Quy định tài chính mà “chứng từ thanh toán dày hơn cả công trình nghiên cứu” đượcThủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vào hôm qua (15.9), trong yêu cầu phải sửa đổi bằng được, để gỡ khó cho các nhà khoa học.
“Tài nguyên trí tuệ” là từ dùng của Thủ tướng tại Hội nghị toàn quốc "Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng", hôm qua (15/9).
Ông nói đã suy nghĩ rất nhiều về tình trạng “chảy máu chất xám” hoặc “không khai thác hết chất xám”. Thủ tướng cũng biết rất rõ những lực cản của khoa học công nghệ, chẳng hạn những quy định tài chính mà “chứng từ thanh toán dày hơn cả công trình nghiên cứu”.
Có một chi tiết rất đắt là dù nhậm chức chưa đầy 2 tháng, Thủ tướng đã 3 lần gặp gỡ, đối thoại với các nhà khoa học. Điều đó cho thấy, người đứng đầu Chính phủ rất coi trọng “nguyên khí quốc gia”, coi nguồn “tài nguyên chất xám” này như một động lực phát triển.
Có rất nhiều yêu cầu được Thủ tướng “đặt hàng”: “Nghiên cứu, ứng dụng khoa học phải đi vào cái ta cần chứ không phải cái ta có”.
Và việc phát triển “thị trường khoa học đúng nghĩa”, được nhấn mạnh như một then chốt, một động lực để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo. Còn nhớ khi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt vấn đề như một phương châm: “Cái gì doanh nghiệp và xã hội làm được, làm tốt hơn thì để doanh nghiệp và xã hội làm”.
Khoa học, công nghệ sẽ được tạo điều kiện. Nhưng không phải là nhà nước chỉ cứ rót tiền.
Sau khi tặng các giáo sư, bác sĩ, các nhà khoa học y tế một món quà thú vị là chiếc bình gốm, hôm qua, Thủ tướng cũng kể lại một câu chuyện thực tế.
Đó là khi hội thảo quốc tế về san hô đỏ từng dự kiến tổ chức tại Việt Nam. Các cơ quan liên quan đều đã đồng ý, nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó đặt ra một câu hỏi: “Việt Nam có nhà khoa học nào trong lĩnh vực này không”?. Và khi nhận được câu trả lời là không, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định không tổ chức nữa.
Một câu chuyện hữu ý, sâu sắc và rất đáng để suy nghĩ.
Tổ chức một hội thảo về san hô đỏ có ý nghĩa gì nếu chúng ta không có một nhà khoa học nào trong lĩnh vực này?
Hay, cũng tương tự - nghiên cứu những gì họ cho là cần, trong khi bỏ qua những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, bỏ qua những gì mà đất nước đang cần!
Những bộ hồ sơ thanh toán mà chứng từ dày hơn cả công trình nghiên cứu, bị kêu nhiều nhất. Nhưng so với sự viển vông, thiếu thực tế trong khoa học hay sự hũ nút trong tư duy người làm khoa học... có khi lại là yếu tố ít cản trở nhất!
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên