Vào một dịp khác xin được nêu lại những cố gắng của các cấp cũng như của đội ngũ các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người. Năm học mới đang đến gần và năm học mới này sẽ có thêm 2 nỗi lo mới đối với nền giáo dục vốn còn nhiều nỗi lo đang tồn tại của nước ta. 2 nỗi lo mới: Đó là học thế nào khi dịch Covid đang gây ra làn sóng chết người nhiều nhất trong vòng 2 năm qua và sách giáo khoa lớp 1 mới nhiều sai sót cùng sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 mới chưa được xã hội tiếp cận rộng rãi. Vấn đề bộ SGK lớp 1 mới đã làm nóng nghị trường Quốc hội và dư luận vì có những sai sót khó chấp nhận. Và rồi bộ sách đó đã được sửa chữa một cách gấp gáp. Bộ sách lớp 2 và lớp 6 mới được thực hiện từ năm 2021 theo chương trình đổi mới giáo dục chất lượng như thế nào cũng đang là nỗi lo trong dư luận. Bởi trong quá khứ, bộ SCK cũ của các bậc học phổ thông bị cho là quá tải. Bộ sách mới chất lượng chưa biết ra làm sao? Và dư luận không thể không lo lắng khi thấy bộ SGK mới lớp 1- bộ Cánh Diều đã bộc lộ những sai sót đầy nghi ngại...
Thêm vào đó là nỗi lo triển khai dạy và học thế nào cho an toàn và hiệu quả khi dịch Covid đang diễn biến nghiêm trọng tại nhiều tỉnh thành với hàng trăm người chết mỗi ngày. Học tập trung hay học trực tuyến? Chính phủ đã trao quyền cho các tỉnh thành được quyết định thời gian và hình thức học tập nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đồng thời đạt được hiệu quả trong giảng dạy. Đây cũng đang là bài toán đang chờ lời giải của các cấp cũng như của đội ngũ nhà giáo.
Thế còn những nỗi lo cũ? Thứ nhất là bệnh thành tích “cả lớp khá giỏi, toàn trường đạt chuẩn” nhưng vẫn có học sinh ngồi nhầm lớp như học sinh lớp 6 của xã Tân Mĩ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đọc ê a như học sinh lớp 1. Danh hiệu trường chuẩn và 100% học sinh lên lớp là tình trạng của nhiều nhà trường trong các địa phương trong khi thực tế lại không như vậy. Thứ hai là bệnh “dạy thêm học thêm”, học thêm từ lớp 1 đến lớp 12. Đây thật sự là nỗi lo của các bậc cha mẹ khi thấy con mình học ngày học đêm, học cả ngày nghỉ, một số em phải học ngày 4 ca. Dẫu biết rằng học thêm tràn lan là phản khoa học và giáo dục. Căn bệnh trầm kha học thêm có từ hàng chục năm nay và cũng có chỉ đạo của Bộ Giáo dục về chống dạy thêm, nhưng “đâu lại đóng đấy”, vẫn cứ “bài ca dạy thêm”, mặc cho học sinh bơ phờ, đờ đẫn... Vì sao cứ phải học thêm? Vì sao cứ đi học thêm là làm bài được đểm cao? Nhiều em còi cọc suy dinh dưỡng vì ngồi học suốt cả ngày, không còn thời gian vận động để cho cơ thể phát triển... Nỗi lo thứ ba là “vào trường chuyên lớp chọn” dẫn tới các cuộc chạy đua của cha mẹ học sinh, hệ quả là gian dối trong thi cử. Không chỉ phụ huynh học sinh lo lắng chọn trường lớp cho con mà ngay trong đội ngũ các thầy cô giáo, cuộc đua để dạy lớp đông hơn, dạy lớp học sinh có “điều kiện hơn” cũng làm nảy sinh mâu thuẫn trong đội ngũ nhà giáo, nhất là ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Lớp ít lớp nhiều đã làm cho mối quan hệ trong một số nhà trường chạy theo lợi ích nhóm, làm cho một số thầy cô bức xúc vì sự không công bằng diễn ra hàng ngày hằng giờ trong môi trường giáo dục. Rồi một loạt nỗi lo cũ trong nhà trường như nhà vệ sinh bẩn, cận thị học đường, bạo lực học đường, chỉ học chữ mà quên học kĩ năng sinh tồn, rồi tình trạng lạm thu các khoản, dinh dưỡng học đường chưa được đảm bảo, việc đi lại và vui chơi của các em có được an toàn không? Quả là có quá nhiều nỗi lo học đường, mà dường như các cấp quản lý và các bậc cha mẹ học sinh chưa có được sự quan tâm và giải quyết các mối lo một cách thỏa đáng.
Năm học mới đang đến, vì tương lai con em chúng ta, các cấp quản lý, các nhà trường và các bậc cha mẹ cần sâu sát và từng bước tháo gỡ những nỗi lo cho các em học sinh thân yêu và cho xã hội. Người lớn chúng ta được coi là có trách nhiệm khi giải thoát được những nỗi lo của các em, bằng không thì ngược lại.
Công Đán