Cứ nhồi nhét mua sách bổ trợ, tham khảo, đến lúc nào mới đổi mới giáo dục?

Thứ sáu - 03/09/2021 21:28
Ở lớp 1, lớp 2 đang dạy chương trình đổi mới với triết lý bớt dạy lý thuyết, tăng cường thực hành nhưng hiện nhiều nhà trường vẫn nhồi nhét bán sách bổ trợ, tham khảo khiến nguy cơ mục tiêu đổi mới bị chệch hướng.

Thực trạng nhà trường bán sách tham khảo, sách bài tập, sách bổ trợ mang danh nghĩa tự nguyện tại nhiều trường học ở Hà Nội đang gây nhiều lo lắng cho phụ huynh học sinh, nhất ở các khối lớp 1, lớp 2 đầu năm học mới.

Với những danh mục sách, vở bài tập, sách tham khảo, bổ trợ lên đến cả chục cuốn, điều này không chỉ tăng thêm gánh nặng chi phí của phụ huynh đầu năm học mà khiến cho nội dung học tập vì thế càng thêm nặng nề.

111
Hiện nay việc sử dụng sách bổ trợ, tham khảo trong giảng day đang khiến cho mục tiêu giảm tải chương trình càng trở nên khó khăn
(ảnh Trinh Phúc).

Đầu năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn từng nhấn mạnh: “Đổi mới giáo dục là để chuyển mạnh từ trang bị kiến thức, truyền thụ bị động, sang tăng cường sự sáng tạo, năng động của cả thầy và trò, từ đó phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học.

Lấy mục tiêu ưu tiên số 1 của giáo dục phổ thông là dạy người, dạy thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học, đi cùng với các năng lực khác về nhận thức, về tư duy…, làm nền tảng để tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều cần phải kiên định, kiên trì, xuyên suốt”.

Tuy nhiên, với việc bán và sử dụng sách tham khảo, bổ trợ tràn lan như hiện nay thì mục tiêu đặt ra của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ khó thành hiện thực.

111
Việc đưa sách bổ trợ, tham khảo vào nhà trường là phản giáo dục (ảnh TL).

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo & Công luận về lý do mua nhiều sách vở theo hướng dẫn của nhà trường, anh Trần Văn Quân ở quận Tây Hồ, Hà Nội cho rằng: “Nói là tự nguyện nhưng cả lớp đều mua, con mình không mua không yên tâm”. Cũng như anh Quân, anh Vũ Ngọc Phương ở quận Nam Từ Liêm chia sẻ, việc mình mua nhiều sách vở hơn so với quy định, một phần vì bán trong nhà trường, được nhà trường tiếp thị nên nể nang mới mua.

Trước thực trạng trên, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Điều này đi ngược lại với quan điểm đổi mới giáo dục, gây tốn kém tiền bạc của phụ huynh. Theo tôi, đã sách tham khảo, bổ trợ, bài tập là không bắt buộc. Điều này nhà trường phải nó rõ với giáo viên và phụ huynh.

Phải thay đổi nhận thức của giáo viên và phụ huynh, cách học hiện nay không theo lối cũ, nhiều bài tập, nhồi nhét kiến thức. Cái cần là vận dụng kiến thức vào đời sống. Cái đó là quan trọng nhất”.

Theo tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, đối với cấp 1, cần tạo môi trường cho các em thích học. Còn nếu học quá nặng nề về lý thuyết sẽ không cần thiết. Cần thiết dạy lúc này là tăng cường dạy học kỹ năng sống, trau dồi cảm xúc. Hướng các em đến việc gắn kết với bố mẹ, anh chị em, hàng xóm… Còn cứ việc tập trung hoàn toàn vào sách vở, ôn bài là phản giáo dục hiện đại.

111
Sử dụng sách bài tập trong giảng dạy đối với lớp 1, lớp 2 là đi ngược mới mục tiêu đổi mới giáo dục (ảnh TL)

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, hiện Bộ GD&ĐT không duyệt sách tham khảo nhưng đã đến lúc cần có các quy định để kiểm soát, phải lựa ra được sách nào, ấn phẩm nào cần thiết cho học trò, phải theo nhu cầu của học sinh.

"Không để thả nổi cho thầy trò tự ý đua nhau, rồi dạy nhồi nhét phản giáo dục. Cần có chính sách đối xử với các nhà xuất bản, phải làm việc hết sức quy tắc. Yêu cầu các trường phải triệt để tuân thủ quy định của ngành. Tất cả phải vì trẻ em chứ không phải vì túi tiền, điều này rất nguy hiểm” – thầy Nguyễn Tùng Lâm lo lắng.

Cuối cùng vị chuyên gia này kiến nghị, cần phải khống chế tình trạng đưa sách bổ trợ, tham khảo, bài tập vào trường học một cách tùy tiện nhất là ở cấp 1, cấp 2.  “Nếu bây giờ còn chạy theo cách suy nghĩ cũ, cách học cũ thì đến bao giờ mới cải tiến, thay đổi, đổi mới trong giáo dục được” –  Phó Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam nhận định.

Qua trao đổi với chuyên gia có thể thấy, việc đưa sách bài tập, tham khảo, bổ trợ vào trong nhà trường nếu không siết chặt thì sự nghiệp đổi mới giáo dục rất khó đạt như mục tiêu đề ra.  

 


Theo Trinh Phúc/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây