Sau 3 ngày 23-25/11, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khép lại với việc bầu ra 11 thành viên trong Ban Chấp hành khóa mới, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch. Cuộc bầu chọn Ban Chấp hành khóa mới được xem như một sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam. PV VOV phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi đảm nhận cương vị mới.
PV: Sau nhiệm kỳ 20 năm làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam của nhà thơ Hữu Thỉnh, là người kế nhiệm, ông có những áp lực gì?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ, nhà thơ Hữu Thỉnh đã tạo ra một vùng riêng của Hội Nhà văn Việt Nam trong suốt 20 năm theo cách thức của mình. Dù có tuyệt vời bao nhiêu, chúng tôi cũng phải có những đổi mới.
Thuận lợi là so với Ban Chấp hành cũ có 6 người, chúng tôi có nhiều người hơn để chia sẻ. Nhưng khó khăn là làm sao để gắn kết 11 người với nhau khi mỗi người một cá tính, một quan điểm sáng tác. Nhưng Ban Chấp hành không thể mỗi người đi một đường. 11 con ngựa phải cùng kéo một cỗ xe mang tên Hội Nhà văn. Đại hội đã chọn lựa ra một nhóm chúng tôi, chọn ra 1 người đứng đầu. Tôi cho rằng đó là sự chọn lựa chính xác từ những đại hội cơ sở đều được phiếu tín nhiệm cao, tương đồng với đại hội lần này. Các nhà văn có thể rất vui, có thể lãng mạn, nhưng khi lựa chọn một nhân vật, những người đại diện cho mình thì họ rất khó tính. Tôi cho rằng, sự lựa chọn này đã giúp chúng tôi có được những gương mặt khả ái, những gương mặt chúng tôi đã từng làm việc, chia sẻ với nhau, bây giờ gắn kết với nhau. Trách nhiệm cao nhất thuộc về người đứng đầu, làm sao để gắn kết, chia sẻ và cùng bước đi vì một nền văn chương, vì con người, vì đức hạnh, vì công cuộc chống lại bóng tối và kêu gọi mọi người làm điều thiện.
PV: Nhiều hội viên đã bày tỏ sự vui mừng và chờ đợi những đổi thay, những cái mới từ Ban Chấp hành mới. Ông có thể cho biết mình sẽ đổi mới những gì?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Bây giờ cụ thể đổi mới như thế nào thì chưa nói được. Nhưng tinh thần là chúng tôi sẽ bàn bạc kỹ lưỡng nhất để làm sao những đổi mới đó phù hợp với dòng chảy chung của thời đại. Đổi mới nhưng không trở nên xa lạ và cách biệt với công chúng, với bạn đọc và ngay cả với những đồng nghiệp nữa. Đó là sự đổi mới trong việc kết nạp hội viên, việc trao giải thưởng, tạo ra một nền văn học thiếu nhi, giao lưu văn học nước ngoài hay trong việc giới thiệu nền văn học Việt Nam, chân dung văn học Việt Nam ra thế giới…
Đặc biệt, tôi nghĩ đổi mới ở đây cũng là việc đánh thức những tiềm năng, những điều gì đó còn ẩn chứa trong người viết. Hội Nhà văn Việt Nam không phải là người bảo nhà văn viết như thế nào hay viết ra sao, mà chỉ ra cho hội viên thấy rằng, họ cần thiết, họ quan trọng, họ có trách nhiệm, nghĩa vụ lên tiếng về vẻ đẹp, dân chủ, tự do, về những điều tốt đẹp nhất cho con người.
Tôi rất tin tưởng những thành viên trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam lần này là những người so với tuổi Ban Chấp hành nhiệm kỳ trước là trẻ. Đặc biệt là nhiều người xuất hiện trong thời kỳ đổi mới. Điều đó rất phù hợp, là nhân tố quan trọng khởi đầu cho chủ trương đổi mới của chúng tôi.
PV: Những người đặt cược vào Ban Chấp hành mới sẽ có một nhiệm kỳ thành công liệu có quá tự tin hay không?
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Họ đặt cược vào một sự đổi mới. Bản chất chúng tôi là những người đổi mới. Khi những nhân tố đổi mới cộng lại với nhau, sẽ có những thay đổi. Chúng tôi tin rằng sẽ làm tốt hơn, cố gắng bớt đi những khiếm khuyết chúng tôi đã mắc trong nhiệm kỳ trước về việc kết nạp hội viên, tìm kiếm tác phẩm để tôn vinh, đối với văn học thiếu nhi, dịch và truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới. Hội Nhà văn luôn muốn văn học đổi mới lên, mạnh mẽ lên và làm sao cho vị thế văn học Việt Nam lan tỏa ra thế giới. 2 điểm đó, chúng tôi nỗ lực hết sức.
PV: Từng giữ vị trí Phó Chủ tịch Hội Nhà văn trong 10 năm qua, ông nắm được nhiều vấn đề tồn đọng, những ồn ào xung quanh việc kết nạp hội viên, số lượng hội viên trẻ còn rất ít, thiếu vắng văn học thiếu nhi… mà Ban Chấp hành trước chưa giải quyết được. Đây sẽ là trở ngại với Ban Chấp hành mới?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Vừa là trở ngại, cũng vừa là nhiệm vụ. Không ai làm được điều gì trọn vẹn. Những dư luận trong kết nạp hội viên hay dư luận về giải thưởng, có những luồng dư luận chúng tôi phải suy nghĩ khi tôi ở Ban Chấp hành cũ. Nhưng cũng có những dư luận là những ý kiến không thiện chí, không đóng góp. Cho nên, Ban Chấp hành phải hiểu ý kiến nào là thiện chí, là đúng đắn, phải tiếp thu phải thay đổi. Ý kiến nào chỉ là thị phi thì phải đủ bản lĩnh để đi qua nó. Tôi nghĩ Ban Chấp hành phải có bản lĩnh để quyết định số phận cuốn sách, quyết định những người vào hội.
Tất nhiên, trong việc kết nạp, cũng có những điểm lỏng tay, cũng có những trường hợp, chúng tôi phải hủy quyết định đi. Có những tác phẩm chúng tôi chưa thống nhất được. Tới đây sẽ cải tiến hơn từ hội đồng, người đề cử phải có trách nhiệm với tác phẩm, chứ không phải thích ai thì đề cử. Hội đồng chuyên môn phải lập hồ sơ để bảo chứng cho tác phẩm đó. Ngoài ra cần có hội đồng tư vấn là các chuyên gia bên ngoài, những bạn đọc bên ngoài để đi đến quyết định cuối cùng.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, các nhà văn đang e ngại viết về những vấn đề nóng trong xã hội, những vấn đề nhạy cảm như chống tham nhũng... Với cương vị mới, ông làm thế nào để thúc đẩy các nhà văn trong việc sáng tác?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Vẫn có những tác phẩm như vậy, nhưng chưa được xuất bản trong thời gian này. Chúng tôi sẽ nỗ lực làm việc đó. Bởi vì Hội Nhà văn sẽ phải làm việc với rất nhiều các cơ quan liên quan về quản lý báo chí, quản lý xuất bản để làm sao chúng ta thấu hiểu hơn rằng ở đó không phải tác phẩm “vạch áo cho người xem lưng” mà là tác phẩm lý giải những vấn đề của tội phạm, những vấn đề của tham nhũng, những vấn đề đạo đức con người đang xuống cấp, mang tính cảnh báo con người, cảnh báo những cơ quan quản lý được tốt hơn.
PV: Đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông định làm gì cụ thể để nâng cao chất lượng sáng tác cũng như đời sống hội viên?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Sáng tác thuộc quyền của mỗi người. Ban Chấp hành không ai can thiệp vào được. Nâng cao chất lượng sáng tác là thách thức đối với từng hội viên. Hội Nhà văn chỉ là nơi tôn vinh đúng nhất các tác phẩm, kêu gọi năng lượng và đánh thức những khả năng kỳ diệu nhất của nhà văn chứ không bao giờ chạm được vào ngòi bút của các nhà văn, thông qua các hoạt động hội thảo chuyên đề, giao lưu, dịch thuật, giải thưởng...
Việc của Ban Chấp hành là chúng tôi phải công bằng với các tác phẩm, công bằng với các hội viên. Chúng tôi phải tìm cách truyền cảm hứng cũng như tìm cách làm sao cho họ giao tiếp, kết nối với những nhà văn lớn trên thế giới.
PV: Trên cương vị mới, ông có định hướng phát triển văn học thiếu nhi cụ thể như thế nào?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn ban văn học thiếu nhi. Sẽ xin phép các cơ quan quản lý thành lập quỹ văn học thiếu nhi. Chúng ta đang có nhiều sách thiếu nhi, nhưng rất nhiều sách đó lại là sách dịch. Những cuốn sách đó đều tốt, nhưng tôi nghĩ những đứa trẻ phải được lớn lên trong chính nền văn hóa của chúng chứ không phải nước khác. Đó mới là điều quan trọng.
Chúng tôi sẽ xin ý kiến thành lập giải thưởng văn học thiếu nhi riêng ngoài giải thưởng Hội Nhà văn để đặt cược lòng tin vào những tác phẩm đó. Cho dù những tác phẩm đó có thể đầy mơ hồ, mong manh giữa ranh giới điều này hay điều khác.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Theo Hà Phương/VOV.VN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên