Phụ huynh chóng mặt với giá SGK lớp 1 ở trường: Mỗi nơi một kiểu, có bộ lên tới 900.000 đồng

Thứ ba - 31/08/2021 15:35
Nhiều phụ huynh bất ngờ khi giá sách giáo khoa lớp 1 của các nhà xuất bản công bố chỉ khoảng 200.000 đồng nhưng thực tế khi mua ở trường cả bộ sách thì giá gấp đôi, thậm chí gấp 3, 4 lần.

Mỗi trường một giá khác nhau, kèm thêm sách tham khảo

Năm học 2021-2022 đã chính thức được khởi động ở nhiều địa phương. Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho việc đi lại khó khăn tuy nhiên các nhà xuất bản, các trường học đã cố gắng thực hiện việc bàn giao sách giáo khoa đến tay học sinh sớm nhất.

Năm nay, học sinh lớp 1 chọn học 1 trong 3 bộ sách là Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục và bộ sách Cánh diều của NXB Đại học Sư phạm TP.HCM. Giá mỗi bộ sách niêm yết công khai dao động trên dưới 200.000 đồng/bộ. Tuy nhiên, các phụ huynh chia sẻ, khi đăng ký mua sách qua trường học của con thì vô cùng bất ngờ vì mỗi trường mỗi giá khác nhau.

111
Một bộ sách giáo khoa lớp 1 được sử dụng trong năm học 2021-2022. Ảnh: NVCC
Trao đổi với PV báo Dân Việt, chị Hoàng Thị Thủy, một phụ huynh có con năm nay vào lớp 1 ở Hà Nội chia sẻ: "Ngay khi con nhận lớp tôi đã được cô giáo thông báo đăng ký mua sách giáo khoa. Do dịch bệnh không đi lại được cộng với muốn con học sách vở đồng bộ với các bạn nên tôi đăng ký mua ở trường. Tổng giá tiền cho 12 quyển sách cùng Bộ dụng cụ học Toán và học vần là 538.000 đồng".

Mặc dù hoàn toàn hài lòng với bộ sách giáo khoa và giá tiền của trường nhưng chị Thủy bày tỏ sự ngạc nhiên vì mỗi trường lại có một bộ sách mà giá khác nhau, đồng thời có thêm nhiều quyển khác ngoài sách giáo khoa bắt buộc. Ví dụ như có trường thêm các quyển sách tham khảo Văn hóa giao thông, Truyện đọc phát triển năng lực…
111
Bảng giá bộ sách chị Thủy mua cho con học lớp 1. Ảnh: NVCC

Một số phụ huynh khác cũng cho biết, học sinh cùng vào lớp 1 nhưng có trường bán sách 249.000 đồng lại có trường lên tới 798.000 đồng, thậm chí có phụ huynh thông báo vừa mua hết 900.000 đồng/bộ sách cho con.

Những phụ huynh này cho rằng, mỗi bộ sách khác nhau thì chắc chắn sẽ có giá khác nhau, tuy nhiên các trường nên có sự thống nhất chung về sách cũng như các môn học chứ không nên quá khác xa nhau về số tiền như vậy.

111
Một bộ sách 14 quyển có giá 249.000 đồng. Ảnh: Facebook

"Buộc" phải mua?

Chia sẻ với PV, một phụ huynh có con vào lớp 1 ở Hà Nội cho biết, do khó khăn kinh tế, để tiết kiệm tiền, chị đã xin được người quen một bộ sách giáo khoa từ năm ngoái cho con học. Tuy nhiên, khi họp đầu năm, nhà trường yêu cầu 100% phụ huynh phải mua vì đã... đặt rồi.

"Tôi dự định chỉ mua ở bên ngoài vài quyển cần thiết cho con nhưng nhà trường yêu cầu tất cả phụ huynh mua cả bộ sách nên đành làm theo. Nhà trường đang làm khó cha mẹ học sinh", phụ huynh này cho biết.

Một phụ huynh khác ở một tỉnh chia sẻ, chị này đóng gần 900.000 đồng tiền mua sách đầu năm cho con nhưng không biết gồm những gì. "Khi nhận cả bộ, tôi thấy khá đầy đủ như sách giáo khoa, bảng... Nhà trường khá chu đáo trong tình hình dịch bệnh khó khăn đi lại hiện nay. Nhưng không hiểu tại sao học sinh lớp 1 mà trường lại đặt mua tới 20 quyển vở", phụ huynh này cho hay.

111
Một phụ huynh mua bộ sách với giá 798.000 đồng. Ảnh: Facebook

Hoặc có phụ huynh lại thắc mắc khi mua tới 29 đầu sách khác nhau với giá 798.000 đồng. Trong đó có 4 quyển dành cho buổi học thứ hai và không hiểu đây là sách gì, có thực sự cần thiết với học sinh lớp 1 hay không.

Trao đổi với PV báo Dân Việt, cô Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho hay: "Sách giáo khoa được các trường đặt mua từ đơn vị phát hành sách của nhà xuất bản nên phụ huynh sẽ mua theo giá niêm yết. Ngoài sách giáo khoa, học sinh phải mua thêm đồ dùng vì đi kèm theo chương trình học của từng nhà xuất bản. Chỉ bộ nào được phòng GD-ĐT quận, công ty phát hành sách duyệt thì nhà trường mới cho sử dụng".

Tại Trường Tiểu học Xuân Phương, cô Lan chia sẻ, trường phát danh mục sách đầy đủ cho phụ huynh có nhu cầu sẽ đăng ký, còn không thì phụ huynh sẽ tự đi mua, nhà trường không bắt buộc.

Chia sẻ thêm về cuốn sách dành cho buổi thứ 2, cô Lan cho biết, đây là sách dành cho lớp học 2 buổi/ngày. Ngoài chương trình cơ bản, học sinh có tiết tăng cường, hướng dẫn học buổi chiều. "Sách dành cho buổi thứ 2 là quyển hay dành cho giáo viên và học sinh nhưng chỉ phù hợp với nơi học sinh học tại trường. Còn trong tình hình dịch bệnh này là không cần thiết, học sinh học online chỉ cần học đủ trong sách giáo khoa là tốt lắm rồi", cô Lan nói.

Bà Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội lý giải về việc hiện nay hầu hết phụ huynh đặt mua sách ở trường thay vì ra nhà sách đầu năm: "Ở nước ngoài, nhà trường sẽ lên danh mục đầu sách và đồ dùng sau đó phụ huynh cùng học sinh đi mua vì đây là việc học của con.

Còn ở Việt Nam hiện nay, ngay từ cuối năm học phụ huynh đã được nhà trường cho đăng ký mua trọn bộ sách. Điều này thể hiện nhà trường và phụ huynh đang có tư tưởng bao bọc con.

Nhà trường thì tranh thủ bán sách giáo khoa, ngoài ra một số trường lại kèm thêm các loại sách không có trong danh mục sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT quy định. Cha mẹ thì nghĩ rằng đăng ký mua sách ở trường cho thuận tiện đỡ mất công đi mua và lại đúng loại sách vở hay đồ dùng nhà trường yêu cầu. Phụ huynh tin vào nhà trường nên đôi khi trong bộ sách đó có những đầu sách tham khảo cũng nghĩ rằng nó cần thiết, bắt buộc cho việc học của con".
 

Giải thích vì sao lại có giá tiền khác nhau ở mỗi trường, bà Hương cho hay: "Hiện nay học sinh lớp 1 học 3 bộ sách khác nhau nên có sự chênh lệch về giá. Ngoài ra, mỗi trường lại học giáo trình tiếng Anh, sách tham khảo khác nhau".

Để giải quyết tình trạng này, bà Hương cho rằng: "Có 2 cách, cách 1 là Bộ GD-ĐT phải quy định nhà trường không được mua hộ sách cho học sinh. Trường chỉ được phép đưa ra các đầu sách sử dụng cho năm học để phụ huynh tự đi mua.

Cách thứ 2 là Bộ GD-ĐT nên công khai danh sách các loại sách giáo khoa bắt buộc sử dụng trong năm học để phụ huynh đối chiếu, so sánh với trường. Không nên để tình trạng để trường tự chọn".

Trao đổi với Dân Việt, GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ: "Bộ GD-ĐT nên có quy định rõ ràng về đầu sách giáo khoa cần thiết để trường và phụ huynh làm theo. Đặc biệt, không nên để địa phương tự chọn sách vì nếu như vậy Bộ GD-ĐT đang bỏ vai trò quản lý của mình".

 
Theo Tào Nga/Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây