Không thể thiếu shipper

Chủ nhật - 29/08/2021 17:38

Dịch bùng phát, thương mại điện tử thay thế chợ truyền thống và gắn liền với shipper. Do tỉ lệ tiêm vắc xin còn thấp, hoạt động của shipper có thể gây lây nhiễm và ý thức phòng chống dịch chưa cao nên phải dừng hoạt động.

Thay vào đó là quân đội kết hợp với đoàn thể địa phương, hình thành "hệ thống đi chợ hộ". Nhưng "hệ thống đi chợ hộ" này đã quá tải, cần được cải tiến, tất nhiên, không thể thiếu shipper.

Tính theo đầu người, "hệ thống đi chợ hộ" có "quân số" gấp nhiều lần đội ngũ shipper nhưng hiệu quả không thể sánh bằng bởi nhiều lẽ.

Thứ nhất, hàng triệu món hàng được hệ thống thương mại điện tử tự động tính toán trong khi "hệ thống đi chợ hộ" phải ghi chép, tính toán thủ công như thập niên 1980.

Thứ hai, việc ghép nối cung cầu bằng thuật toán thông minh nay phải giao kết thủ công có độ trễ và sai lệch tăng lên bởi phải qua trung gian "hệ thống đi chợ hộ".

Thứ ba, trên thương mại điện tử, người mua chỉ quan tâm tìm kiếm món hàng gì và giá cả chứ không quan tâm ở đâu. Còn "đi chợ hộ" đôi khi lại phải gánh thêm việc tìm kiếm nguồn hàng, khiến tốc độ đáp ứng trễ xuống. Hạn chế này, cùng đặc điểm chỉ hoạt động theo địa bàn, dẫn đến nơi thừa chỗ thiếu dù chỉ cách nhau con đường.

Thứ tư, lực lượng chi viện từ trung ương tham gia "hệ thống đi chợ hộ" gồm cả ôtô và đi bộ không thể hiệu quả bằng xe hai bánh của shipper.

Thứ năm, hệ thống thương mại điện tử thường trang bị bản đồ số định vị bên bán và bên mua và có thể đẩy lên hệ thống các yêu cầu mới phát sinh trên đường shipper vận chuyển nên shipper có thể kết hợp vừa giao hàng vừa lấy hàng trên một cung đường.

Phải khắc phục và phát huy năm lợi thế nêu trên để kết hợp thương mại điện tử với "hệ thống đi chợ hộ" sao cho vẫn bảo đảm an toàn phòng dịch ở mức độ hợp lý? Một lộ trình 3 bước dưới đây là gợi ý:

Giai đoạn "shipper 0 đồng": bên cạnh "hệ thống đi chợ hộ", cho kích hoạt lại các nền tảng thương mại điện tử, shipper truyền thống được hoạt động bên cạnh nhân sự của "hệ thống đi chợ hộ". Nên triển khai song song thương mại điện tử với "hệ thống đi chợ hộ" để chia lửa. "Hệ thống đi chợ hộ" sẽ bảo đảm an sinh cho người nghèo, người không thể tham gia thương mại điện tử.

Giai đoạn "shipper 3 tại chỗ": phải ưu tiên tiêm đủ hai mũi vắc xin cho các shipper "chuyên nghiệp" (đã gia nhập trên sáu tháng, được khách hàng đánh giá tốt, số thù lao trước dịch COVID-19 vượt ngưỡng ví dụ 10 triệu/tháng). Khi được tiêm hai mũi, rủi ro lây nhiễm của shipper tương đương với nhân sự của "hệ thống đi chợ hộ", chỉ còn vấn đề tuân thủ kỷ luật phòng dịch. Điều này khắc phục được bằng cách thực hiện "3 tại chỗ", đặt họ dưới sự quản lý và giám sát của lực lượng quân đội.

Giai đoạn "shipper 2 mũi": khi đỉnh dịch qua đi, năng lực tiếp nhận ca F0 của hệ thống y tế được khôi phục, cần khôi phục vai trò của thương mại điện tử. Khi đó, các shipper chỉ cần hai điều kiện: tiêm đủ hai mũi vắc xin và test âm tính là được vận chuyển liên quận. Khi nào áp dụng "shipper 2 mũi" phải tính toán kỹ dựa trên nhiều tham số nhưng cần có lộ trình khôi phục logistics thương mại điện tử, và lộ trình 3 bước nêu trên là gợi ý tham khảo.

 

VÕ TRÍ HẢO (hiệu trưởng ĐH Gia Định, trọng tài viên VIAC)
Nguồn Tuổi trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây