Học online nhưng chỉ huy động được 1/3 học sinh tham gia, giáo viên sẽ phải làm thế nào?
Không riêng gì tôi, nhiều đồng nghiệp tại nhiều địa phương cho biết huy động học sinh học online cũng khá vất vả. Nhiều em chịu học nhưng lại phụ thuộc điện thoại của ba, mẹ.
Có thiết bị rồi thì vào mạng cũng khó khăn. Có giáo viên nói, nhiều hôm dạy chỉ có 1/3 học sinh theo học. Có người nhiều hơn thì được 1/2 số học sinh cả lớp tham gia đã thấy mừng. Một bài dạy đôi khi vài ngày mới xong.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định: “Dạy học trực tuyến là phương thức chính, dạy học trên truyền hình là phương thức bổ trợ quan trọng nhất. Riêng các em học sinh lớp 1, lớp 2, việc dạy học trên truyền hình sẽ là trọng tâm”. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức xây dựng video bài giảng (dạy trên truyền hình) của môn học lớp 1, lớp 2 và lớp 6.
Lớp 1 mỗi trường một bộ sách giáo khoa, học sinh sao có thể theo dõi học trên truyền hình?
“Riêng các em học sinh lớp 1, lớp 2, việc dạy học trên truyền hình sẽ là trọng tâm”. Tuy thế, không như nhiều năm về trước, cả nước đều có chung một bộ sách giáo khoa cho các lớp.
Hai năm trở lại đây, mỗi địa phương, thậm chí mỗi trường có riêng một bộ sách giáo khoa thì việc dạy học trên truyền hình quốc gia cũng không thể phục phụ đại trà cho học sinh ở mọi miền đất nước.
Học sinh lớp 1 cả nước, hiện vẫn còn dùng cả 5 bộ sách giáo khoa.
Ngay trong một huyện có vài chục trường học cũng có ít nhất 3 bộ sách khác nhau.
Học sinh lớp 2 và lớp 6 mỗi tỉnh thường có một bộ sách chung nhưng đôi khi một bộ cũng không hoàn chỉnh mà có thể có một vài môn dùng của bộ sách khác.
Vì thế, việc dạy học trên truyền hình quốc gia, cũng chỉ có thể đáp ứng được những địa phương, những trường học có chung một bộ sách được dạy trên truyền hình.
Không nói truyền hình quốc gia, nếu ngay tại mỗi tỉnh tổ chức dạy trên truyền hình thì cũng có những trường trong tỉnh, học sinh vẫn không thể theo học (đối với học sinh lớp 1) vì hiện vẫn có nhiều trường học sách giáo khoa khác nhau.
Có người nói, với học sinh lớp 1 dạy biết đọc, biết viết thì học theo bộ sách nào mà chẳng được. Tuy nhiên, nếu các em không có sách giáo khoa để theo dõi trong quá trình học, sẽ học thế nào? Học xong, các em sẽ lấy gì ôn tập? Nghe giảng trên truyền hình rất nhanh, nếu các em không dành thời gian ôn tập, sao có thể theo kịp tiến độ dạy học của giáo viên?
Nếu thực hiện Chỉ thị 15, có thể chia lớp cho học sinh đến trường?
Ở những vùng nông thôn, học sinh không thuận lợi trong việc học trên truyền hình, học online vì thiếu máy móc thiết bị học tập, đường truyền chậm hoặc nhiều địa phương vẫn chưa có mạng.
Thế nhưng, nông thôn lại có thuận lợi về cơ sở vật chất như trường học rộng rãi, mỗi lớp một phòng học. Các em được học cả ngày.
Vì thế, chúng tôi cho rằng, khi địa phương nào đấy thực hiện Chỉ thị 15 hoặc đã khoanh vùng xanh thì nên bố trí cho trường học hoạt động trở lại theo kiểu chia lớp và bố trí dạy đan xen nhau.
Ví dụ, lớp có sĩ số từ 25 em trở lại giữ nguyên. Lớp trên 25 trở lên chia lớp làm 2 và phân chia lớp học sáng, lớp học chiều.
Nhà trường cũng đưa ra quy định, đúng giờ học sinh vào lớp học (không ra chơi), thời gian học khoảng 2 đến 2,5 tiếng (gần 4 tiết học thông thường).
Giảm thời lượng một số môn học ở trường như Thể dục, Thủ công, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật). Giáo viên phụ trách những môn học này sẽ quay clip gửi phụ huynh để hướng dẫn các em học ở nhà với sự giúp đỡ của ba, mẹ.
Với cách chia như này, một trường học khoảng 400 học sinh, mỗi buổi chỉ 200 em đi học. Ngồi trong lớp cũng đã giữ khoảng cách, không tổ chức ra chơi tập thể…nguy cơ lây nhiễm đã được hạn chế và chất lượng học tập cũng sẽ được đảm bảo và nâng cao.
Theo Phan Tuyết/Giáo dục
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên