Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa thông báo phải lùi thời gian học theo dự kiến ban đầu vì lý do gần 10% học sinh tiểu học trên địa bàn còn thiếu thiết bị dạy học trực tuyến.
Đây có lẽ là địa phương đầu tiên nhìn thẳng vào một sự thật mà nhiều tỉnh, thành phố khác đang né tránh hoặc cố tình “lờ” đi.
Bộ GD-ĐTkhi đưa hướng dẫn nhiệm vụ năm học cho phép học trực tuyến từ lớp 1 “khi đủ điều kiện” trong khi chính Bộ cũng không đưa ra số liệu thống kê nào đủ tin cậy rằng có bao nhiêu phần trăm gia đình, học sinh, nhà trường “đủ điều kiện”.
Sau hướng dẫn của Bộ, nhiều địa phương cũng lặp lại chỉ đạo tổ chức dạy học trực tuyến từ lớp 1 đến lớp 12 nếu không thể đến trường vì dịch Covid-19, mà không có một khảo sát nào trước đó về điều kiện học trực tuyến của học sinh. Hỏi các sở GD-ĐT về việc có bao nhiêu học sinh có thể đáp ứng được việc học trực tuyến, bao nhiêu em không thể và chính sách hỗ trợ cụ thể ra sao, câu trả lời chúng tôi nhận được đều đầy cảm tính hoặc: chưa khảo sát xong.
Trong khi đó, lẽ ra trước khi ban hành một chính sách để áp dụng đại trà, các cơ quan quản lý phải nắm trong tay tính khả thi của chính sách ấy khi đi vào cuộc sống. Đằng này, ngược lại: cứ quyết định để bắt người dân phải chạy theo.
TP.HCM hay Bình Dương, Đồng Nai… và cả Hà Nội đang gồng mình chống dịch, nhiều học sinh, phụ huynh là F0, F1, hoặc qua đời vì Covid-19, nhiều gia đình đang vật lộn với dịch bệnh, đứt bữa vì thiếu lương thực, nhưng các địa phương tâm dịch vẫn ấn định học trực tuyến từ ngày 1.9 trong khi Bộ GD-ĐT đã cho phép lùi thời gian để tập trung chống dịch.
Đã quá nhiều những tâm sự đẫm nước mắt, thậm chí như van xin: “chậm lại” để con em các gia đình ảnh hưởng tàn khốc bởi dịch Covid-19 không phải chịu thêm thiệt thòi khi chưa đủ điều kiện và tâm trí đâu cho việc bắt đầu học trực tuyến. Vậy mà, năm học mới vẫn cứ phải bắt đầu theo một mốc thời gian đã định.
Một phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 chia sẻ: “Trường của con tôi mới đây cũng tổ chức khảo sát ý kiến của gia đình về việc có đồng ý và sẵn sàng điều kiện cho con học trực tuyến hay không. Tôi chọn phương án “không” vì quá khó khăn và hy vọng ngành GD-ĐT sẽ không vội vàng cho học sinh chưa biết đọc, biết viết phải học từ xa”. Thế nhưng, sau đó nhà trường vẫn công bố “sẵn sàng” năm học mới. Khảo sát chỉ là hình thức, lịch học và hình thức học thế nào đã được ấn định từ trên xuống dưới.
Giáo viên ở những vùng tâm dịch cũng từng công khai tâm sự nghẹn đắng khi mở lớp học trực tuyến lên điểm danh xong thì không đành lòng để bắt đầu dạy học khi học trò vắng tới hơn nửa lớp. Em thì đang điều trị ở viện, em còn chưa gượng dậy sau nỗi đau mất người thân vì Covid-19, em thì ăn còn chẳng đủ…
Ngành GD-ĐT có rất nhiều phong trào, khẩu hiệu từ khi xảy ra dịch bệnh đến nay, nào là: “Dừng đến trường không dừng việc học”; nào là: “Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”… Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lại phát động “phong trào thi đua đặc biệt”, trong đó mỗi nhà trường sẽ là “một pháo đài”, còn mỗi giáo viên, học sinh sẽ là “một chiến sĩ”… Nhưng, “pháo đài” ấy sẽ ra sao nếu rất nhiều “chiến sĩ” đang bị bỏ lại phía sau khi ngành GD-ĐT ở các địa phương chỉ quyết chạy theo các mốc thời gian đã định mà không chậm lại để lắng nghe những khốn khó của học trò?.
Theo Tuệ Nguyễn/Thanh niên