Từ vấn đề thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945: Nghĩ về việc vận dụng thời cơ, đẩy lùi nguy cơ trong giai đoạn hiện nay

Thứ hai - 19/08/2024 11:42
Thành công của Cách mạng Tháng Tám là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của một dân tộc anh hùng, bất khuất có lịch sử hàng ngàn năm chống phong kiến và ngót 100 năm chống ách thống trị của bọn đế quốc thực dân. Đó cũng là kết quả 15 năm đấu tranh (1930-1945) của giai cấp công nhân và toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói rằng, Cách mạng Tháng Tám giành được thắng lợi là nhờ sự hội tụ những điều kiện khách quan và chủ quan khác nhau, một trong những vấn đề đó chính là việc Đảng ta đã biết nhận định về thời cơ và chớp lấy thời cơ. Cách mạng Tháng Tám diễn ra đúng quy luật: Cách mạng không tự dưng nó đến mà phải chuẩn bị cho nó và phải biết giành lấy nó.
nguon goc y nghia ngay cach mang thang tam thanh cong 202207262209323836

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, thời trong cách mạng 3 nhân tố chủ yếu sau:

Một là, giai cấp thống trị đã suy yếu, khủng hoảng đến mức không thể tiếp tục thống trị bằng những phương thức cũ được nữa.

Hai là, các giai cấp và tầng lớp bị trị bên dưới cũng rơi vào tình trạng cơ cực, bị bần cùng không thể chịu đựng được nữa, không thể sống nổi nữa. Mâu thuẫn đã gay gắt đến cực độ và quần chúng đã sẵn sàng đi tới hành động giải phóng.

Ba là, tầng lớp, bộ phận trung gian, những người tri thức yêu nước có tư tưởng dân chủ tiến bộ, những người có tinh thần dân tộc, kể cả một bộ phận trong giai cấp hữu sản nhưng gần với quần chúng, nhận thức được xu thế lịch sử, ngã về phía cách mạng, tương quan lực lượng có lợi cho phía cách mạng. Đội tiên phong của cách mạng, tức Đảng lãnh đạo đã sẵn sàng lãnh đạo cách mạng.

Khi có thời cơ mà muốn đưa cách mạng đến thắng lợi cần phải nhận thức đúng thời cơ và kiên quyết hành động cách mạng.

Cách  mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra trong hoàn cảnh thời cơ chín muồi

Tháng 10 năm 1944, cục diện chiến tranh thế giới thứ hai đã bắt đầu đi đến hồi kết, Hồng quân Liên Xô đã đánh lùi quân Đức ra khỏi biên giới Liên Xô và đang tiến qua Trung Âu, quân Nhật thất bại thảm hại ở chiến trường Thái Bình Dương. Để chuẩn bị đón bắt cơ hội, Hồ Chí Minh đã chỉ thị thành lập đội “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân” vào ngày 22/12/1944.

Đêm 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương. Cũng ngay trong đêm 9/3/1945, Ban thường vụ Trung ương họp Hội nghị mở rộng tại Từ Sơn – Bắc Ninh. Hội nghị đoán trước sự thất bại của Pháp, thắng lợi tạm thời của quân đội Nhật và cuộc đảo chính sẽ tạo ra một tình hình khủng hoảng chính trị sâu sắc, làm cho những điều kiện khởi nghĩa của Đông Dương chưa chín muồi đang đi tới chín muồi nhanh chóng. Vì vậy, Hội nghị đã ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” vào ngày 12/3/1945. Ðảng quyết định phát động cao trào kháng Nhật cứu nước.

Ngày 14/8/1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng Minh không điều kiện. Hồ Chí Minh nhận thấy thời cơ có một không hai đã đến với dân tộc chúng ta, bởi vậy,“dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do độc lập!”. Lập tức, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và lệnh khởi nghĩa được ban ra kịp thời: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân dân Việt nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập cho nước nhà!… Chúng ta phải hành động cho nhanh với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”.
y nghia lich su cua cuoc cach mang thang 8 nam 1945 la gi 1

Nghe theo tiếng gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 20 triệu đồng bào trong cả nước nhất tề đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng. Trong vòng chưa đầy nửa tháng, các địa phương trên cả nước đã giành thắng lợi.

Như trên đã nói, thời cơ xuất hiện và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Đối với Cách mạng Tháng Tám, thời cơ tồn tại một cách khách quan trong khoảng 20 ngày, bắt đầu từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng (ngày 14/8) và kết thúc khi quân Đồng Minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp định Pôt-xđam (ngày 5/9). Nếu phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc trước ngày 14/8 và sau ngày 5/9 đều không có khả năng thành công, bởi trước ngày 14/8, quân Nhật còn mạnh, nhân dân ta sẽ tổn hại nhiều xương máu, còn sau ngày 5/9, trên đất nước có nhiều kẻ thù (từ vĩ tuyến 16 trở ra là quân Tưởng - Mỹ, từ vĩ tuyến 16 trở vào là quân Anh và sau nó là quân Pháp trở lại xâm lược), chúng ta sẽ mất đi thế chủ động và gặp nhiều khó khăn khác. Vì vậy, chỉ có thể giành chính quyền thắng lợi trong ngưỡng thời gian khắc nghiệt đó. Đó là lúc 16 nghìn quân Anh chưa vào miền Nam và khi 20 vạn quân Tưởng chưa vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật; quân Nhật bại trận mất tinh thần, hoang mang, rệu rã ngồi chờ quân Đồng minh đến tước vũ khí; còn chính quyền bù nhìn tay sai Trần Trọng Kim thì bỏ trốn hoặc đầu hàng chính quyền cách mạng.

Do chọn đúng thời cơ nên sức mạnh của toàn dân ta được nhân lên gấp bội, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước một cách nhanh gọn, ít đổ máu và thành công triệt để. Đồng thời, thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 là do lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhanh chóng và kịp thời chuyển hướng chiến lược cách mạng. Sự chủ động và nhạy bén đó bắt nguồn từ bản chất cách mạng, đường lối, quan điểm đúng đắn, trí tuệ tập thể của Đảng. Thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 là minh chứng sinh động về sự vận dụng sáng tạo quy luật vận động phát triển của khởi nghĩa và cách mạng, khôn khéo trong nghệ thuật chỉ đạo chớp thời cơ giành thắng lợi; chứng tỏ tầm nhìn thời đại của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp tục vận dụng kinh nghiệm nắm vững thời cơ, đẩy lùi nguy cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay

79 năm đã trôi qua, nhưng bài học về nhận định thời cơ và chớp thời cơ cách mạng của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám 1945 vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Ngày nay, khi nhận định về thời cơ, chúng ta nhận thấy bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đã có những thay đổi căn bản. Vấn đề hội nhập, toàn cầu hóa nổi lên như một xu thế vận động tất yếu của thế giới hiện đại, do đó yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng cũng phải được phân tích, đánh giá và nhận thức đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử.

Trong Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta đã thành công trong việc chỉ đạo xây dựng lực lượng, chủ động đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền; giờ đây với những điều kiện chủ quan và khách quan mới đang tạo ra thời cơ mới, Đảng ta khẳng định, cách mạng nước ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới thuận lợi chưa từng có, đồng thời cũng đang gặp những khó khăn, thách thức lớn.
637461273 637769065672054917

Về thời cơ, thuận lợi, chúng ta đang sống trong một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập là xu thế chính. Về đối ngoại, uy tín và vị thế của Việt Nam không ngừng được nâng cao. Từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới, bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với gần 200 nước và vùng lãnh thổ, thiết lập và triển khai hiệu quả nhiều khuôn khổ hợp tác với các nước lớn, các nước công nghiệp phát triển, củng cố và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước bạn bè truyền thống, thiết lập quan hệ với 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện; là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, cơ chế đa phương khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, Cộng đồng Pháp ngữ, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM)…; đã tham gia, ký kết và đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA).. Việt Nam đã đổi mới căn bản cả về thế và lực, đang đứng trước những cơ hội to lớn.

Cùng với những lợi thế về địa chính trị, Việt Nam tiếp tục có những ưu thế về nguồn tài nguyên, nguồn nhân lực càng được đào tạo ngày càng cao, cơ sở vật chất ngày càng được cải thiện, hiện đại hóa... Để nắm bắt và chớp thời cơ trong thời đại phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, thời đại văn minh tri thức, Đảng ta chỉ ra rằng, ngoài quyết tâm chính trị, yếu tố con người, nguồn lực con người có tri thức là yếu tố quyết định. Do đó, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ đức, tài, có khả năng nắm bắt, đón đầu, làm chủ khoa học công nghệ, chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bởi đó là sức mạnh nội lực to lớn của toàn dân tộc.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện còn thấp, năng suất lao động chưa cao, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp Việt vẫn còn chưa cao, quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ và phụ thuộc nhiều vào FDI và xuất khẩu. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng của thế giới là bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng; các vấn đề môi trường và tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán, nhiễm mặn, bão lũ, ngày càng ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống nhân dân… Vì vậy, nếu không tìm ra động lực phát triển mới Việt Nam nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và có nguy cơ tụt hậu về kinh tế.

Mặc dù hiện tại vẫn còn vô vàn khó khăn, nhưng có thể khẳng định rằng, nếu chúng ta biết học tập, vận dụng sáng tạo bài học thành công về nhìn nhận thời cơ và chớp thời cơ giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám 1945 do Đảng, Bác Hồ lãnh đạo; nếu chúng ta biết phân tích, dự báo tình hình trong nước và thế giới trên cơ sở khách quan, khoa học, để xác định được nhân tố thuận lợi nảy sinh trong khó khăn thách thức; nếu chúng ta quyết tâm, đoàn kết, tận dụng, tranh thủ được thời cơ..., chắc chắn sẽ vượt qua mọi thách thức, tiếp tục tiến lên, vững bước trên con đường đổi mới.
HMP


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây