Dù biết dịch bệnh không thể khác nhưng phương án này đã để lại những băn khoăn từ phụ huynh và cả nhà trường.
Hiện tại đa số các gia đình đều có tivi. Sở GD-ĐT TP.HCM nên chọn những giáo viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm để lên tiết dạy. Những tiết dạy này sẽ được ghi hình và phát trên tivi ở nhiều khung giờ khác nhau. Như vậy những học sinh khó khăn, nhà không có máy tính vẫn học được.
Ông LÊ VĂN BỒNG (hiệu trưởng Trường tiểu học Phạm Văn Cội, Củ Chi, TP.HCM)
Con đang kẹt ở quê
"Tôi cho hai đứa con về quê ở Khánh Hòa nghỉ hè từ đầu tháng 6 đến nay. Giờ dịch bệnh đang căng thẳng quá, tôi không thể về quê đón con thì làm sao các cháu học chương trình năm học mới? Cứ tưởng hai bé nhà tôi là trường hợp hiếm. Không ngờ tôi hỏi người thân, bạn bè thì rất nhiều người rơi vào trường hợp nan giải giống tôi" - chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt, nhà ở quận Tân Phú, cho biết.
Chị Nguyệt nói thêm: "Việc học của con làm tôi rối quá. Xin cho hai bé học ở Khánh Hòa thì không ổn mà cũng rất tốn kém vì phải sắm mới đồng phục, đồ dùng các loại. Con tôi một đứa lớp 2, một đứa lớp 4 mà bắt làm quen với môi trường, bạn bè mới ở quê cũng không phải là điều dễ dàng.
Nhưng giải pháp để con ở ngoài đó rồi học từ xa với giáo viên ở TP.HCM cũng không được. Ông bà không rành về công nghệ nên không thể hướng dẫn cháu học qua Internet. Tôi có gởi máy tính về quê thì rất có nguy cơ hai đứa con sẽ giành nhau chơi game chứ ông bà không quản được".
Trong khi đó, nhiều phụ huynh lại có nỗi lo khác. "Vợ chồng tôi đi làm suốt từ sáng đến tối, không có mặt ở nhà nên không thể hỗ trợ con học online. Bé nhỏ nhà tôi năm nay vào lớp 1. Tôi không thể hình dung học sinh lớp 1 học online sẽ như thế nào.
Làm sao để bé cầm bút, ngồi học đúng tư thế, ai sẽ gò cho con viết đúng các ô li trong vở theo quy định. Tôi thì không thể dạy con vì tôi không hiểu về chương trình lắm. Nghe nói chương trình mới bây giờ khác hẳn cách học của chúng tôi ngày xưa" - chị Phạm Thị Huệ, phụ huynh ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, bày tỏ.
Nhà trường cũng băn khoăn
Lãnh đạo một trường tiểu học ở quận 3 nêu ý kiến: "Học sinh tiểu học không có được ý thức học tập như học sinh THCS, THPT. Nhất là học sinh lớp 1, lớp 2 lại càng khó vì các em vẫn còn ham chơi, khó tập trung được lâu. Vì vậy, việc dạy học trên Internet đối với học sinh tiểu học là đẩy trách nhiệm về phía phụ huynh.
Nếu phụ huynh không đồng hành thì trẻ tiểu học không thể học từ xa. Dù dịch bệnh khó khăn, vất vả, nhiều phụ huynh vẫn cố gắng hỗ trợ con em học tập. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là không phải phụ huynh nào cũng có thể dạy con học".
Tương tự, cô H.T.T. - giáo viên lớp 2 ở TP Thủ Đức - tâm sự: "Năm học trước chỉ dạy online trong một thời gian ngắn mà tôi phải làm cầu nối giảng hòa cho hai gia đình vì những xung đột giữa cha mẹ và con cái. Đầu tiên là bé méc cô: Ba con dạy con học mà cứ quát ầm ầm, nói con ngu như bò, có phép tính cộng cũng làm sai. Con giận nên con lì luôn, không thèm học.
Tôi nói chuyện với phụ huynh và thống nhất là ba bé nóng tính quá thì để mẹ dạy bé. Nhưng tình hình chỉ êm thấm được vài ngày. Cả ngày làm việc vất vả, buổi tối về lại phải dạy con học mà con thì hay mất tập trung nên bà mẹ cũng không thể kiềm chế. Lúc đầu chị cáu quá nên đánh vào tay, phát vào đùi con, sau đó là sắm luôn một cây roi để kế bên trong lúc dạy con học".
Đó là những gia đình có thể lo được đầy đủ máy móc cho con học từ xa. Còn với những gia đình khác, chuyện lại không đơn giản vậy. Ông Lê Văn Bồng - hiệu trưởng Trường tiểu học Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi - cho hay: "Trường chúng tôi chỉ có 30% phụ huynh sắm được máy tính có nối mạng Internet cho con em học tập.
Số còn lại thì học trên điện thoại di động nhưng màn hình điện thoại quá nhỏ nên hiệu quả học tập của học sinh cũng hạn chế. Như vậy vẫn còn đỡ, nhiều phụ huynh trường tôi còn không có điện thoại thông minh mà chỉ dùng điện thoại dạng 'cục gạch'".
Ông Bồng cho biết thêm: "Năm học trước với những gia đình khó khăn thì giáo viên photo bài giảng, bài tập gởi đến nhà cho phụ huynh hoặc mời phụ huynh qua trường nhận để về hướng dẫn con học. Năm nay nếu tình hình dịch bệnh không giảm, tình trạng giãn cách kéo dài thì cũng không thể thực hiện phương án này".
Chỉ phù hợp những gia đình có điều kiện
Theo giáo viên tiểu học ở các quận nội thành TP.HCM, việc dạy học trên Internet đối với trẻ tiểu học chỉ khả thi với các gia đình phụ huynh có điều kiện kinh tế (mua sắm đầy đủ trang thiết bị để học online), có sự hiểu biết nhất định để có thể dạy con học.
Cô Nguyễn Thị Bích Hiền - giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Lê Đình Chinh, quận 10 - cho biết khi nhận được thông báo của trường, của quận về việc sẽ dạy học cho học sinh lớp 1 năm học này bằng hình thức trực tuyến hoặc qua Internet, cô và nhiều giáo viên lớp 1 trong trường không cảm thấy bất ngờ. Cô cho rằng đây là giải pháp hữu ích trong điều kiện giãn cách xã hội như hiện nay.
"Tôi có liên hệ với một số phụ huynh. Họ nói rằng cứ để cho trẻ ở nhà mà không làm gì thì cũng không ổn và học trực tuyến, học qua Internet phù hợp là cách cần thiết để trẻ lớp 1 kết thúc những ngày ở nhà nhàm chán của mình" - cô Hiền chia sẻ.
Cô Huỳnh Thị Thảo - hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đình Chinh, quận 10 - đánh giá việc học trực tuyến đối với học sinh khối lớp 1 sẽ không thể đạt hiệu quả 100% vì còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là từ phía cha mẹ học sinh.
Tuy nhiên, trường sẽ đa dạng các hình thức học qua Internet đảm bảo được việc học sinh tiếp cận tốt nhất các kiến thức căn bản, biết đọc, biết chữ. Hiện nay trường đã tổng hợp danh sách, số điện thoại để thông báo cho phụ huynh, sau đó sẽ giới thiệu cách học online qua phần mềm Zoom hoặc K12online cho phụ huynh trước. Để việc học thuận tiện, trường cũng quay clip và gửi đường link cho phụ huynh để phụ huynh quen với cách học này của con…
Các phòng GD-ĐT chuẩn bị ra sao?
Về giải pháp cho việc học trên Internet hiệu quả hơn, cô Đặng Thị Tuyết Lan, chuyên viên Phòng Giáo dục - đào tạo quận 10, TP.HCM, cho biết cách đây mười ngày, phòng đã có phân công chính thức về việc xây dựng video clip bốn tuần học đầu tiên của học sinh tiểu học cho các trường và hiện đã thực hiện xong nội dung bốn tuần đầu.
Tùy vào thực tế và lợi thế của từng trường, quận 10 giao cho từng đơn vị đảm nhận một phần trong nội dung clip các môn học. Sau đó Phòng GD-ĐT sẽ có một kho dữ liệu dùng chung cho tất cả các giáo viên tiểu học về video clip các bài dạy với phương châm đảm bảo clip gửi đến phụ huynh đã được thẩm định phù hợp.
Tuy vậy, quận cũng không bắt buộc tất cả các trường, giáo viên phải dùng dữ liệu này mà có thể thực hiện riêng những clip khác để phù hợp với điều kiện học tập và trình độ của học sinh trường mình. Ngoài ra phòng cũng khuyến khích các trường làm clip giới thiệu về trường để gửi đến phụ huynh, nhất là phụ huynh đầu cấp.
"Quận 10 quán triệt với các trường sẽ đa dạng hình thức dạy học trên Internet, gồm dạy trực tuyến với những học sinh có điều kiện, dạy qua video clip, hoặc các nền tảng điện thoại và cả gửi bản giấy cho phụ huynh, học sinh. Chúng tôi sẽ triển khai mọi hình thức dạy học có thể để học sinh có thể học trong điều kiện của mình", cô Đặng Thị Tuyết Lan nói.
- Cho rằng không ai muốn bắt đầu năm học mới như thế này nhưng nếu để học sinh ở nhà lâu cũng sẽ gây khó khăn cho phụ huynh, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, cho biết đã triển khai cho các giáo viên giỏi, cốt cán khối lớp 1, 2 của 57 trường tiểu học, chia thành nhiều cụm để ghi hình các tiết dạy cho học sinh lớp 1, 2.
Học sinh lớp 1 học theo chương trình phổ thông mới và là lớp đầu cấp nên sẽ có nhiều khó khăn hơn những khối lớp khác. Vì thế cần những clip đảm bảo kiến thức cơ bản, dễ hiểu để chuyển tới phụ huynh các đường link. Phòng GD-ĐT Thủ Đức cũng xây dựng sẵn các kho tư liệu dạy học qua Internet, tiến tới việc toàn TP sẽ sử dụng chung.
Với học sinh lớp 1, ngành giáo dục Thủ Đức yêu cầu giáo viên trao đổi với phụ huynh, nhằm đảm bảo được kiến thức cơ bản cho học sinh như viết, đọc, làm toán ban đầu.
Dự phòng cho những trường hợp phụ huynh khó khăn không có điện thoại thông minh, máy tính, Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức yêu cầu đội ngũ kỹ thuật đơn giản hóa đường link để gửi đến phụ huynh, đảm bảo nếu gia đình nào dùng tivi thông minh cũng có thể cho con học được.
Với những học sinh không có bất kỳ thiết bị kết nối Internet nào, phòng cũng yêu cầu nhà trường chuyển đổi bài học qua giấy để gửi về cho phụ huynh cho các con học và sau đó giáo viên sẽ trao đổi với học sinh bằng điện thoại.
"Để học từ xa bằng nhiều hình thức hiệu quả trong mùa dịch này, mấu chốt của vấn đề là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa phụ huynh với giáo viên. Vì thế Phòng GD-ĐT cũng lập một trang fanpage để kết nối phụ huynh và nhà trường.
Tại fanpage này, ngành giáo dục TP Thủ Đức sẽ giải đáp được các thắc mắc và đáp ứng các tài liệu học tập của học sinh. Hiện nay, trên fanpage này của chúng tôi có đủ hết các đầu sách của Nhà xuất bản Giáo Dục mà học sinh cần", ông Nguyên cho biết.
- Ông Dương Văn Dân, trưởng Phòng GD-ĐT quận 8, cũng cho biết sẽ có nhiều khó khăn trong việc dạy lớp 1 thông qua Internet. Quận này bắt đầu từ việc để các trường họp với phụ huynh thông qua hình thức trực tuyến, đồng thời để giáo viên quay clip bài học đảm bảo đủ dữ liệu gửi cho phụ huynh phối hợp.
"Quận 8 là địa bàn có nhiều học sinh khó khăn. Tuy vậy khi triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1, chúng tôi có đủ đội ngũ giáo viên chuẩn nguồn và xác định học trong điều kiện tối thiểu nhất có thể, sau đó sẽ tiến hành ôn lại khi điều kiện giãn cách được nới lỏng", ông Dân cho biết.
- Ông Đặng Nguyễn Thịnh, trưởng Phòng GD-ĐT quận 7, cho biết quận này đã tập huấn với giáo viên các trường và hiện đang lấy danh sách phụ huynh và nơi cư trú của học sinh lớp 1, đảm bảo sẽ họp phụ huynh lớp 1 trực tuyến trước, sau đó mới triển khai dạy online cho học sinh lớp 1.
"Phụ huynh là điều kiện tiên quyết đảm bảo việc triển khai hiệu quả dạy học từ xa đối với học sinh lớp 1 nên chúng tôi bắt đầu từ phụ huynh" - ông Thịnh nói.
Cần có giải pháp "hậu" học từ xa
Việc dạy học qua Internet cho trẻ tiểu học chắc chắn sẽ không đem lại hiệu quả như dạy trực tiếp. Thực tế cho thấy có học sinh không thể học qua Internet vì không đủ máy móc để học. Có em có tham gia học nhưng không tiếp thu được bài như yêu cầu.
Chưa kể với mùa dịch bệnh này, nhiều phụ huynh mất việc, không có thu nhập, cái ăn còn chưa đủ thì tiền đâu họ lo cho con học online. Còn nữa, một số trẻ có ba hoặc mẹ tử vong vì COVID-19 thì còn khó khăn gấp bội, khó có thể bắt đầu năm học mới với việc học từ xa.
Khó nhất là với giáo viên lớp 1, lớp 2 khi triển khai chương trình mới. Năm học trước, chúng tôi được dạy trực tiếp mà nhiều phụ huynh còn kêu trời là chương trình quá nặng, con em họ không tiếp thu kịp.
Năm nay dạy online thì không biết các bé sẽ như thế nào. Tôi đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM nên tính toán để sau khi trẻ đi học lại, giáo viên chúng tôi có từ 3 - 4 tuần để ôn tập, củng cố, hỗ trợ những em học sinh yếu, giúp các em đạt được chuẩn kiến thức - kỹ năng. Đừng bắt chúng tôi "chạy" chương trình một cách vội vã, sẽ rất tội cho học sinh.
Một giáo viên tiểu học ở TP Thủ Đức
Theo Mỹ Dung-Hoàng Hương/Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên