Có chuyện rằng, một anh GrabBike chở một nữ bác sĩ vào bệnh viện chống dịch, đã cương quyết không nhận tiền cuốc xe. Anh nói với chị một câu khiến ai nghe cũng xúc động: Nhận tiền của bác sĩ đi chống dịch lúc này là có tội với Tổ Quốc! Lâu nay chúng ta được học, được dạy, được tiếp xúc hàng ngày với Tổ Quốc, nhưng đa phần thấy Tổ quốc là xa vời, là to lớn, là mênh mông, là cái gì đấy trừu tượng lắm… Anh chạy xe ôm grab, cái nghề có thể nói là rất bình dân và vất vả, phải quần quật giữa những ngày dịch giã để kiếm tiền nuôi thân và gia đình, đã cho chúng ta hiểu thêm về một khía cạnh của Tổ quốc. Thì ra, Tổ quốc gần gũi thân thương, đầm ấm nghĩa tình, cao thượng và bình dị… Ðó là sự hy sinh nhường nhịn, là sự thông cảm và chia sẻ, sự bù đắp biết ơn tự đáy lòng, không toan tính thiệt hơn, không rổn rảng phô bày, là tự nguyện và tận hiến…
Cả thế giới đang căng mình ra mà... đón nhận đại dịch. Tôi thích cách dùng từ đón nhận hơn là chống. Đón nhận là có chống nhưng cũng có cả tìm cách chung sống. Nó như máu người phải có cả hồng cầu và bạch cầu ấy, nó tương hỗ nhau để tồn tại. Rõ ràng cái ý tưởng ban đầu là tiêu diệt Covid đã hầu như là không khả thi, vậy thì chỉ còn cách là tìm cách sống chung, như đã từng sống chung với rất nhiều thứ, trong đó có vắc-xin và điều chỉnh cách sống. Tôi thiên về 2 yếu tố này.
Nhớ, thi thoảng gặp ở Việt Nam, nhất là ở các sân bay quốc tế, các thiếu nữ đạo Hồi. Trời ơi là xinh dù họ trùm kín từ đầu tới chân. Té ra, cái đẹp của các bạn này toát ra từ đôi mắt. Sau này có dịp sang tận xứ sở ấy mới thấy té ra cái trang phục kín mít ấy vẫn có những cái đẹp riêng của nó. Cũng như ở Việt Nam xưa, các chị các cô các bà mặc áo tứ thân chít khăn mỏ quạ. Và chỉ có khăn mỏ quạ nó mới khiến tất cả các khuôn mặt thiếu nữ xưa “Mặt trái xoan, mắt lá răm, lông mày lá liễu” đẹp đến mê hồn. Chính cái khăn mỏ quạ nó tôn lên điều ấy, nó khiến cho dẫu những váy áo lòe xòe mớ ba mớ bảy, che hết những đường cong khối tròn, những khe rãnh tuyệt vời của phụ nữ, nhưng phụ nữ thời ấy vẫn rất xinh, vẫn là... phụ nữ.
Bây giờ, ra đường lại nhìn nhau qua... khẩu trang. Ta lại nhận ra cái đẹp của “cửa sổ tâm hồn” mà các cụ đã minh định từ ngày nảo ngày nào?
Thực ra thì trong lịch sử loài người, cái sự các đại dịch khiến loài người lao đao, thậm chí đứng bên bờ diệt vong không phải chưa từng. Có những đại dịch trong truyền thuyết như cơn đại hồng thủy chỉ còn lại con thuyền Nô-ê để loài người phải làm lại từ đầu, đến đại dịch thực tế như đậu mùa, Ê-bô-la, dịch tả... Và loài người đã chấp nhận rồi trải qua, rồi tồn tại đến ngày nay.
Thế nên cái đại dịch Sars coV 2 đang diễn ra đây, nó khiến cả thế giới lao đao, nhưng rồi chắc chắn là loài người cũng sẽ vượt qua, sẽ sống ôn hòa với nó, như đã từng với những là phong lao cổ lại, những là sởi ho gà uốn ván đậu mùa, HIV và vân vân…
Nhưng cũng rõ ràng nó khiến loài người phải nhìn lại lối sống, phải điều chỉnh cách sống của mình. Vâng, chúng ta đã và đang “ngạo nghễ” với tự nhiên quá, tự đề cao mình quá... nên hành xử với nhau, với tự nhiên nhiều khi như kiểu “chỉ mình tao”.
Tôi bây giờ có thói quen là sáng sớm phải xem chương trình Chào buổi sáng trên TV, sau mục bộ Y tế thông báo ca mắc từ 18 giờ hôm trước tới 6h sáng hôm sau rồi mới đi thể dục. Những con số nhảy múa hàng ngày. Phía sau những con số vô hồn ấy là những số phận từng con người. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi điều kiện khác nhau, giờ ập một phát, chung nhau cách ly, chung nhau cách sống, chung nhau sự chịu đựng, chung nhau hy vọng, chỉ còn riêng những hộp tro mà ban đầu được đưa tới từng gia đình bằng các shipper, giờ thành phố giao cho quân đội lo liệu tử tế, nhưng dẫu tử tế thì cũng hết sức đau lòng khi một mình thui thủi từ khi vào bệnh viện tới chẳng may phải trở về nhà bằng hộp tro...
Vậy nên, một trong những cách để chúng ta tồn tại là điều chỉnh hành vi, cách sống. nếp sống…
Gì chứ khoản bắt tay là sẽ giảm triệt để. Xưa các cụ ta gặp nhau là chắp tay chào nhau, giữ khoảng cách rất ổn dù chưa Cô vít cô veo gì. Giờ bắt chước châu Âu chúng ta bắt tay. Những năm gần đây cái sự bắt tay nó vô tội vạ tới mức có người sợ bắt tay. Kinh hoàng nhất là ở các cuộc nhậu. Mà cái “đặc sản” nhậu ở Việt Nam thì muôn hình vạn trạng, nhưng có một thứ chung mới phát sinh bây giờ là... bắt tay. Uống xong là bắt tay. Bắt cho kỳ được, bắt cho kỳ hết, bắt xong bắt nữa. Đàn ông bắt đàn bà cũng bắt. Thành phố bắt nông thôn cũng bắt. Trẻ bắt già cũng bắt. Không bắt tay là thất lễ, không bắt tay là chưa uống, là không thân thiện vân vân...
Gần đây, có con Covid, may mắn là món bắt tay giảm rõ rệt. Ta thấy các lãnh đạo Việt Nam tiếp khách quốc tế bắt tay nhau bằng... khuỷu tay. Tôi thì ủng hộ và đang thực hiện là nếu phải bắt tay thì... giơ nắm đấm. Đối phương cũng... nắm đấm. Hai nắm đấm chĩa vào nhau nhưng không phải để... đánh nhau, mà là “bắt tay” thân thiện.
Từ đấy thì chuyện nhậu cũng sẽ giảm. Từng có những cảnh báo rằng Việt Nam ta nhậu nhiều nhất thế giới. Thậm chí có tờ báo còn đưa tin: Hà Nội, thành phố vì hòa bình của chúng ta, lọt tốp 10 thành phố uống bia tốt nhất thế giới, dù bia mới du nhập vào Việt Nam ở thế kỷ trước, chứ món quốc hồn quốc túy của chúng ta chính là thứ “nút lá chuối” huyền thoại kia.
Và nữa, những là ma chay cưới xin lễ lạt cũng sẽ phải có cách thích nghi. Cả đám ma truyền thống kéo dài mấy ngày tốn kém của cải và sức khỏe tới bây giờ lủi thủi một cái hộp tro cốt về nhà cũng đều bất cập. Sẽ phải thích nghi để vẫn tiếc thương, vẫn tâm linh truyền thống nhưng lại phù hợp với thời... covid. Tất nhiên ảnh hưởng nặng nhất là ngành du lịch khi mà du lịch online không thể bằng những chuyến tới tận nơi sờ tận tay. Và liên quan tới đấy là các lễ hội. Đất nước ta là đất nước của lễ hội luân chuyển tứ mùa từ Bắc chí Nam.
Cách làm việc cũng sẽ phải khác. Online lên ngôi, cái gì cần mới tụ tập. Và, vấn nạn mà lâu nay chúng ta kêu ca nhiều là biên chế nhiều quá, cán bộ đông quá, xách ô đi ôm cặp về nhiều quá, tốn trà nước quá... chắc chắn cũng sẽ giảm. Phương thức lao động thủ công cũng sẽ phải khác, ít nhất là để không quá xúm xít vào nhau, không tạo điều kiện cho virus thâm nhập... Thế giới mạng nó có thể giúp cho con người ngồi một mình trong phòng và quan hệ với cả thế giới mà...
Và tất nhiên, khẩu trang lên ngôi. Ra đường chúng ta nhận nhau bằng những đôi mắt. Lại là sự lên ngôi của những đôi mắt đẹp. Và khoản này phải phục cụ Lưu Trọng Lư, trăm năm trước cụ đã tiên đoán: “Mắt em là một dòng sông/ Thuyền anh bơi lội giữa dòng mắt em”...
Sẽ còn có nhiều thay đổi to lớn nữa, mà có thể ngay lúc này chúng ta chưa nghĩ ra, nó sẽ xuất hiện cùng với thực tế đời sống. Thì ta cứ nghĩ nó chính là một trong những bước ngoặt của loài người. Có những bước ngoặt tiến bộ, thậm chí là tiến bộ vĩ đại, như tìm ra lửa, sự xuất hiện máy hơi nước, sự phát minh ra tiền, ra điện, ra internet, ra vắc xin... và cả những bước ngoặt khiến loài người lao đao, tưởng diệt vong nhưng rồi chúng ta đã vượt qua như bom nguyên tử, như núi lửa, động đất... vân vân...
Và với giới văn nhân thi sĩ, thì cái ngày thơ chúng ta tổ chức thường niên mười mấy năm nay trên cả nước, rồi cũng phải thay đổi để thích nghi. Năm ngoái ngày thơ chính thức đã phải hoãn nhưng rất nhiều nhóm thơ vẫn tổ chức online và vẫn có lượng khán giả khá đông. Năm nay, theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội nhà văn, “bật mí” trong một cuộc ra mắt sách online mà tôi là một trong những thành viên dự cuộc ấy, thì Hội Nhà văn cũng sẽ tổ chức Ngày thơ Việt Nam theo hình thức online.
À đấy, cũng liên quan tới các nhà văn, từ đây các cuộc họp báo ra mắt sách tới bán sách đều có thể tổ chức online như mới nhất là cuộc ra mắt sách “Về Nguyễn Huy Thiệp” mà tôi mới kể.
Cuộc sống mà, nó cứ phải tiến lên thôi, dẫu có phải điều chỉnh, ít hoặc nhiều, hạnh phúc hay đau đớn…
Tác giả: Nhà thơ Văn Công Hùng
Nguồn Văn nghệ số 35+36/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên