Cần một cuộc đổi mới lần thứ hai

Thứ sáu - 06/11/2020 11:15

KỲ HỌP THỨ MƯỜI, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Đây có thể coi là thông điệp được rút ra trong tuần làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV diễn ra theo hình thức tập trung từ ngày 2-6/11. Tại kỳ họp, 5 nhóm vấn đề trọng tâm mang tính chất chiến lược về kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thảo luận trực tiếp tại hội trường và tại Tổ. Từ việc nhìn thẳng vào thực trạng, đánh giá một cách khoa học và kỹ lưỡng những thách thức của nền kinh tế, từ đó xác định các giải pháp căn cơ không chỉ nhằm khắc phục những hạn chế yếu kém của nền kinh tế, mà còn xác định đúng, trúng các ưu tiên trong giai đoạn trước mắt và cả giai đoạn 5 năm (2021-2025), giúp cử tri và người dân cả nước có cái nhìn tổng thể hơn về chặng đường dài hơi phía trước.
111

Nhìn thẳng vào sự thật, làm rõ sự thật, nói đúng sự thật

Tháng 8/2016, sau khi Chính phủ được kiện toàn, thông điệp đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  và các thành viên Chính phủ chính là  quyết tâm xây dựng cho bằng được “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động”, trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Đây là quyết tâm thể hiện trách nhiệm, trọng trách trước Đảng, Nhà nước mà nhân dân giao cho Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ. Ngay tại thời điểm này, đã có nhiều ý kiến hoài nghi về cụm từ “kiến tạo, liêm chính, hành động”, thậm chí tại nhiều diễn đàn có sự tham gia chỉ đạo của Thủ tướng, nhiều đại biểu trong và ngoài nước còn đặt câu hỏi trực tiếp cho Thủ tướng, đề nghị giải thích nội dung cụ thể những công việc mà chính phủ sẽ làm khi đưa ra thông điệp nói trên. Trên cương vị người đứng đầu chính phủ, Thủ tướng đã đưa ra những giải thích cặn kẽ về những việc Chính phủ sẽ làm và quyết tâm thực hiện trong “kiến tạo, liêm chính, hành động”. Sau 5 năm (2016-2020), Chính phủ “kiến tạo, liêm chính, hành động”, đã nhận được phản hồi tích cực từ nền kinh tế, từ dư luận xã hội. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2016-2019 đạt bình quân 6,8%. Tình trạng “vàng hoá”, “Đô la hoá” trong nền kinh tế giảm, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên, hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Đồng thời Việt Nam trở thành một trong 3 nước trong khu vực ASEAN luôn đạt mức tăng trưởng dương, và có chỉ số hạnh phúc đứng thứ 83 trên thế giới (theo đánh giá của Liên hợp quốc tháng 3/2020)…

Những kết quả trên cho thấy những nỗ lực của cả hệ thống chính trị - xã hội trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận, thậm chí là kỳ tích như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay”. Dù trước đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ (2016) sự cố Formosa không chỉ khiến ba tỉnh miền Trung điêu đứng, mà bài toán về khắc phục ô nhiễm môi trường vẫn còn là thách thức không nhỏ của Chính phủ trong suốt nhiệm kỳ. Phát triển kinh tế, đi liền với đó là sự bền vũng, tăng trưởng xanh trở thành lựa chọn của Chính phủ “không đánh đổi sự phát triển bằng mọi giá” đã giúp Chính phủ điều hành nền kinh tế thận trọng hơn. Nhưng rủi ro chưa hẳn đã hết. Kinh tế, xã hội ổn định, nhưng hàng loạt lãnh đạo cấp cao diện Trung ương quản lý, thậm chí ủy viên Bộ Chính trị đã vướng vòng lao lý; Thiên tai, địch họa dồn dập ập đến, mà đỉnh điểm là covid-19 đầu năm, và hiện nay là lũ lụt miền Trung... một lần nữa trở thành phép thử cho Chính phủ “kiến tạo, liêm chính, hành động” cũng như cho tinh thần đoàn kết, đồng lòng, tương thân, tương ái của người dân.

Thúc đẩy hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ của đất nước

Khẳng định nút thắt khiến cho nền kinh tế của đất nước chưa thực sự phát triển mạnh mẽ chính là thể chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trương Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước tiếp tục được kiện toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm cấp trung gian; tinh giản biên chế được đẩy mạnh và đạt kết quả bước đầu. Kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức tiếp tục được tăng cường. Trong đó, sự thành công của việc thí điểm mô hình quản lý chính quyền đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là một minh chứng cho những quyết tâm đổi mới về thể chế phục vụ phát triển kinh tế của Chính phủ.

Tại nghị trường, những bàn thảo về kinh tế, xã hội đã giúp các đại biểu nhìn rõ những điểm mạnh cũng như những bất lợi của nền kinh tế 5 năm qua, trong hầu hết các phiên thảo luận, ý kiến đại biểu Quốc hội đều khẳng định, còn nhiều yếu tố bất định trong tương lai, chúng ta phải đối diện những thách thức mới, việc có những giải pháp cụ thể, những kịch bản cho mọi tình huống là rất cần thiết. Chính vì vậy, từ nghị trường, nhiều thông điệp cần làm ngay đã được phát đi như: Phải nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, để sớm ổn định xã hội và phục hồi phát triển kinh tế. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai giúp người dân miền Trung ổn định cuộc sống, khôi phục lại sản xuất. Bên cạnh những giải pháp trước mắt, đại biểu Quốc hội cũng đưa ra những ý kiến có tính chất căn cơ, dài hơi cho sự phát triển đất nước. Đó là đẩy mạnh triển khai đầu tư công, hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tuyến, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thực chất. Đồng thời kiên định, thận trọng với mục tiêu phát triển kinh tế hướng đến sự bền vững. Những quyết sách tổng thể ảnh hướng đến lợi ích quốc gia, dân tộc phải được cân nhắc kỹ lưỡng, không đánh đổi sự phát triển bằng mọi giá, nhất là các vấn đề nổi cộm hiện nay như: thủy điện, các khu công nghiệp… Trách nhiệm trong điều hành nền kinh tế rõ ràng đã nặng nề hơn, khó khăn hơn trước những thách thức mới phi truyền thống, cũng như những thay đổi về địa chính trị đang đặt ra phía trước, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và xã hội cùng vào cuộc trong kiến thiết, phát triển đất nước giai đoạn tiếp theo, trên tinh thần không xem nhẹ bất kỳ lĩnh vực nào, ngành nghề nào để không ai bị bỏ lại phía sau, lựa chọn “cùng nhau để đi đường dài” chứ không phải “muốn đi nhanh thì đi một mình”. Chính vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phút tưởng niệm nạn nhân vụ bão lũ miền Trung đã khẳng định: “Đây là trách nhiệm rất nặng nề mà Chính phủ phải chỉ đạo các cơ quan, trong đó có Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tham mưu xây dựng kế hoạch”. Đồng lòng để có một cuộc đổi mới lần hai cho đất nước là tất yếu. Đó không chỉ ý nguyện của cử tri, người dân cả nước mà còn là mệnh lệnh đặt ra cho mỗi đại biểu dân cử, mỗi công bộc của dân cho một thời kỳ phát triển mới của đất nước.

P.V
Nguồn Văn nghệ số 45/2020

                      

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây