Chống dịch và chống đói

Thứ hai - 23/08/2021 09:42

Mỏng manh, dễ vỡ, đối mặt khó khăn nhất những ngày này chính là những người nghèo đô thị thất nghiệp. Thể hiện trách nhiệm với người nghèo khó lúc này chính là bảo toàn tầng 'nền' vững vàng, xã hội mới ổn định.

111
Chống dịch gồm hai mặt trận chính: chống bệnh dịch cực kỳ nguy hiểm và chống không để dân đói. 

Cả hai đang hợp sức tấn công TP.HCM: dịch bệnh lây lan nhanh chóng và nguy hiểm đến mức cái chết đến không kịp nhận biết; cái đói của bao nhiêu người sẽ hiển hiện nếu chính quyền không ra tay kịp thời khi dịch bệnh kéo dài hàng tháng trời, khi những hộp cơm từ thiện cũng dần bớt, sức người có hạn, lá lành muốn đùm lá rách cũng không thể.

Có thể ngăn chặn dịch bằng nhân lực vật lực như bệnh viện, trang thiết bị y tế, bác sĩ và nhân viên y tế; ngăn chặn đói bằng lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm khác... Nhưng người "đói thì đầu gối phải bò", dù phần lớn người dân đã tuân thủ rất nghiêm việc ở yên trong nhà. 

TP.HCM tiếp tục "ai ở đâu ở yên đấy", siết chặt hơn sau gần hai tháng qua đã thực hiện chỉ thị 16+. Những khó khăn của hai tháng qua cũng sẽ tiếp tục và sẽ gay gắt hơn nữa. Mỏng manh, dễ vỡ, đối mặt khó khăn nhất những ngày này chính là những người nghèo đô thị thất nghiệp. 

Nhiều người nhập cư hiện nay muốn về quê vì vạn bất đắc dĩ, dù họ cũng hiểu rằng đi như vậy sẽ làm dịch bệnh có nguy cơ lây lan rộng hơn, dù họ không chắc về quê sẽ khá hơn, dù tuyệt vọng thì họ vẫn phải làm một điều gì đó để mà hy vọng.

Những người nghèo, người nhập cư hiện là thành phần khó khăn nhất cần được đảm bảo điều kiện tối thiểu là có chỗ ở, có đồ ăn, nếu mắc bệnh thì được điều trị. Chính quyền các địa phương và Chính phủ đều phải có trách nhiệm đảm bảo với họ điều đó. Vì đây cũng là lực lượng quan trọng đóng góp sức lực cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các công ty lớn nhỏ, những hoạt động dịch vụ cho các tầng lớp ở đô thị... 

Họ góp phần vào những con số tăng trưởng của kinh tế thành phố, vào xuất nhập khẩu của đất nước, đồng thời đóng góp cho quê hương bằng đồng tiền lao động cực khổ gửi về gia đình. Họ là đồng bào, là bà con của chúng ta.

Thể hiện trách nhiệm với người nghèo khó lúc này chính là bảo toàn tầng "nền" vững vàng, xã hội mới ổn định. Các tổ chức cộng đồng tiếp tục thực hiện hoạt động nhân đạo, tương tế, cứu tế tùy vào điều kiện của mình, nhưng không thể coi đây là phương thức chủ yếu. 

Để có thể thực hiện tốt được yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó" trong tình trạng dịch bệnh hoành hành hiện nay, người dân cần được Chính phủ mở các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp..., mở kho dự trữ gạo, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế cũng như thiết bị phục vụ tình trạng khẩn cấp... cung cấp ngay cho TP.HCM. 

Đây là lúc người lao động cần nguồn "tiền tươi thóc thật" từ Chính phủ và địa phương một cách khẩn cấp, chứ không thể chờ đợi "theo quy trình" bình thường. Không thực thi một cách khẩn cấp lúc này chính là hành vi "nối giáo" cho giặc bệnh, giặc đói.

Nếu chưa bảo đảm được chỗ ở cho người nghèo lúc này với những khoản tiền hỗ trợ phòng trọ, TP.HCM nên huy động những cơ sở công cộng như trường học, công sở, nhà chùa, nhà thờ... hiện nay chưa sử dụng, có mặt bằng rộng và thoáng, có thể làm nơi tiếp nhận và trú ngụ tập trung tạm thời cho những người không còn nơi tạm trú, vừa để họ ổn định vài tháng, tránh lây lan nếu họ dương tính, vừa để thuận tiện hơn cho việc cung cấp bữa ăn, xét nghiệm và tiêm vắc xin diện rộng cho những người khó khăn nhất. 

Các xe buýt có thể sử dụng để vận chuyển các bữa cơm đến những nơi tạm trú tập trung, làm "cửa hàng di động" (như ở Hà Nội) để đưa hàng thiết yếu đến từng khu phố, từng con đường, tránh tập trung ở siêu thị hay chợ.

Nhiều chuyên gia đã nói đến các mục tiêu tập trung quan trọng nhất hiện nay là phủ nhanh vắc xin trong cộng đồng; điều trị tích cực, quyết liệt nhằm kéo giảm số tử vong vì dịch bệnh; đảm bảo lưu thông hàng hóa thiết yếu, nhất là lương thực và thực phẩm; cứu trợ người nghèo, người nhập cư và bảo vệ hệ thống y tế không bị suy sụp. 

Cả 5 mục tiêu này cần được thực thi khẩn trương và quyết liệt như nhau, vì rất nhiều người dân đang sợ giặc bệnh và giặc đói, vì nếu giặc đói tấn công vào cư dân của thành phố thì cũng sẽ nguy hiểm như dịch bệnh COVID-19.
 

Theo Nguyễn Thị Hậu/Tuổi trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây