Không chỉ trả thù kẻ đã “cướp tình yêu” của đời mình bằng những đòn đánh, mà còn phải cho con người ấy nhục nhã đến tận cùng, đến không thể ngẩng mặt lên… Bằng cách quay lại trận đánh ghen ấy và post lên mạng xã hội…
Nỗi sợ hãi của một con người bị lấy mất một thứ tình cảm, một chỗ dựa… từ chỗ đau đớn và tuyệt vọng, bỗng chốc biến thành cơn cuồng nộ. Một mình chưa đủ, họ cần thêm sự giúp sức của bạn bè và người thân để cơn cuồng nộ ấy đạt tới đỉnh của sự thỏa mãn cơn giận.
Phần lớn những con người ấy, bao gồm cả người “chủ mưu” lẫn người hợp sức, bình thường chẳng ai hung hãn đến thế. Nhưng đây là một tình huống mà họ phải chứng tỏ “sức mạnh” của họ trong mắt những người còn lại, cùng với đó là sự hả hê cần thiết của đám đông khi cùng nhau chống lại một “kẻ xấu” dám làm hại người thân yêu của mình.
Những vụ án đánh ghen có bản án rõ ràng, những phiên tòa xử tội cố ý gây thương tích về thể chất lẫn tinh thần của người khác, thông qua chứng cứ là các clip đánh ghen trên mạng, được tường thuật không thiếu trên tất cả các phương tiện truyền thông… Song, lúc nỗi sợ hãi biến thành cơn giận, tất cả những gì mà những người đi đánh ghen ghi nhớ trong đầu chỉ đơn giản là: “Phải nhục mạ người kia cho bằng được bất chấp mọi chuyện sau đó có ra sao”. Cho đến khi đứng sau song sắt, giật mình nhận ra, mới thấy lòng tràn ngập một nỗi hối hận vì mình đã không tỉnh táo…
Giáo dục của chúng ta, phần lớn, dạy con người cách nắm bắt và theo đuổi mục tiêu, tham vọng, ước mơ… Thế nhưng lại rất ít khi dạy cách bỏ xuống muộn phiền, sự giận dữ… để trả mình về đúng giá trị thật của con mình, trả lại cho mình một cuộc sống nhiều sự bao dung và tử tế. Vì rất ít người được học hoặc không xem trọng cách giải phóng năng lượng tiêu cực ra khỏi bản thân, cho đến lúc gặp chuyện thì đều chỉ biết gục đầu hối lỗi sau giây phút gây ra những sự việc có tác hại khôn lường.
Lẽ ra, những bài học đầu tiên trong tình yêu, trong hạnh phúc gia đình không phải là việc vun vén, chăm sóc, tận tụy, nương tựa… như lâu nay chúng ta hay nói, mà phải là những bài học về việc nói ra những điều không vui, chia sẻ về những bất đồng, bày tỏ về các khúc mắc và quan trọng nhất học cách chấp nhận những thứ vốn dĩ không thể thay đổi được.
Thứ hiện thực dù tàn nhẫn đến mấy mà một ngày kia chúng ta buộc phải đối diện- chúng ta phải giải quyết nó ra sao bằng nhận thức thấu hiểu về thứ cảm xúc buông bỏ từ bên trong, chứ không phải là những đòn thù bằng tay chân hay ý nghĩ hằn học.
Mạng xã hội phát triển, nó giúp cho con người ta có cơ hội nhận ra mình có thể cất lên tiếng nói cá nhân một cách mạnh mẽ, nhưng đồng thời nó cũng sẽ khiến cho con người “phát tiết” ra những cảm xúc xấu xí với hy vọng được đồng cảm từ đám đông trên không gian ảo kia…
Những vụ đánh nghen rồi cũng sẽ tiếp diễn, những clip ghi lại khung cảnh sự việc “trả thù tình cảm” không vì những phiên tòa luận tội đã diễn ra mà bớt được post lên mạng… Thì chỉ còn một cách, khi mà giáo dục chưa tiếp cận được phần nhận thức về sự buông bỏ cực kỳ quan trọng ấy, chúng ta- mỗi con người, phải tự giúp mình thay đổi cách nhìn nhận về tình yêu.
Chúng ta đọc sách, xem phim, lắng nghe, quan sát, tiếp nhận… để gia tăng càng nhiều những cởi mở và bản lĩnh khi đối diện một sự tổn thương về tình cảm trong đời sống. Quan trọng nhất, chúng ta phải biết rằng trong bất kỳ một biến cố nào xảy ra trong đời, ít nhiều đều sẽ có dấu chân của chúng ta dự phần trong đó. Hãy hiểu điều ấy để nhận ra chúng ta có một phần lỗi…
Lỗi lầm xảy ra là để tha thứ. Và người mạnh mẽ bao giờ cũng là người biết tha thứ cho những nỗi đau trong lòng mình nhiều nhất!
Chúng ta ai cũng cần phải sống cuộc đời của mình, vui hay buồn là do mình chọn. Mà chắc chắn rằng, không ai vui được những niềm vui thật sự dựa trên cảm xúc của sự trút xuống những cơn cuồng nộ dành cho một người khác trong cuộc đời này.
Theo VietNamnet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên