Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM: ‘Học thật, thi thật, nhân tài thật’ không dễ

Thứ sáu - 20/08/2021 10:34
111
TS Nguyễn Đức Nghĩa- Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
Trước đề xuất bỏ ‘phao cứu sinh’ xét tốt nghiệp THPT, TS Nguyễn Đức Nghĩa- Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hãy đặt tình huống gần 1 triệu học sinh lớp 12 hàng năm với tỉ lệ tốt nghiệp “quen thuộc” trên 90%, nếu tỉ lệ này giảm xuống 60 – 70% như năm 2007 thì phản ứng của toàn xã hội này sẽ thế nào?

Từ năm 2020, Bộ GD&ĐT quy định các địa phương xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 theo công thức 70% dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, 30% dựa vào điểm trung bình học bạ lớp 12 của thí sinh.

Theo các chuyên gia, 30% điểm học bạ được coi là “phao cứu sinh và với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp như hai năm nay, đã đến lúc cần loại bỏ phao này.

Lúc ấy Bộ GD& ĐT phải dùng điểm học bạ tới 50% để chống trượt cho học sinh, như vậy tỷ lệ tốt nghiệp vẫn khá cao.

PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với , TS Nguyễn Đức Nghĩa- Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này.

"Nhận định này đúng"

PV: Gần đây, có nhiều ý kiến đề xuất cần bỏ “phao cứu sinh” trong xét tốt nghiệp ngay lập tức. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) có 3 mục tiêu chính: trước hết là để xét tốt nghiệp, nhưng 2 mục tiêu còn lại cũng quan trọng không kém là dùng làm cơ sở để các trường đại học tuyển sinh và dùng để đánh giá kết quả giáo dục phổ thông.

Theo quy chế thi, một học sinh được công nhận tốt nghiệp nếu điểm trung bình xét tốt nghiệp đạt từ 5,00 trở lên và không có bất kỳ môn thi nào bị điểm liệt (từ 1,00 trở xuống). Số môn thi trắc nghiệm chiếm đến 8/9 môn thi nên hàng năm số học sinh bị điểm liệt rất ít.

Năm 2021 chỉ có 1.303 lượt điểm liệt trong cả 2 đợt thi. Trong công thức tính điểm xét tốt nghiệp, điểm trung bình lớp 12 chiếm trọng số 30% và nhiều người cho rằng đây chính là phao cứu sinh trong xét tốt nghiệp THPT.

Phân tích dữ liệu điểm thi tốt nghiệp từ nhiều năm nay cho thấy nhận định này đúng, tuy nhiên chỉ đúng ở một số địa phương.

Ngay trong kỳ thi năm 2021 vừa kết thúc, nếu chỉ tính điểm thi tốt nghiệp để xét tốt nghiệp thì chỉ có 34/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ tốt nghiệp trên 90%, và tỉ lệ tốt nghiệp chung của cả nước chỉ khoảng 92%.

Đến thời điểm này dù còn một số ít địa phương đang thống kê kết quả thi đợt 2, nhưng đã có hàng loạt địa phương đã công bố tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT cao hơn 99% (Lào Cai, Sơn La, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng,…).

Tỉnh Hà Giang có tỉ lệ tốt nghiệp thấp nhất, 93,22% nhưng cũng đã cao hơn 5% so với năm 2020. Như vậy, dự đoán tỉ lệ tốt nghiệp cả nước ở năm 2021 sẽ không thấp hơn năm 2020 (98,34%).

Tỉnh,
thành phố

Tỉ lệ tốt nghiệp nếu

chỉ tính điểm thi tốt nghiệp

Tỉ lệ tốt nghiệp 2021 đã công bố

% thí sinh tốt nghiệp thêm nhờ điểm trung bình lớp 12

Bình Dương

99.28%

99,28%

000%

Vĩnh Phúc

98.7%

99,43%

0,73%

Hà Nam

98.0%

99,98%

1,98%

Ninh Bình

98.0%

99%

1,00%

Bạc Liêu

97.2%

99,6%

2,40%

Bến Tre

96.2%

99,21%

3,01%

Hà Tĩnh

95.6%

99,69%

4,09%

Lâm Đồng

95.5%

99,63%

4,13%

Tây Ninh

93.6%

99,53%

5,93%

Long An

93.2%

99,51%

6,31%

Hà Nội

92.8%

98,9%

6,10%

Lào Cai

92.2%

99,26%

7,06%

Đồng Nai

91.9%

99,37%

7,47%

Kiên Giang

90.5%

99,6%

9,10%

Sóc Trăng

89.4%

99,52%

10,12%

Cà Mau

88.9%

99,09%

10,19%

Sơn La

81.3%

99,27%

17,97%

Đăk Nông

81.1%

97,1%

16,00%

Hoà Bình

76.9%

97,49%

20,59%

Cao Bằng

75.3%

96%

20,70%

Hà Giang

65.2%

93,22%

28,02%

PV: Có ý kiến cho rằng, tỷ lệ 30% điểm học bạ trong xét tốt nghiệp THPT đang được áp dụng không hợp tình, hợp lý, thậm chí còn tác động không tốt đến việc dạy và học ở trường phổ thông. Ông có đồng tình với ý kiến này không?

111
Ảnh: TS Nguyễn Đức Nghĩa cung cấp

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Năm 2007, với quyết tâm thực hiện “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, tỉ lệ tốt nghiệp của kỳ thi 2007 giảm còn 67,13%, trong khi tỉ lệ tốt nghiệp của năm liền kề trước đó đạt gần 94%.

Sự kiện này gây một cú sốc lớn cho toàn xã hội vốn quen với tỉ lệ tốt nghiệp phải trên 90% và rất nhiều địa phương còn tiệm cận đến 100%.

Để giảm sốc, lần đầu tiên sau rất nhiều năm Bộ GDĐT phải tổ chức thi tốt nghiệp đợt 2, và việc tổ chức thi đợt 2 còn tiếp ở năm 2008, và rồi sau đó tỉ lệ tốt nghiệp lại “phục hồi” dần để đạt đỉnh điểm là 99,09% ở năm 2014, là năm cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT trước khi chuyển thành kỳ thi THPT quốc gia (THPTQG) từ năm 2015. Khi chuyển qua kỳ thi THPTQG, tỉ lệ tốt nghiệp giảm xuống còn 91,58%, rồi tăng dần lại cho đến khi xảy ra đại án gian lận thi cử ở một số tỉnh phía bắc năm 2018.
 

Từ năm 2018 trở về trước, điểm trung bình lớp 12 (ĐTB12) còn chiếm đến 50% trọng số trong công thức tính điểm xét tốt nghiệp, và tỉ lệ tốt nghiệp hàng năm cũng đã rất cao. Từ năm 2019, trọng số ĐTB12 giảm còn 30%.

Việc thay đổi tỉ lệ này, tôi cho rằng Bộ GDĐT cũng có cân nhắc chứ không tùy tiện đưa ra, tất nhiên với mục tiêu tiềm ẩn không nói ra được là làm sao giữ mức độ tỉ lệ tốt nghiệp chung không quá thấp như năm 2007.

Việc tính toán có thể dựa trên cơ sở giả sử xét tốt nghiệp chỉ dựa trên điểm thi tốt nghiệp, không tính đến ĐTB12 (trọng số ĐTB12 là 0%).

Với cách “dự toán” như vậy, ví dụ như tỉnh Hà Giang năm 2021 này đã nâng tỉ lệ tốt nghiệp vốn sẽ thấp nhất nước từ 65,2% (không có phao cứu sinh ĐTB12) lên 93,22%, vẫn là thấp nhất nước. Hãy đặt tình huống gần 1 triệu học sinh lớp 12 hàng năm với tỉ lệ tốt nghiệp “quen thuộc” trên 90%, nếu tỉ lệ này giảm xuống 60 – 70% như năm 2007 thì phản ứng của toàn xã hội này sẽ thế nào?

Điều đó cho thấy muốn chủ trương “học thật, thi thật, nhân tài thật” thành hiện thực quả thật không dễ.

Kỳ thi nghiệp THPT: Không còn thích hợp để mặc chung một áo

PV: Vài năm nay, chúng ta mãi loay hoay với kì thi tốt nghiệp THPT. Nhìn lại tổng thể kỳ thi THPT quốc gia, liệu theo ông có những bất cập nào?

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Nếu nhìn lại quá trình giáo dục phổ thông hơn 40 năm qua, đúng là chúng ta vẫn loay hoay xung quanh chuyện học để thi và thi để học.

Nếu chỉ tính từ khi các trường đại học (ĐH) cùng tuyển sinh theo phương thức ba chung 2002, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã lặng lẽ song hành với một mục tiêu duy nhất là để xét tốt nghiệp THPT với tỉ lệ có năm xấp xỉ 100%. Khi đó kỳ thi tuyển sinh ĐH thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều hơn do tầm quan trọng (cũng là mục tiêu duy nhất lúc đó) là xét tuyển vào ĐH.

Từ khi kỳ thi tốt nghiệp THPT được hợp nhất với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thành kỳ thi THPTQG. Việc hợp nhất này phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW (Hội nghị TƯ 8 khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, theo đó “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.”

Trong những năm đầu (2015, 2016) kỳ thi diễn ra khá suôn sẻ, những bất cập của kỳ thi lại do quy định về xét tuyển ĐH. Tuy nhiên, theo thời gian và với thực tế của giáo dục phổ thông, các mục tiêu của kỳ thi (xét tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, làm cơ sở xét tuyển ĐH) có vẻ như không còn thích hợp để mặc chung một áo.

PV: Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT còn rất nhiều hạn chế và không nên tiếp tục thực hiện với mục đích vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Theo ông, có nên “tách” hay vẫn cứ để kì thi mang mục đích như bây giờ?

TS Nguyễn Đức Nghĩa: Về xét tốt nghiệp, dư luận xã hội rất bức xúc với việc với kỳ thi tốn kém tiền bạc và công sức nhưng rồi hầu hết học sinh đều được công nhận tốt nghiệp.

Về xét tuyển ĐH, với những thay đổi liên tục trong đề thi và quy định xét tuyển, các trường ĐH cũng không an tâm về nguồn tuyển và chất lượng học sinh, các trường ĐH phải tuyển sinh theo nhiều phương thức khác ngoài việc sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, thậm chí còn tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực riêng (ĐHQG Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội,…).

Giá trị lớn nhất của kỳ thi tốt nghiệp hiện nay còn lại có lẽ là dùng làm cơ sở đánh giá dạy và học chương trình giáo dục phổ thông. Không có kỳ thi tốt nghiệp THPT này vẫn có thể xét tốt nghiệp được, minh chứng qua việc hơn 15 ngàn học sinh sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp năm nay dù không dự thi.

Không có kỳ thi tốt nghiệp THPT này vẫn có thể xét tuyển qua học bạ trung học phổ thông, qua kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực và nhiều phương thức khác. Nhưng nếu không có kết quả của kỳ thi này thì không thấy được hiệu quả dạy và học ngoại ngữ, sự thăng trầm của điểm thi môn Sử qua các năm thi, xu hướng của học sinh khi chọn bài thi tốt nghiệp, sự khác biệt về kết quả học tập ở các địa phương, và đôi khi chua chát hơn là nhờ phân tích kết quả thi mà còn phát hiện được gian lận thi cử ở một số địa phương năm 2018.

Đã đến lúc phải thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT sao cho giữ được tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, không để tình trạng sau 8 năm thực hiện lại quay về xuất phát ban đầu.

Xin chân thành cảm ơn Ông!

Đỗ Hợp (thực hiện)
Nguồn Tiền phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây