Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia

Thứ ba - 06/08/2024 15:56
Ngày 30/7/2024, đồng chí Lương Cường, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư “về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo”.

Chỉ thị nêu, trong những năm qua, công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã có bước phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, còn một số hạn chế, yếu kém.

Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ, hội nhập quốc tế dựa trên các nền tảng hạ tầng kỹ thuật hiện đại, công nghệ số và mô hình quản trị thông minh. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Chuyển hình thức kiểm soát đối tượng, công đoạn cụ thể sang quản lý chuỗi sản phẩm, từ khâu nghiên cứu tiền sản xuất, tổ chức sản xuất đến tổ chức phân phối, lưu thông, tiêu dùng và xuất khẩu sản phẩm, hàng hoá mang thương hiệu Việt Nam. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, tạo nền tảng kỹ thuật bảo đảm đáp ứng các mục tiêu phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, dẫn dắt quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; nâng cao mức độ hài hoà tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước trong từng giai đoạn. Hoàn thiện hệ thống chuẩn đo lường quốc gia, chuẩn đo lường chính của các bộ, ngành, địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp về chuyển đổi số, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc để tăng cường công tác quản lý nhà nước về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, tạo môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển thương mại, thị trường xuất, nhập khẩu.

Xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng bảo đảm số lượng và chất lượng. Đưa đào tạo nhân lực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng vào một số cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp nghề. Đầu tư, nâng cấp cơ sở đào tạo nghiệp vụ tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn, chú trọng hình thành và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, các nhóm chuyên gia có uy tín đạt trình độ quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, xuất khẩu nhân lực lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ tương xứng với vị trí, vai trò. Quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch phát triển các trung tâm kiểm định tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong toàn quốc. Xây dựng ít nhất một trung tâm kiểm định tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ở mỗi vùng kinh tế trọng điểm theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở từng vùng.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng bảo đảm an toàn của sản phẩm, hàng hoá trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường. Phối hợp xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Kịp thời khen thưởng và có biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Đồng thời, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về công tác TC-ĐL-CL, tuân thủ các điều ước, các thỏa thuận quốc tế có liên quan mà Việt Nam tham gia. Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo; cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn, công nghệ mới, nhất là với các quốc gia có năng lực kiểm định TC-ĐL-CL tiên tiến.

 
PV

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây