Không còn thái độ cầm chừng gia hạn một tuần hoặc hai tuần, TP. Hồ Chí Minh quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm một tháng nữa, từ 15/8 đến 15/9. Một tháng phong tỏa cho hy vọng dài lâu của đô thị nhộn nhịp nhất cả nước. Tính cả một tháng sắp tới, thì TP. Hồ Chí Minh nếm trải 105 ngày giãn cách xã hội. Đây là một động thái cần thiết, như cách giải thích của lãnh đạo thành phố “để tập trung khống chế nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất, đưa số ca bệnh về dưới công suất điều trị của hệ thống y tế, từng bước đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới”.
Ngay khi có thông tin TP. Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách thêm một tháng, thì một cuộc di tản hối hả lại diễn ra sáng 15/8. Các lực lượng chức năng nhanh chóng ngăn chặn và thuyết phục đoàn người lam lũ đừng vội vàng tháo chạy đầy hỗn loạn và bất trắc. Thế nhưng, cuộc di tản đột ngột ấy đã trực tiếp cảnh tỉnh cộng đồng rằng, một bộ phận lao động nhập cư đã không thể nào cầm cự được cuộc sống túng bấn và lo lắng. Ai cũng muốn ủng hộ công tác chống dịch, nhưng đóng cửa ngồi yên trong nhà hoàn toàn không đơn giản với những người nghèo. Họ không có tiền tích lũy và cũng không thể vay mượn ở đâu để bảo toàn sinh kế. Người ăn núi lở, không đi làm thì chi phí điện, nước tăng lên. Chủ nhà trọ có thể miễn tiền thuê, nhưng làm sao hỗ trợ chi phí điện, nước khi chính họ cũng mất nguồn thu nhập và lãi suất ngân hàng vẫn thu đều đặn? Cái khó chia đều cho tất cả, và những người nghèo không còn đủ kiên nhẫn đắn đo giữa nỗi sợ dịch và nỗi sợ đói.
Phải nhìn thật thấu đáo từng hoàn cảnh của lao động nhập cư, thì sẽ thấy bài toán “ở nhà là yêu nước” cũng nhiều xót xa. Tinh thần lá lành đùm lá rách đã phát huy rồi đấy, và biên độ “bầu ơi, thương lấy bí cùng” cũng đã mở hết giới hạn rồi đấy. Không thể nào kêu gọi “lấy sức dân chăm lo cho dân” chung chung, mà đã đến lúc chính quyền phải có sự điều chỉnh cụ thể hơn. Một chủ trương mới được UBND TP. Hồ Chí Minh triển khai là 1 triệu gói cứu tế dành cho những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Phân phối nhu yếu phẩm theo tiêu chí “đủ về lượng, đủ về chất, phù hợp từng đối tượng” cần thực hiện quyết liệt với những thủ tục nhanh gọn nhất. Ngoài ra, hỗ trợ chi phí thuê nhà cũng phải có sự hiệp thương rõ ràng với các chủ nhà trọ, hoặc chính quyền trả trực tiếp cho chủ nhà trọ theo giá thỏa thuận, hoặc người thuê nhà nhận một khoản tiền phụ cấp và tự dàn xếp với chủ nhà trọ.
Vẫn nên xác định một sự thật, đợt bùng phát Covid-19 thứ tư đã vượt khỏi mọi dự báo của chính quyền và mọi sự tiên liệu của người dân. Thông cảm cho nhau, san sẻ cho nhau theo nghĩa đồng bào, là điều quan trọng lúc này. Đô thị đầu tiên trên thế giới bị phong tỏa vì Covid-19 là thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, chỉ kéo dài 76 ngày. Còn bây giờ, TP. Hồ Chí Minh chấp nhận 105 ngày giãn cách xã hội, cũng cam go và cũng nhức nhối, nhưng không thể không tin vào tương lai an lành và phồn vinh trở lại. Thế nhưng, cuộc di tản bẽ bàng vì Covid-19 của những người lao động nhập cư, nói lên điều gì?
Dòng người từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ vội vã kéo nhau trở về quê nhà để tránh dịch, là cuộc di tản đầy ái ngại và đầy ám ảnh. Họ tranh thủ mọi cách để lên đường, thậm chí họ phải gạt nước mắt mà đi như trốn chạy khỏi mảnh đất từng cưu mang họ. Hệ lụy đáng sợ từ Covid-19 đã hiển lộ một cách nhức nhối tâm can. Không thể nói khác hơn, cuộc di tản hớt hải kia thật ngậm ngùi và thật hoang mang. Những người từng dắt díu nhau vào Nam mưu sinh, lại dắt díu nhau quay lại chốn cũ vì virus corona đã cướp đi việc làm, cướp đi bình yên, cướp đi nguồn sống của họ, và cướp đi cả ước mơ... Nhiều tỉnh đã tổ chức phương tiện đưa bà con về quê, bằng máy bay, bằng tàu hỏa, bằng xe đò. Thế nhưng, làm sao lo hết cho hàng triệu người tha phương cầu thực. Vì vậy, xe máy, xe đạp và cả đôi chân lấm láp cũng phải tìm đường về quê tránh dịch.
Trong hoạn nạn mới thấm thía nghĩa đồng bào, trên các chặng quốc lộ mà dòng người di cư đi qua, rất nhiều cá nhân và tổ chức đứng đón để tặng tiền ủng hộ, để trao quà động viên, để phát cơm từ thiện, để đổ xăng miễn phí… cho những số phận nhọc nhằn và gieo neo. Thảm cảnh của dịch bệnh không khác gì chiến tranh và thiên tai. Người Việt Nam nghẹn ngào trước dòng người di tản chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, dù biết rằng bất trắc và tai ương vẫn rình rập khi một số lượng lớn công dân mang theo mầm bệnh tỏa đi khắp nơi. Chính phủ phải phát ra văn bản kêu gọi người dân ở yên tại chỗ, và đích thân Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Nên tha thiết mời người nhập cư ở lại đô thị phương Nam để tiêm vacxin. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, mà chiến lược lâu dài là phải nghĩ đến nguồn nhân lực hợp lý hơn, tích cực hơn.
TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu tạo thành một vùng kinh tế năng động, nên thu hút rất đông đảo lực lượng lao động đến từ các địa phương. Khi Covid-19 bùng phát, thì nguồn nhân lực tạm trú ấy trở thành đối tượng yếm thế. Tài chính cạn kiệt, họ phải về quê tránh dịch, về quê nương tựa thân nhân, về quê trông cậy rau dưa ruộng vườn… Cuộc di cư trong nước mắt kia, nhắc nhở chúng ta rằng, có quá ít cơ hội việc làm và cơ hội phát triển cho đại bộ phận người lao động ở các địa phương. Vì vậy, đã đến lúc phải xác định mục tiêu “ly nông không ly hương” cho nguồn nhân lực tương lai.
Bây giờ phải ưu tiên đẩy lùi virus corona. Thế nhưng, hậu Covid-19 là một bài toán dịch chuyển lao động phải được giải quyết thấu đáo bằng những chính sách khuyến khích đầu tư, bằng những chính sách khuyến khích sáng tạo tại các tỉnh vừa trải nghiệm “đón đồng bào về từ vùng dịch” nhiều phấp phỏng ưu tư.
Tác giả: Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
Nguồn Văn nghệ số 35+36/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên