Nạn tham nhũng dưới triều Nguyễn: Phát lộ hàng ngàn trang tấu sớ có bút phê của nhà vua

Thứ hai - 09/11/2020 11:25
Trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn (1802-1945) gặp không ít khó khăn trong việc ngăn chặn vấn nạn tham nhũng đối với quan lại.
111
Xử án thời xưa. Ảnh: TL.

Năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), trước tình hình tham nhũng ở Bắc thành, nhà vua đã xuống dụ rằng: “Trẫm nghe tin ở Bắc thành, mỗi khi có việc bắt bớ là gây sự nhũng nhiễu nhân dân, làm chốn dân làng khốn khổ, nên có câu phương ngôn rằng: ‘thà bị mất trộm còn hơn đi báo quan’, tai hại đến thế là cùng”.

Chính sử không ghi

Di sản tư liệu thế giới Châu bản triều Nguyễn là sử liệu có độ chân xác cao, có ngự phê bằng mực son của các hoàng đế, có tới hàng nghìn trang ghi lại hàng trăm vụ án lớn nhỏ về tệ tham ô, nhũng lạm, nhận hối lộ, lấy trộm công quỹ, cũng như các “phương thuật” răn trừng nạn tham nhũng của triều đại này.

Đa số các vụ án đã được Đại Nam thực lục, Minh Mệnh chính yếu chép lại; tuy nhiên vẫn còn không ít vụ án không được biên chép trong các bộ chính sử này.

Vụ án Tri huyện huyện Tân Hòa Nguyễn Chính Quang tham nhũng triều vua Minh Mệnh được Châu bản ghi khá rõ, nhất là những việc làm“gian dối, tham nhũng; lại dựa vào sửa sang đường đi, phòng ốc yêu sách đòi hối lộ tiền bạc” khiến viên tri huyện này bị cách chức để điều tra vụ ánTuy nhiên, vụ án này không thấy ghi chép trong các bộ chính sử triều Nguyễn.

Sau khi nối ngôi, vua Thiệu Trị đã cho nghiêm trị nhiều quan tham lại nhũng. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), viên Tri huyện huyện Vĩnh Trị Nguyễn Quang Chất bị đưa ra xét xử vì tội tham nhũng. Chỉ trong vài năm viên quan này đã tham nhũng hơn 363 lạng bạc nên bị xử “sớm thi hình ở chợ để vui lòng người. Nguyễn Quang Chất cho áp giải tới chợ lập tức hành hình để răn những kẻ tham lại nhiễu dân”. Cùng bị đưa ra xét xử trong vụ án này có nguyên Án sát Lê Văn Khiêm bị cách chức, cho đi hiệu lực; Án sát Nguyễn Sĩ Đăng giao bộ nghiêm xét nghị xử…

Ngoài ra còn nhiều vụ án khác như nguyên Bố chánh sứ Cao Bằng Trần Đôn Phục tham nhũng tiền gạo công hay viên phủ Lý Nhân Nguyễn Danh Kế và thuộc viên phủ nha tham nhũng, sách nhiễu đòi tiền hối lộ của dân… dưới triều vua Tự Đức.

Qua khảo sát khối Châu bản triều Nguyễn hiện lưu trữ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Số 5, Vũ Phạm Hàm, Hà Nội (có khoảng 800 tập, với khoảng 85.000 văn bản) và đối chiếu với các bộ chính sử triều Nguyễn chúng tôi thấy thông tin các vụ án tham nhũng ghi trong Châu bản khá chi tiết, cụ thể. Trong khi đó, thông tin ghi trong chính sử nhiều khi chỉ tóm tắt những nội dung chính yếu. Vụ án Bố chánh Ninh Bình Lê Nguyên Hy và Án sát Ninh Bình Nguyễn Bá Thản tố cáo tội tham nhũng của nhau là một ví dụ.

Theo đó, Châu bản triều nguyễn ghi chép rất cụ thể những hành vi sai trái của Bố chánh Lê Nguyên Hy và việc cho người đi sách nhiễu dân của Án sát Nguyễn Bá Thản. Châu bản cho biết Bố chánh Lê Nguyên Hy đã “cho viên Chủ thủ mở kho thóc, chọn thóc mùa” và “phát cho thuyền hộ Lê Huân nhận thóc từ ngày mồng 10, 11, 12 chở xuống chiếc thuyền buôn, hiện đã chuyển được hơn 470 hộc”. Đồng thời, Án sát Nguyễn Bá Thản cũng bị hạch tội “sai người thân là tên Cam và tên Tường đi khắp huyện này (huyện Lạc Thổ) làm việc công. Nhân đó, đã đòi hỏi, hạch sách, đòi tiền của, cơm gạo, đồ dùng và trên đường tùy tiện bắt phu xe kéo xe chở đi, có gì không vừa ý ra sức đánh đập, dân trong huyện khổ sở”.

Trong khi đó, Đại Nam thực lục chỉ tóm tắt: “Hy tự tiện mở kho công, vận tải thóc riêng” và “Thản sai người nhà đi sách nhiễu thổ dân”.

Cố giáo sư Phan Huy Lê trong Lời giới thiệu sách Mục lục Châu bản triều Nguyễn tập 1, NXB Văn hóa Thông tin xuất bản năm 2010 chia sẻ: “triều Nguyễn khi biên soạn bộ chính sử chính thống của vương triều đã sử dụng nguồn tư liệu Châu bản, nhưng mới chỉ khai thác một phần thông tin theo yêu cầu biên soạn sử vương triều”. Từ ý kiến của cố giáo sư và qua khảo sát nguồn sử liệu này có thể khẳng định Châu bản còn rất nhiều thông tin “tiềm năng” rất cần được khai thác trong thời gian tới.

Tham nhũng khắp bộ máy quan lại

Khảo sát Châu bản triều Nguyễn cho biết tệ tham nhũng diễn ra ở khắp nơi, từ quan lại trung ương tới chính quyền địa phương; từ các viên phó sứ, thống lãnh, quản vệ trong quân đội cho tới các giám thủ, giám lâm coi giữ kho tàng. Một vài ví dụ dưới đây cho biết phần nào điều này.

111
Bản phụng dụ của Nội các về việc phái Tuần phủ tỉnh Hưng Yên Hà Thúc Lương làm Quyền hộ quan phòng Tổng đốc Định Yên
tra xét tội trạng tham nhũng của Án sát Lê Hữu Đức.

Triều vua Minh Mệnh, riêng trấn Nam Định ở Bắc thành đã xử không biết bao nhiêu vụ án tham quan. Năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), xử vụ Bùi Khắc Kham lừa dân tá canh ruộng xã Mỹ Giá để tư lợi. Cũng năm đó xử Tri phủ Kiến Xương Nguyễn Công Tuy về tội bóc lột nhân dân để xây dựng nhà cửa, lấy tiền làm lễ để tiêu riêng khiến dân tình không sao chịu nổi...

Dưới triều vua Tự Đức, tệ tham nhũng ngày càng lan rộng và ngày càng nghiêm trọng. Năm Tự Đức thứ 4 (1851), Án sát tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Văn Mưu can án tham nhũng phải xử cách chức. Năm Tự Đức thứ 27 (1874), huyện viên huyện Hà Đông Nguyễn Huy Vạn can án bị 22 xã thôn trong hạt làm đơn tố cáo viên đó thu tiền và trà, thóc của dân.

Trong quân doanh, tình tệ nhũng lạm quân tình cũng xảy ra thường xuyên. Năm Tự Đức thứ 21 (1868), Suất đội Phạm Bá Xuân thuộc vệ Võ sinh Kinh kỳ đã bớt xén tiền lương của binh lính, sai phái binh lính làm việc riêng nên bị giao cho Bộ Hình nghị xử.

Còn ở nơi kho tàng thì các viên chủ thủ, giám lâm cũng tìm đủ mọi cách để đục khoét. Năm Tự Đức thứ 26 (1873), Tôn Thất San ở kho cửa Thọ Chỉ đã can án tham nhũng đến nên bị kết án cho giam lại chờ chém, tước bỏ Tôn tịch (cho đổi theo họ mẹ, cải thành Trần San).

Khảo sát Châu bản triều Nguyễn, chúng ta thấy có rất nhiều các vụ án tham nhũng từ lớn tới nhỏ. Đặc biệt, các văn bản trong Châu bản triều Nguyễn thường có bút tích châu phê và được đóng dấu cẩn thận. Đây là cơ sở khẳng định tính pháp lí, mức độ tin cậy của tài liệu. Vì vậy, Châu bản thực sự là một nguồn sử liệu quan trọng để tìm hiểu nạn tham nhũng triều Nguyễn nói riêng và nghiên cứu lịch sử nói chung.

Theo Minh Châu - Thu Hường/NNVN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây