về, còn nếu không sẽ thụ án 3 năm tù giam.
Khi các ngư dân mới vào tù, ông trưởng tù mang đồng đô la Solomon có in hình người da đen thổi ống tre ra và cho biết, mỗi ngày tù nhân sẽ được ăn 3 bữa, hết 1,2 triệu đồng, số tiền này do chính phủ Anh chi trả. Các ngư dân hàng ngày phải đi lao động, trồng rau, bắp cải, củ cải, được trả lương 1 đồng 20 xu/ngày. Để có thể giao tiếp với tù nhân, 3 ngư dân đã phải nỗ lực tự học tiếng Anh ngay trong tù, cai tù cũng tổ chức lớp dạy tiếng Anh cho các ngư dân Việt Nam. Thổ dân Melanesia tỏ vẻ thân tình với các ngư dân Việt Nam. Lý do có sự kết nối nhanh chóng này, đó là thỉnh thoảng các tù nhân vào thư viện lấy ra cuốn sách tiếng Anh, trang bìa có in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh và tỏ vẻ thán phục.
Một thổ dân người Melanesia lãnh án chung thân dẫn ngư dân Đỗ Văn Vo vào phòng trong nhà nhà tù và ra hiệu đây là thư viện. Dưới nền đất, nhiều người nằm, ngồi ngổn ngang đọc sách. Dù là một quốc đảo nằm giữa Thái Bình Dương, nhưng không khí nơi này luôn hầm hập nóng và có lúc lên đến 50 độ C. Việc đọc sách để giết thời gian và quên đi cái nóng thiêu đốt.
Ngư dân Đỗ Văn Vo giật mình khi người thổ dân này dẫn anh đến góc quầy và rút ra một cuốn sách có in hình người phụ nữ Việt Nam rồi ra hiệu: “phụ nữ Việt Nam đều là tướng cầm quân, đánh trận giỏi, làm việc như đàn ông…”. Đó là một trong nhiều kỷ niệm của các ngư dân trong những ngày ngồi tù ở quốc đảo Salomon giữa Thái Bình Dương.
Các thổ dân da đen ra hiệu, Việt Nam dám đánh nhau với Mỹ, pằng pằng và thắng luôn cả Mỹ. Việt Nam ... Ok!.
Trong thời gian ngồi tù, các ngư dân phải trả lời câu hỏi được lặp đi lặp lại nhiều lần nhất: “đi bằng thuyền nhỏ, làm sao có thể sang được tận Solomon?”. Cai tù cho biết, ngay cả Tổng thống của họ cũng đặt câu hỏi này. Anh Vo và các ngư dân khai, ngư dân đi băng qua các điểm tiếp giáp, các đảo của Philippines, sau đó ra Thái Bình Dương. Để đến nơi xa xôi vạn dặm này, ngư dân phải đi hết 29 ngày, tiêu tốn 20 ngàn lít dầu diezel cho một chiều đi, trình độ đi biển của người Việt Nam rất giỏi…”. Dường như cảnh sát của Solomon vẫn không tin vào lời khai, họ lấy chiếc máy định vị trên tàu cá ra săm soi với vẻ đăm chiêu. Có người lau mồ hôi và nhìn các ngư dân Việt Nam rồi gật đầu ra hiệu “kinh khủng, dám đi từ Việt Nam sang tận nơi này”.
Theo NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên