Còn lo miếng ăn, việc học của con công nhân càng khó

Chủ nhật - 05/09/2021 07:33
111
Chị Nguyễn Thị Hương (34 tuổi, công nhân may thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) chưa sắm được thiết bị công nghệ cho con học online. Ảnh: Đình Trọng

Tại Bình Dương, cả trăm nghìn lao động đã 3 tháng ròng ở phòng trọ, không đi làm, không có thu nhập, tiền tích trữ đã cạn. Vào năm học mới trong bối cảnh dịch bệnh, người lao động còn vật lộn với cái ăn, chưa biết xoay xở việc học cho con cái ra sao.

Rau cháo qua ngày

Chị Phạm Thị Thanh Thủy (35 tuổi, đang cư trú tại số 67, đường số 6, khu phố Bình Đường 2, phường An Bình, Thành phố Dĩ An, Bình Dương) quê Đắk Lắk, xuống Bình Dương tìm kế mưu sinh cùng 2 con gần một năm nay. Do biết nghề may nên chị thuê phòng trọ ngay mặt đường để nhận sửa đồ cho người dân kiếm sống. Tuy nhiên từ khi dịch bệnh đến nay, đã 4 tháng không có ai thuê, chị Thủy không có việc làm, không có thu nhập.

“Suốt 4 tháng qua, 3 mẹ con tôi sống lẹm vào tiền tích trữ. Tuy nhiên tiền ăn mãi cũng hết, 2 tháng nay phải nhờ cậy người thân chuyển tiền cho mượn. Hiện trong nhà chỉ còn gạo với mấy củ hành tây. Một tuần nay, mấy mẹ con chỉ ăn cơm với đậu phộng, vì dầu ăn, mắm muối cũng hết. Tôi đánh liều treo bảng nhờ hỗ trợ nhưng ở đây có chốt phong tỏa, nên cũng không ai đi qua nhìn thấy”- chị Thủy nói.

Về sự hỗ trợ của Nhà nước, chị Thủy cho biết, do mình mới chuyển chỗ qua khu phố khác được 4 tháng nên không biết hồ sơ thực hiện như thế nào. Đến nay, chị mới được hỗ trợ 20kg gạo và một ít thực phẩm. Chưa nhận được gói hỗ trợ 800.000 đồng (gồm 300.000 tiền thuê trọ và 500.000 tiền thực phẩm). “Lúc này 2 con nhỏ đang bệnh, không có tiền và không đi ra ngoài được để mua thuốc” - chị Thủy cho biết.

Ở bên phòng trọ chị Thủy, còn có trường hợp của vợ chồng anh Tô Văn Lên (31 tuổi) và chị Phạm Thị Bích Nguyệt (32 tuổi). Cả hai vợ chồng cùng con gái nhỏ xuống Bình Dương làm nghề phụ hồ, do dịch bệnh nên phải ở nhà liên tiếp 2 tháng nay. Số tiền tích trữ, tằn tiện chi tiêu đến nay cũng đã cạn. Thời gian qua, hai vợ chồng vay mượn người thân ở quê chỉ được một ít đủ để rau cháo qua ngày và sữa cho con gái. Hiện lương thực thực phẩm trong phòng trọ sắp hết, chỉ có thể trụ lại ở Bình Dương 1 tuần nữa.

Rối bời việc học của con 

Nói về việc học của con, chị Thủy cho biết, hiện lo miếng ăn  thôi đã khó, học tập của các cháu không biết xoay xở ra sao.

“Con trai nhỏ thì đã xin vào học lớp 1 trường tiểu học gần chỗ trọ. Con trai lớn đã học xong lớp 9, nhưng dịch bệnh không biết thực hiện hồ sơ và xin cho cháu vào trường nào học. Nếu cháu học trực tuyến phải mua điện thoại thông minh, máy tính cho các cháu thì tôi không thể nào lo nổi” - chị Thủy buồn rầu cho biết.

Tại phường An Phú, thành phố Thuận An (địa bàn đang bị “khóa chặt, đông cứng”), anh Lê Anh Hựu (làm nghề sửa và bán buôn xe đạp) và chị Lê Thị Hòa (bán hàng rong) cũng đầy lo lắng cho 2 con khi năm học mới cận kề nhưng còn đang phải lo chống dịch.

“Mấy tháng nay không có thu nhập gì, chi tiêu phải tằn tiện. Vào năm học mới của các con tôi rất lo lắng. Nếu các cháu học trực tuyến thì phải mua máy tính, kết nối internet ổn định. Trong khi dịch bệnh đường truyền internet không ổn định, lớp học lại đông, không biết chất lượng học tập của các cháu ra sao” - chị Hòa nói.

Ở phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, chị Nguyễn Thị Hương (34 tuổi, công nhân may) cho biết, ngày 3.9 chị đã mua bộ sách lớp 1 cho con gái với giá 470.000 đồng, còn con trai lớp 3 thì chưa có sách.

“Nếu các cháu học trực tuyến thì phải mua thêm máy tính, kết nối internet. Lúc này lo cái ăn thôi cũng phải vay mượn người thân khắp nơi nên nhắc tới việc học cho con tôi không biết xoay xở như thế nào. Ba của các cháu thì mới vào nhà máy làm việc được gần 1 tuần, mình thì không hiểu biết về công nghệ, nên lo việc học của các con lắm” -  chị Hương chia sẻ băn khoăn.

Bình Dương dời ngày khai giảng

Hiện dịch bệnh ở Bình Dương còn diễn biến phức tạp, tỉnh đang phải áp dụng Chỉ thị 16 và kỳ vọng đến ngày 15.9 sẽ kiểm soát được dịch bệnh, nới lỏng giãn cách xã hội. Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND nhân dân tỉnh Bình Dương - cho biết, tỉnh đã quyết định dời ngày khai giảng vào 15.9 nhằm thực hiện công tác chuẩn bị đầu năm học. Theo kế hoạch thì ngành Giáo dục sẽ tổ chức khai giảng và học trực tuyến cho các cháu đến ngày 30.10. Sau đó, căn cứ tình hình dịch bệnh cụ thể của từng địa phương để có hình thức dạy và học phù hợp.

 

Theo Đình Trọng/Lao động

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây