Trung Quốc lại thêm chiêu trò thâm độc để kiểm soát Biển Đông

Thứ ba - 31/08/2021 15:26

Việc Trung Quốc áp dụng các quy định mới về khai báo đối với một số loại tàu thuyền đi vào vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền có thể xem là chiêu trò mới của Bắc Kinh nhằm tiến thêm 1 bước kiểm soát Biển Đông.

111
Trung Quốc thường xuyên điều động lực lượng chấp pháp, như tàu hải cảnh,
xâm phạm khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông /// Ảnh: Ngư dân cung cấp

Tờ Hoàn Cầu thời báo vừa đưa tin chính quyền Trung Quốc từ ngày 1.9, sẽ áp dụng quy định yêu cầu những người điều khiển một số loại tàu thuyền phải khai báo thông tin chi tiết về hải trình khi đi vào vùng lãnh hải mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Bước kiểm soát mới

Các loại tàu thuyền phải khai báo bao gồm tàu có thể lặn, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở hóa chất, khí hóa lỏng... Đây là các loại tàu mà Bắc Kinh cho là “có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải”.

Việc khai báo bao gồm cả thông tin của cảng dự kiến sắp đến và thời gian dự kiến đến, tên và chủng loại hàng hóa chở theo… Sau khi vào lãnh hải, nếu hệ thống nhận diện tự động của tàu không hoạt động tốt thì phải khai báo mỗi 2 giờ cho đến khi rời khỏi lãnh hải.

Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời một số nhà quan sát của Trung Quốc cho rằng quy định mới “là một dấu hiệu của nỗ lực tăng cường nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc trên biển bằng cách thực hiện các quy tắc nghiêm ngặt”.

Đây được xem là động thái mới của chính quyền Trung Quốc nhằm tăng cường kiểm soát các vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền. Đầu năm nay, Trung Quốc cũng đã thông qua luật hải cảnh mới cho phép khi cần thì lực lượng này nổ súng nhằm vào tàu nước ngoài hoạt động ở vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Một vấn đề đáng lo ngại nhất là việc Trung Quốc sẽ viện dẫn các luật và quy định trên ở các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, ngay cả khi tuyên bố chủ quyền không được cộng đồng quốc tế công nhận. Điển hình là khu vực Biển Đông.

Lo ngại cho Biển Đông

Trả lời Thanh Niên sáng nay (31.8), ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) lo ngại quy định trên đánh dấu bước đi mới nhất của Trung Quốc trong việc giành quyền kiểm soát Biển Đông.

“Vì Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90% diện tích Biển Đông, nên quy định mới trên nên được xem xét kết hợp với luật hải cảnh mà Trung Quốc ban hành hồi đầu năm. Như thế, Trung Quốc tự đặt ra quyền thẩm vấn, lên và khám xét bất kỳ tàu nào quá cảnh qua Biển Đông. Động thái này đi ngược lại với cam kết mà Bắc Kinh từng đưa ra là không có ý định kiểm soát giao thông đường biển hoặc đường không thương mại ở Biển Đông. Quy định mới này trên thực tế thiết lập một lý do để thực hiện ý định kiểm soát lưu thông đường biển không thương mại ở Biển Đông”, cựu đại tá Schuster nói.

“Đó là cách mà Trung Quốc thiết lập các tiền lệ pháp lý mới để thúc đẩy tham vọng lãnh thổ hoặc các lợi ích khác. Trong trường hợp này, Trung Quốc đang sử dụng luật mới của mình để chiếm đoạt khu vực Biển Đông nằm trong bản đồ “đường lưỡi bò” dù yêu sách này đã bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ vào năm 2016”, ông Schuster phân tích.

Từ đó, ông đặt vấn đề tiếp theo là: “Cộng đồng quốc tế và châu Á sẽ phản ứng như thế nào? Nếu các nước thực thi quy định trên, Trung Quốc sẽ giành được quyền kiểm soát trên thực tế đối với Biển Đông”.

Nguy cơ leo thang căng thẳng

Cũng trả lời Thanh Niên sáng nay (31.8), TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao - Tổ chức RAND, Mỹ) có nhận định tương tự.

“Quy định mới có thể được Trung Quốc áp dụng cho yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh đưa ra ở Biển Đông”, TS Heath nói và lo ngại: “Diễn biến này rất có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng. Nguyên nhân là từ quy định vừa nêu, Trung Quốc có thể dùng để biện minh cho việc nước này quấy rối, uy hiếp tàu thuyền nước ngoài đi qua Biển Đông. Quy định mới cũng có thể tạo điều kiện để Trung Quốc hành động mạnh hơn đối với các tàu nước ngoài bằng cách tuyên bố thực thi luật pháp”.

111
Chiến hạm Trung Quốc khai hỏa trong một cuộc tập trận ở Biển Đông. ẢNH: CHINAMIL.COM.CN

Còn ông Greg Poling (Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á - AMTI, chuyên gia về châu Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế - CSIS, Mỹ) thì cho rằng cần chờ thêm thời gian để xác định Bắc Kinh áp dụng quy định mới như thế nào.

Theo ông, Bắc Kinh có thể dẫn trích một số quy định của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 nhằm hợp thức hóa quy định mới. “Nếu Trung Quốc áp dụng quy định mới ở tất cả vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền, đặc biệt là áp dụng theo các đường cơ sở mà Bắc Kinh đặt ra cho một số thực thể ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thì chắc chắn dẫn đến leo thang căng thẳng”, ông Poling đặt vấn đề.

 

Theo Ngô Minh Trí/Thanh niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây