Kính gửi Thầy Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
Thưa thầy.
Lời đầu tiên xin được bày tỏ niềm tin của cá nhân khi Thầy nhận trọng trách Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo- Một nhiệm vụ rất vẻ vang nhằm chấn hưng Giáo dục nước nhà để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tôi rất vui mừng trước phương châm chỉ đạo hành động của ngành khi Thủ tướng và Bộ trưởng nêu ra: “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Theo tôi đây là bước phát triển mới thiết thực hơn, kiên quyết hơn và đi thẳng vào hiện trạng của giáo dục Việt Nam. Nó là mệnh lệnh chứ không là cuộc vận động nữa. Nó không chỉ dừng ở việc nói mà việc thực hiện chẳng được coi trọng như “Hai không”: “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” mà Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân từng đề xướng, để rồi mọi sự vẫn y nguyên, thậm chí còn tồi tệ hơn so với trước. Đó là các vụ việc gian lận tới hàng trăm trường hợp trong kỳ thi quốc gia năm học 2017-2018 ở Hà Giang, Hòa Bình. Đó là quá nhiều vụ việc tiêu cực trong giáo dục mà báo chí không mấy ngày không nhắc đến.
Là một người dạy học, hơn 30 năm tham gia trực tiếp công tác quản lý nhà trường ở cấp thấp nhất trong hệ thống quản lý giáo dục, tôi biết rõ đằng sau những báo cáo, đằng sau những cuộc thi là cái gì. Những điều được trình bày dưới đây có thể góp phần nhỏ để các thầy ở trên Bộ có quyết sách ở tầm quốc gia cho phù hợp.
1 - Trước hết là số lượng trong phổ cập giáo dục.
Với mục đích tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, theo mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, việc thực hiện mong ước của lãnh tụ đã trở thành ý chí của toàn Đảng toàn dân. Khi trở thành ý chí thì phải quyết tâm làm bằng được. Chính vì thế mà Chính phủ và Bộ Giáo dục có những Nghị quyết về phổ cập các cấp học để khẳng định tính ưu việt của thể chế. Các tỉnh các huyện giao chỉ tiêu cho xã phải đạt chuẩn vào mốc thời gian cụ thể.
Với cơ chế thị trường như hiện nay, học sinh trong độ tuổi bỏ học rất nhiều (thống kê dưới cơ sở của chúng tôi cho thấy khoảng 30% học sinh nông thôn không được bố mẹ trực tiếp chăm sóc vì phải đi làm ăn xa, một số hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn… thêm nữa các cháu đang tuổi hiếu động lại bị sức ép về điểm số thi cử nên sợ học, ngại học dẫn đến nguy cơ bỏ học nhiều). Nhưng tại sao ta vẫn phổ cập bậc Trung học cơ sở ở gần hết các tỉnh thành? Xin thưa nếu làm thật thì không có kết quả ấy.
Thực ra phổ cập giáo dục chỉ làm thống kê, tính toán chi ly đếm đầu trẻ ở cấp xã. Đối với cấp huyện thì chỉ cần đếm đầu các xã đạt tiêu chuẩn là xong. Cấp tỉnh lại tính bằng đầu số huyện đạt. Vậy thì đơn giản nhất là biến số học sinh bỏ học ở cấp xã thành chuyển trường đi tỉnh ngoài.
Tại sao lại phải ghi đi tỉnh ngoài? Vì chuyển ra ngoài tỉnh thì Sở chả đi các tỉnh mà điều tra được, và quan trọng là Bộ cũng chỉ cần báo cáo chứ không kiểm tra. Một xã nếu theo thống kê phổ cập thì chuyển đi khoảng 150 - 200 (số này thực tế là bỏ học). Nếu cộng con số “chuyển đi” của một huyện ta sẽ có số bỏ học kinh khủng.
Khi đã đạt chuẩn phổ cập thì trên yêu cầu tiếp phải phổ cập đúng độ tuổi. Muốn phổ cập đúng độ tuổi thì phải hạn chế đến mức gần như không có học sinh lưu ban. Giáo viên kêu trời! Việc kêu cứ kêu còn vẫn phải thực hiện. Kết quả học sinh lên lớp gần trăm phần trăm. Trẻ thiểu năng trí tuệ vẫn mỗi năm lên một lớp với cái tên rất đỗi hoa mỹ thân thương “khuyết tật hòa nhập.”
Rõ ràng là lấy ý chí để ra quyết sách cho giáo dục đã nảy sinh nhiều điều không thật.
2 - Việc đánh giá chất lượng không có cách nào khác là tổ chức các kỳ thi và coi bằng cấp chứng chỉ là căn cứ duy nhất để xác định năng lực cá nhân. Chúng ta đặt ra các chỉ tiêu về chất lượng và buộc phải thực hiện các chỉ tiêu ấy bằng mọi giá, Nếu không thực hiện được chỉ tiêu là không hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì vậy mà mỗi cá nhân trong hệ thống giáo dục phải phấn đấu để có kết quả cao nhất. Để có được kết quả cao nhất thì sinh ra dạy tủ, học vẹt. Sự dạy tủ học vẹt còn được hậu thuẫn chắc chắn từ những bộ đề giải sẵn (500 bộ đề thi Đại học với mỗi môn. Đối với cấp học thấp hơn là các sách ôn tập, thi cũng chỉ ra đề trong sách ấy vì người soạn sách là người ra đề). Người dạy và người học cùng nhau ôn luyện theo bộ đề là đạt kết quả cao (đấy là ta chưa nói đến chuyện người dạy lại chính là người ra đề hoặc móc ngoặc với người ra đề) Thầy giáo ôn trúng đề được vinh danh là thầy giáo giỏi(!) như các báo đã từng ca ngợi.
Chỉ học theo đề giải sẵn thì làm sao phát triển được tư duy. Kết quả sản phẩm giáo dục là những con người thụ động chỉ biết làm theo lối mòn, thiếu tư duy, không biết phản biện, không phát huy được năng lực cá nhân. Xã hội thiếu vắng những nhân tài thật.
Cũng vì chỉ đánh giá chất lượng bằng thi nên phương châm của người học và người dạy hiện nay là thi gì học nấy. Vì vậy chỉ tập trung dạy kiến thức văn hóa mà không quan tâm các hoạt động giáo dục khác. Trong dạy học các kiến thức văn hóa thì một số môn học chỉ dạy qua loa cho xong. Ngay trong một môn học cơ bản thì giáo viên cũng xem xét sẽ thi đơn vị kiến thức nào thì tập trung vào đấy. Còn lại không dạy hoặc có dạy thì rất sơ sài chiếu lệ. Rõ ràng mục tiêu giáo dục toàn diện đã thất bại hoàn toàn.
Việc thi và chấm thi cũng là điều rất đáng phải bàn. Khâu coi thi không nghiêm. Chấm thi phải theo quy chế: chấm thí điểm một số bài lấy kết quả báo cáo trên. Nếu kết quả cao thì trên cho chấm đại trà, ngược lại nếu thấp thì lập tức trên chỉ đạo nới rộng biểu điểm. Kết quả các kỳ thi bao giờ cũng rất cao là vì thế. Tương tự như Bộ Giáo dục, để có số lượng theo chỉ tiêu đào tạo Tiến sĩ nên đã hạ thấp tiêu chuẩn khi xét điều kiện công nhận học vị Tiến sĩ. Đây là cách gọt chân cho vừa giày để đảm bảo chỉ tiêu số và chất lượng
Chất lượng giáo dục còn khẳng định hiệu quả lãnh đạo quản lý của chính quyền từ cấp cao nhất đến cơ sở nên gian lận trong thi cử có đất để sinh sôi nảy nở (thậm chí có nơi còn được khuyến khích). Nếu có điều kiện là gian lận, sơ hở là gian lận. Thậm chí người ta còn huy động lực lượng, tổ chức chặt chẽ cho việc thực hiện các hành vi gian lận. Vụ sửa điểm ở Hà Giang là ví dụ.
Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần tổ chức lại cách đánh giá chất lượng giáo dục theo nhiều tiêu chí chứ không chỉ dựa vào duy nhất là kết quả thi.
3 - “Nhân tài” và “nhân tài thật”.
Xuất phát từ mục tiêu giáo dục: “… Đào tạo nhân lực, Bồi dưỡng nhân tài” nên Đảng, Chính phủ và ngành Giáo dục đã đầu tư khá lớn về con người, tiền bạc cho mục tiêu “Bồi dưỡng nhân tài”. Nhưng kết quả thực sự chỉ là những tấm huy chương ở các cuộc thi quốc tế. Ở địa phương cũng vậy. Cũng đầu tư mạnh, bớt xén kinh phí của các nhà trường đại trà để tập trung tài lực cho những “vua” trường chuyên, trường năng khiếu để lấy kết quả xếp loại đội tuyển cạnh tranh giữa các tỉnh các huyện…
Có lẽ Bộ Giáo dục chưa bao giờ tổng kết xem trong tổng số Học sinh giỏi quốc gia của Việt Nam có bao nhiêu phần trăm đã phát triển năng lực để hôm nay trở thành những nhà khoa học giỏi, nhà văn hàng đầu, nhà lãnh đạo giỏi, nhà kinh doanh giỏi. Những “Nhân tài thật” như vậy rất ít. Các nhà văn Việt Nam hiện nay gần như không có ai là học sinh giỏi văn cấp quốc gia. Còn những học sinh đạt giải các kỳ thi quốc tế môn Toán và các môn Khoa học tự nhiên sau khi hoan hỷ vinh quang thì lặn không thấy tăm hơi. Rất ít người trở thành những nhà khoa học thực thụ.
Ngược lại, đa số những nhà khoa học đầu ngành, những nhà văn đầu đàn, những tỷ phú hàng đầu… lại chưa bao giờ là học sinh giỏi quốc gia. Các nhà lãnh đạo hiện nay lại càng không bao giờ có được cái vinh dự là “nhân tài” trong thời học sinh.
Vậy thì chiến lược bồi dưỡng nhân tài ở tầm vĩ mô có lẽ phải xem xét lại.
Ở địa phương, chiến lược bồi dưỡng nhân tài được thể hiện bằng hệ thống trường chuyên lớp chọn. Các trường năng khiếu được tổ chức ở cấp Tiểu học và Trung học cơ sở do huyện quản lý. Hệ thống trường chuyên ở Phổ thông Trung học do cấp Tỉnh và các trường Đại học quản lý. Để đánh giá chất lượng nhân tài chúng ta cũng không có công cụ nào ngoài tổ chức thi học sinh giỏi.
Kết quả chúng ta đã đào tạo được các thợ giải toán, thợ thuộc lòng văn mẫu. Đội ngũ này trở thành gà công nghiệp khi ra ngoài đời và chưa bao giờ là “nhân tài thật” vì thiếu sức sáng tạo, thiếu sự đột phá, thiếu tư duy độc lập.
Vì công cuộc bồi dưỡng nhân tài ở địa phương chỉ nhằm mục đích lấy thành tích thi có giải, nên trước đây mỗi huyện có một trường năng khiếu cho cấp Tiểu học và Trung học cơ sở, cấp tỉnh có một trường chuyên ở bậc Phổ thông Trung học. Mặc dù Bộ Giáo dục từ những năm 90 của thế kỷ trước đã có chỉ thị giải tán trường năng khiếu bậc Trung học cơ sở và Tiểu học ở cấp huyện nhưng nó vẫn cứ tồn tại như một thách thức. Chỉ cái tên Năng khiếu được bỏ đi để lấy một cái tên khác (tên huyện hoặc tên một danh nhân) và tiếp tục tồn tại như một quái thai trong hệ thống. Dù vậy nó lại được Chính quyền cấp huyện quan tâm ưu ái đầu tư mọi mặt. Người ta lấy giáo viên giỏi ở các trường lên, cắt xén ngân sách của các trường đại trà đưa về cho cái quái thai ở cấp huyện với danh nghĩa “bồi dưỡng nhân tài cho quê hương”. Tuy nhiên chỉ có khoảng 20- 30% số học sinh của nó là học sinh giỏi, còn lại chủ yếu là con em cán bộ và nhà giàu.
Trước kỳ thi xếp loại học sinh giỏi cấp tỉnh thì các giáo viên “chuyên” tìm mọi cách tiếp cận người ra đề để khoanh vùng kiến thức, dạng đề… Sau đó tập trung học tủ, giải tủ… Nếu “tiếp cận” càng thân mật thì khoanh vùng kiến thức học tủ càng hẹp, càng sát dạng bài, kiểu bài… kết quả thi càng cao. Sự “tiếp cận” này rất đa dạng và có những điều kiện “tế nhị” rất khó mô tả.
“Nhân tài” ở cơ sở đã được hình thành và bồi dưỡng như vậy.
Có lẽ Bộ cần xem xét chủ trương thi học sinh giỏi các cấp, nhất là cấp Trung học cơ sở. Trước hết phải bỏ các trường năng khiếu THCS cấp huyện, không cho nó tồn tại dưới bất cứ danh nghĩa nào. Để phát hiện bồi dưỡng nhân tài thì phải đổi mới cách làm, như tổ chức cho nhóm hoặc cá nhân giải quyết một vấn đề trong đời sống khoa học hoặc đời sống xã hội. Việc này bậc Tiểu học đã bước đầu làm được và đã có thành công nhất định.
4 - Về các điều kiện để thực hiện những tiêu chí thật.
Trước hết nội dung chương trình sách giáo khoa: Mỗi lần thay sách là một dịp các Giáo sư Tiến sĩ ra sức phô diễn sự uyên bác của mình. Những lần thay sách, đổi mới giáo dục trước đây chỉ đơn thuần chỉ là “thay” chứ chưa có “đổi mới” đáng kể. Các nhà soạn sách chỉ thay hệ thống chương trình, thêm vào những nội dung cho hàn lâm hơn dẫn đến rườm rà và phức tạp hơn. Đã thế mỗi lần đổi mới lại thêm môn hoặc phân môn mới mặc dù luôn hô hào tích hợp để đơn giản hóa kiến thức. Ví dụ việc thay đổi dạng chữ. Đầu tiên đang là dạng chữ nghiêng nét tròn thanh đậm vốn rất đẹp đổi thành chữ đứng nét gấp mảnh (Dạy kiểu chữ này đã đào tạo được một thế hệ viết “thư pháp” đông đảo nhất trong lịch sử Việt Nam). Sau thấy xấu quá thì đổi lại để viết chữ đứng nét tròn và bây giờ là chữ đứng nét tròn có thanh đậm. Qua một thời gian dài dằng dặc hơn 40 năm thì chúng ta đã quay lại gần giống với kiểu chữ ban đầu. Giáo dục Việt Nam tiến hay lùi thì chỉ nhìn qua cách viết chữ cũng đủ biết, dẫu rằng chữ viết không phải là thứ quyết định nhưng phải điều chỉnh liên tục như vậy rõ ràng là có sự tùy tiện, sự lệch lạc của những nhà thiết kế, nhà soạn sách
Với ý chí thay đổi toàn diện, các nhà chuyên môn có xu hướng hàn lâm hóa các vấn đề đơn giản. Về hình thức thì thay đổi tên gọi sao cho sang hơn, trịnh trọng hơn: Giáo án đổi thành “Thiết kế bài dạy”, rồi thao tác 1, thao tác 2…nhưng nội hàm thì chẳng khác trước. Về nội dung kiến thức cũng không thay đổi nhiều, chỉ có nặng nề hơn. Môn Toán trở nên trừu tượng hơn khi hệ tiên đề hình học thay đổi, dạy toán cho học sinh lớp 1 phải trên quan điểm tập hợp chứ không thông qua phép đếm. Thực ra sự thay đổi này không làm tư duy của học sinh khá hơn mà giáo viên lại vất vả hơn. Môn Văn từ chỗ học trích giảng sang học tác phẩm nhưng cũng không đến đầu đến đũa. Một số bản dịch hay, vì cái sự đổi mới biến thành kém hay… Bản dịch “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt là một ví dụ rõ ràng nhất.
Chúng ta chưa tối giản kiến thức, đơn giản hóa nội dung, để chương trình nhẹ nhàng phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Sách giáo khoa ít chú ý đến việc nội dung phải thiết thưc gắn với đời sống, chú trọng thực hành, trải nghiệm kỹ năng sống. Ngay bây giờ nếu yêu cầu một học sinh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông dùng một sợi dây để xác định một miếng đất có là hình chữ nhật? Hay hãy xác định tâm của một mặt bàn hình tròn bằng thước vuông (có độ dài đủ lớn)?... thì chắc chắn sẽ có tới không dưới 50% tắc tỵ mặc dù đây chỉ là kiến thức lớp 9 (bậc THCS).
Đổi mới nội dung thì phải đổi mới phương pháp. Nội dung dù thay đổi kiểu nào mà phương pháp không thay đổi thì cũng không ra kết quả như mong muốn.
Do làm sách giáo khoa không kỹ nên phải điều chỉnh liên tục. Năm nào cũng điều chỉnh. Thậm chí có vấn đề năm trước đúng, năm sau sai, năm sau lại sai tiếp... Dưới trường dăm bữa nửa tháng lại có công văn hướng dẫn của Bộ, Sở cắt bài nọ thêm bài kia… nhất là những môn học cơ bản. Thử hỏi các vị soạn sách xong đã dạy thực nghiệm chưa? Đã thẩm định đo lường kết quả chưa? Đã công khai vấn đề, lấy được ý kiến thật của người giảng dạy trực tiếp và dư luận xã hội chưa? Vì chúng ta chưa làm tốt điều này nên đã biến học sinh thành đối tượng để thực nghiệm.
Tại sao phải nghe được ý kiến thật của người trực tiếp giảng dạy vì hiện nay tình trạng mất dân chủ trong giáo dục rất trầm trọng. Giáo viên không dám phản biện, không dám nói thật vì nếu nói ra lập tức bị hệ thống quản lý các cấp chặn ngay bằng mọi cách. (Thậm chí kỷ luật đuổi khỏi ngành). Bộ không nghe thấy tiếng nói của giáo viên thì luôn luôn bị thao túng bởi một đội ngũ chuyên viên kém tài kém đức coi giáo dục là thị trường béo bở.
Đội ngũ giáo viên là lực lượng quyết định chất lượng giáo dục. Mặc dù chúng ta hô hào giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng vị trí giáo viên lại bị coi là chiếu dưới trong hàng ngũ viên chức. Thời bao cấp giáo viên luôn cúi mặt vì câu: từ giáo viên trở lên... Sau đó có khá hơn trong thang bảng lương viên chức. Nhưng thực sự thu nhập của giáo viên vẫn thấp. Nhà nước ưu ái cho giáo viên 20-30% phụ cấp đứng lớp, được mấy tháng thì ngành nào cũng có cái phụ cấp ấy, mà còn vượt trội hơn. Được ưu ái phụ cấp thâm niên thì sắp sửa bị cắt. Một cô giáo Mầm non nông thôn lương tháng chỉ bằng ½ lương một Osin trông trẻ cho một gia đình trên thành phố. Đời sống giáo viên vẫn khó khăn cộng thêm áp lực điểm số thi cử nên nạn dạy thêm tràn lan khó có cách để chấn chỉnh.
Về công tác quản lý các nhà trường, thực trạng thật đáng buồn. Đội ngũ cán bộ quản lý có quá ít người có chuyên môn cao. Không có năng lực, lại lười học tập nên việc quản lý nâng cao chất lượng và điều hành nặng về hình thức và hành chính. Khá phổ biến việc các Hiệu trưởng mới được đề bạt chỉ chăm chăm chặt cây này trồng cây khác, dẹp bồn hoa này, xây bồn hoa khác, trang trí lại các phòng họp… để chứng tỏ đổi mới so với người tiền nhiệm. Đó là việc của Chủ nhiệm HTX nông nghiệp chứ không phải là việc của Hiệu trưởng...
Thưa thầy Bộ trưởng.
Trên đây tôi trình bày một số điều rất thật của Giáo dục ở cơ sở với mong muốn trong nhiệm kỳ của Thầy dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, Bộ ta cùng Chính phủ sẽ có những quyết sách thật chính xác để từng bước lành mạnh hóa Giáo dục chấn hưng sự nghiệp trồng người.
Kính chúc thầy sức khỏe!
Tác giả: Nhà văn Mai Tiến Nghị
Nguồn Văn nghệ số 38/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên