Phiến quân Myanmar ngày càng lớn mạnh, thiết lập hành lang chiến lược chống chính quyền

Thứ năm - 09/09/2021 11:00

 

Các Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) chống đảo chính quân sự ở Myanmar đang liên kết với các nhóm phiến quân dân tộc để hình thành một tuyến hành lang kháng chiến không thể công phá từ phía bắc đến phía tây nước này, đẩy quân đội Myanmar vào thế khó.

Bất chấp mùa mưa đang diễn ra ở Myanmar, các Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) và các nhóm nổi dậy dân tộc rất đa dạng ở quốc gia Đông Nam Á này đang liên kết chặt chẽ với nhau.

111
Súng trường và hộp tiếp đạn của phiến quân Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF) chống chính quyền quân sự Myanmar. Ảnh: AFP.

Quân đội chính quy của Myanmar (lực lượng Tatmadaw) hiện đang vật lộn với thách thức mới do các phiến quân thuộc cộng đồng dân tộc Bamar tạo ra ở sườn phía tây của miền trung Myanmar. Dải chiến trường này bao gồm các thị trấn từng một thời im lìm ngủ quên ở khu vực phía nam của Sagaing và dải phía bắc của khu vực Magway.

Cột mốc mới trong phong trào chống chính quyền quân sự

Kể từ tháng 4/2021, phong trào kháng chiến bền bỉ và gia tăng ở khu vực này đang thay đổi căn bản bức tranh xung đột của Myanmar. Tại khu vực này, lực lượng PDF địa phương kiên quyết chống lại việc quân đội Myanmar chiếm chính quyền trong cuộc đảo chính vào tháng 2/2021.

Những nơi mà PDF hoạt động hiện nay hình thành nên một hành lang rộng nối các lực lượng phiến quân chính ở miền bắc và miền tây của Myanmar - những lực lượng này đã khẳng định vai trò mang tính quyết định trong cuộc chiến hậu đảo chính ở Myanmar.

Ở phía bắc, Quân đội Độc lập Kachin (KIA) đã giao tranh với quân đội chính thức của Myanmar (Tatmadaw) trên khắp các bang Kachin và Shan kể từ tháng 3/2021 trong chiến dịch tiến công mạnh nhất về quân sự và rộng khắp nhất về địa lý trong lịch sử 60 năm nổi dậy của lực lượng này.

Kể từ tháng 7/2021, tổ chức vũ trang dân tộc này (quân số khoảng 10.000 chiến binh) đã mở rộng dấu ấn tác chiến xuống phía nam và vào sâu trong khu vực Sagaing, hội quân với các lực lượng PDF ở thị trấn Shwegu và Kathe bên bờ sông Irrawaddy cũng như tiến xa hơn về phía nam ở Kawlin và Mogok - khu vực khai thác mỏ ruby thuộc vùng Mandalay.

Ở bang Rakhine phía tây của Myanmar bên phần vịnh Bengal của nước này, đồng minh của KIA là Quân đội Arakan (có lẽ gồm khoảng 8.500 tay súng) đã tạm ngưng cuộc chiến 2 năm với Tatmadaw và tranh thủ củng cố lực lượng và sự kiểm soát của họ trong lúc ngừng bắn.

Từ năm 2015 đến giờ (2021), hành lang nói trên đóng vai trò tuyến hậu cần thiết yếu đối với các lực lượng chủ lực của Quân đội Arakan ở bang Rakhine. Vũ khí từ miền bắc Myanmar tuồn về phía nam qua các con đường nông thôn nhỏ hẹp, để tới khu vực đồi núi Chin.

111
Bản đồ các bang, các vùng của Myanmar. Ảnh: Twitter.

Hành lang chiến lược giúp phiến quân phát triển mạnh lực lượng và thế trận

Ban lãnh đạo của Quân đội Arakan (AA) vẫn đóng ở phía bắc gần thủ phủ Laiza của KIA tại khu vực biên giới với Trung Quốc. Nhưng khi có vũ khí tuồn xuống phía nam, lực lượng của Arakan ở bang Rakhine từ từ tăng lên từ vài trăm chiến binh vào năm 2015 lên ít nhất 6.000 chiến binh vào cuối năm 2018.

Đáng lưu ý là các tuyến tiếp tế này gần như không có sự kiểm soát nào của quân đội hoặc cảnh sát Myanmar, như đã được kiểm chứng vào tháng 11/2018.

Cuộc chiến bùng nổ ở bang Rakhine vào tháng 1/2019 kéo dài cho đến khi có lệnh ngừng bắn vào tháng 11/2020. Các cuộc đối đầu quy mô lớn có sự tham gia của trọng pháo và máy bay của Tatmadaw và gây thương vong lớn cho cả hai phe.

Bất chấp tổn thất lớn, AA vẫn được xem là bên chiến thắng. Tatmadaw đã phải giảm quy mô lực lượng tham chiến để dồn sức vào xử lý các cuộc bạo loạn hậu đảo chính cũng như các cuộc tấn công của phiến quân ở nhiều nơi khác của đất nước Myanmar. Trong bối cảnh đó, các phiến quân dân tộc ở bang Rakhine có thêm thời gian và không gian để mở rộng sự kiểm soát của họ đối với hầu hết bang này trong khi củng cố các cấu trúc đang hình thành của chính quyền song song.

Sau khi ban hành biện pháp khống chế dịch bệnh Covid-19 vào tháng 7/2021, tổ chức AA công bố vào tháng 8 rằng các tòa án của riêng họ sẽ mở cửa để phân xử các vụ tranh chấp tại địa phương. Các tòa án này do nhánh chính trị Liên đoàn Arakan Thống nhất (ULA) quản lý. Khi ấy, nhóm AA cũng đưa vào hoạt động lực lượng cảnh sát non trẻ tách biệt với cảnh sát quốc gia cũng như các đơn vị quân sự của AA.

Sự kiểm soát của AA đối với lãnh thổ và việc AA mở rộng lực lượng của mình đã khẳng định vị thế của họ như một trong 3 lực lượng dân tộc có thế lực nhất của Myanmar bên cạnh KIA và UWSA (Quân đội bang Wa Thống nhất đông tới 30.000 quân).

Trên thực tế, tư lệnh AA Twan Mrat Naing đã nêu rõ tham vọng giành được ở miền tây của Myanmar quyền tự trị tương tự như UWSA ở khu vực đông bắc của bang Shan.

Thế khó chưa có lối thoát của quân đội Myanmar

Hiện quân đội Myanmar không có đủ thời gian và nhân lực để khuất phục AA. Nhưng khi Tatmadaw có điều kiện để làm vậy thì tình hình có thể đã quá muộn.

Trong bối cảnh ấy, không có gì ngạc nhiên khi các lực lượng PDF địa phương trỗi dậy dọc theo hành lang Nam Sagaing-Bắc Magway, sử dụng hiệu quả hành lang này để vận chuyển vũ khí và công nghệ giúp họ trở thành các lực lượng hoạt động mạnh nhất trong Myanmar.

Các bãi mìn lớn do các PDF tự tạo ra dọc theo hành lang phía tây là dựa trên tri thức của KIA. Trong các cuộc đụng độ ở đây, phiến quân được trang bị các vũ khí hiện đại hơn các khẩu súng săn cổ lỗ. Sự phát triển của mặt trận ở sườn phía tây của Tatmadaw phục vụ các lợi ích chiến lược của KIA và AA.

Hàng lang này gồm cả một mạng lưới các con đường huyết mạch nối các thị trấn sát sông Irrawaddy với các thị trấn xa hơn về phía tây.

Việc một số PDF phía tây nằm sát vùng đồi núi Chin cũng thúc đẩy hình thành liên minh giữa các nhóm kháng chiến tộc Bamar và Chin.

Vào ngày 26/7, chi nhánh Mindat của Lực lượng Phòng vệ Chinland (CDF) - lực lượng tiên phong trong cuộc nổi dậy chống Tatmadaw ở bang Chin, công bố một liên minh mới với Lực lượng Phòng vệ Yaw (YDF) - lực lượng mới ra đời và hoạt động ở 3 thị trấn của vùng Magway.

Trong các tuần gần đây, Tatmadaw gia tăng các hoạt động quân sự dữ dội để ngăn chặn các mối đe dọa trên. Điều này đã khiến các đơn vị quân đội đó bị ghìm chân tại đây và chịu tổn thất, còn KIA và AA thì hưởng lợi. Việc các dân thường bị thiệt mạng trong các chiến dịch càn quét do Tatmadaw thực hiện càng thúc đẩy thêm tâm lý của nhiều người dân ở các vùng này muốn đứng lên đối đầu với chính quyền quân sự.../.

 

Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch
Nguồn: Asia Times

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây