Làm rõ vụ nhà báo bị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điện Biên

Thứ ba - 31/03/2020 10:51

Liệu đây có phải là một vụ án cho vay nặng lãi bị biến hóa thành lừa đảo chiếm đoạt tài sản?


Việc Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên quyết định hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm Hình sự số 94 của Tòa án nhân dân huyện Tuần Giáo, trả hồ sơ để tiến hành điều tra lại vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cho thấy Bản án của Tòa án nhân dân huyện Tuần Giáo đã không đảm bảo đầy đủ căn cứ để kết tội nhà báo Nguyễn Hải Phong. Trong khi đó, tại phiên Tòa phúc thẩm, giữa lúc Tòa nghị án, nhà báo Nguyễn Hải Phong đã viết đơn kêu oan gửi tới các cơ quan báo chí, cho rằng, ông bị trả thù do viết bài chống tiêu cực?

111
Liệu đây có phải là một vụ án cho vay nặng lãi bị biến hóa thành lừa đảo chiếm đoạt tài sản?

Có hay không chuyện “hình sự hóa quan hệ dân sự”?

Diễn biến hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Hải Phong trong các văn bản như: Bản kết luận điều tra số 89 ngày 10/9/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Tuần Giáo; Cáo trạng số 89 ngày 16/9/2019 của VKSND huyện Tuần Giáo; Bản án số 94 ngày 31/10/2019 của TAND huyện Tuần Giáo đều thể hiện cùng một nội dung giống nhau. Theo đó, Nguyễn Hải Phong bị xét xử 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo các văn bản trên, hành vi lừa đảo của bị cáo được thể hiện tóm tắt như sau: Đầu năm 2017, Nguyễn Mạnh Cường, sinh năm 1993, trú tại xóm 4, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng là con chị gái ruột của bị hại Dương Đức Hiển nhờ bị hại xin việc làm tại huyện Tuần Giáo. Do có quen biết với Nguyễn Hải Phong là Trưởng Đài truyền thanh – truyền hình huyện Tuần Giáo nên Hiển có nhờ Phong xin việc cho Cường vào công tác tại đài với chi phí 300 triệu đồng.

Ngày 11/8/2017, Phong đến nhà Hiển thỏa thuận, nhận 248 triệu đồng, số tiền còn lại 52 triệu đồng Hiển hẹn khi nào Phong xin được việc cho cháu sẽ đưa nốt. Việc giao nhận tiền được hai bên tiến hành làm giấy biên nhận với sự chứng kiến của Quàng Thị Như Quỳnh và Lò Thị Thẹo (người nhà của Hiển). Sau khi nhận tiền, để làm tin cho gia đình, dù Hiển không yêu cầu, song Phong vẫn đem Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Đài truyền thanh – truyền hình huyện Tuần Giáo, một thẻ Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đưa cho Hiển giữ. Đến ngày hẹn 30/3/2018 theo thỏa thuận trong giấy biên nhận, thấy Phong không xin được việc cho cháu như đã hứa mà đem toàn bộ số tiền trên sử dụng vào mục đích cá nhân nên Hiển đã làm đơn tố cáo tới Công an huyện Tuần Giáo.

Trao đổi với phóng viên VOV về các diễn biến của vụ án này, ông Trần Ngọc Tuyên, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hải Phong tại phiên tòa phúc thẩm, cho rằng: Nội dung Kết luận điều tra, Cáo trạng truy tố của các cơ quan tố tụng huyện Tuần Giáo chưa đủ căn cứ để kết tội bị cáo. Qua các tài liệu mà đội ngũ luật sư thu thập được, đối chiếu với những tình tiết trong hồ sơ vụ án mà các cơ quan chức năng đưa ra, thì có nhiều chi tiết, dấu hiệu bất thường để nhận định rằng: Đây chỉ là một vụ án dân sự cho vay nặng lãi nhưng bị biến hóa thành vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 
Theo ông Tuyên: Về mặt khách quan (một trong bốn yếu tố cấu thành tội phạm), thì đặc trưng của “Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là phải có hành vi đưa ra những thông tin gian dối, để lừa người bị hại đưa tài sản. Nhưng trong vụ án này bị cáo không đưa ra những thông tin gian dối để chiếm đoạt tài sản của bị hại. Chứng cứ kết tội bị cáo duy nhất chỉ là tờ giấy biên nhận ngày 11/8/2017, cho rằng, bị cáo đã nhận 248 triệu đồng và hứa xin việc cho cháu của bị hại. Điều đáng nghi ngờ, là trong giấy biên nhận này, trừ nội dung thông tin về địa chỉ cư trú, số chứng minh thư của bị cáo là viết tay, còn toàn bộ thông tin của bị hại và nội dung hứa xin việc, số tiền 248 triệu đồng đều đã được đánh máy sẵn.

Việc bị cáo Nguyễn Hải Phong ký giấy biên nhận và nhận 248 triệu đồng về mặt thời gian như trong lời khai của bị hại Dương Đức Hiển và người làm chứng có trong bản án sơ thẩm cũng đã bộc lộ nhiều chi tiết không thật, khó có thể thực hiện trong thực tế. Bởi từ lúc hơn 17 giờ (11/8/2017) nếu bị cáo Phong đến nhà bị hại Hiển bắt đầu câu chuyện cho đến khi ra về thì thời gian không thể dưới 60 phút để trao đổi từ chuyện xin việc đến thống nhất nội dung giấy biên nhận (nếu có). Vì thời gian soạn thảo in ấn giấy biên nhận, thời gian bị cáo đọc biên bản, điền vào chỗ trống, ký biên bản, rồi đến việc giao tiền, đếm tiền với nhiều mệnh giá khác nhau không thể dưới 60 phút để kết thúc, chí ít cũng phải hơn 18 giờ cùng ngày mới có thể thực hiện xong.

Trong khi cũng vào thời gian đó (từ 17 giờ - 17 giờ 30 ngày 11/8/2017) là thứ 6 hàng tuần, bị cáo với tư cách là Trưởng đài phải chuẩn bị chương trình truyền hình để phát vào buổi tối hôm đó và chuyển tư liệu lên đài truyền hình tỉnh để chuẩn bị phát vào thứ 7. Với khối lượng công việc như vậy bị cáo không thể có mặt tại nhà bị hại vào lúc 17 giờ để thực hiện một chuỗi công việc nhiều như trong lời khai với tổng thời gian ước tính phải lên đến cả tiếng đồng hồ, đây là điều phi lý. Bằng chứng về các email nghiệp vụ được thực hiện gửi nội bộ cũng như chuyển lên đài truyền hình tỉnh có thể chứng minh được trong khoảng thời gian này bị cáo đang làm việc ở cơ quan, không thể có mặt ở nhà ông Hiển như lời khai.

Cũng theo ông Tuyên, về bản chất số tiền 248 triệu đồng là bắt nguồn từ quan hệ vay tiền lãi có bảo đảm bảo số tiền 200 triệu đồng và 48 triệu tiền lãi (với lãi suất 2.000 đồng/1 triệu/1 ngày). Do đó, việc bị cáo nhận số tiền 248 triệu đồng để xin việc cho cháu của bị hại nhưng lại phải cắm sổ đỏ cơ quan, Thẻ hội viên Hội Nhà báo cho người đang cầu cạnh mình, như trong hồ sơ của các cơ quan tố tụng huyện Tuần Giáo, là điều vô cùng ngược đời.

Bộc lộ nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu, thuộc Văn phòng luật sư Bảo Châu và Cộng sự (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Việc Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên hủy bản án sơ thẩm số 94, trả hồ sơ cho Viện kiểm sát Nhân dân huyện Tuần Giáo là điều không nằm ngoài dự đoán. Bởi trong vụ án này đã bộ lộ vô số vi phạm tố tụng hình sự nghiêm trọng ở cấp sơ thẩm mà cho đến cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.

Các vi phạm này thể hiện ở: khoản 11 Điều 55, Điều 65 Bộ Luật tố tụng hình sự khi không đưa Nguyễn Trường Thọ (con trai bị cáo) vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; vi phạm Điều 15 Bộ Luật tố tụng hình sự về xác minh sự thật của vụ án, Điều 66 quy định về người làm chứng, Điều 88 sử dụng chứng cứ không hợp pháp để buộc tội bị cáo, khoản 1 Điều 293, Điều 297 khi vắng mặt người làm chứng nhưng tòa án không hoãn phiên tòa mà vẫn tiến hành xét xử; vi phạm khoản 1 Điều 293 quy định về công bố lời khai của người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa và Điều 13 về nguyên tắc suy đoán vô tội.

Trong đó, việc Nguyễn Mạnh Cường – người làm chứng bắt buộc (cháu của bị hại Dương Đức Hiển nhờ xin việc trong vụ án) luôn vắng mặt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Trong quá trình xét xử vụ án, bất chấp đề nghị của bị cáo và người bào chữa đề nghị hoãn phiên tòa, dẫn giải người làm chứng Nguyễn Mạnh Cường ra tòa làm rõ sự thật nhưng phiên tòa vẫn tiến hành xét xử dù vắng mặt người làm chứng bắt buộc mà không có sự thẩm định lời khai của nhân vật này tại phiên tòa. Điều này dẫn đến hậu quả lời khai của nhân chứng quan trọng trong vụ án chưa được thẩm định nhưng tòa án cấp sơ thẩm vẫn có phán quyết kết tội bị cáo là không đủ cơ sở pháp lý, thiếu thuyết phục.

Ngoài ra tại nhiều bút lục trong vụ án cũng đã bộc lộ nhiều điểm sai sự thật. Tại bút lục 95 (biên bản ghi lời khai của Nguyễn Xuân Bình – bố của người làm chứng bắt buộc Nguyễn Mạnh Cường) thể hiện ngày 25/4/2019 do một người xưng là cán bộ điều tra của Công an huyện Tuần Giáo tên Chu Văn Hoàng, nhưng trong Quyết định số 09 ngày 23/1/2019 phân công điều tra viên, cán bộ điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Tuần Giáo lại không hề có tên cán bộ này.

Tại Quyết định phân công điều tra viên, cán bộ điều tra tiến hành điều tra vụ án hình sự số 72 ngày 14/5/2019 của Cơ quan Cánh sát điều tra Công an huyện Tuần Giáo cũng không hề thể hiện ông Hoàng được phân công, nhưng lại tự ý tham gia tố tụng, thực hiện hoạt động tố tụng tại các bút lục số 45, 93, 94, 95, 96. Do đó các bút lục này bị coi là không hợp pháp nhưng vẫn được sử dụng làm chứng cứ buộc tội bị cáo là vi phạm Điều 86 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định về chứng cứ. Đáng lưu ý là tại các bút lục số 93, 94 (biên bản ghi lời khai của Nguyễn Mạnh Cường) còn cho thấy 3 nét chữ viết khác nhau.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Minh Châu, một vi phạm nữa hết sức nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án và kết quả giải quyết vụ án là việc không đưa Nguyễn Trọng Thọ (con trai bị cáo) vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong hồ sơ vụ án có thể hiện việc Thọ chính là người đã trả tiền cho bị hại Dương Đức Hiển số tiền 248 triệu đồng. Như vậy, Thọ đã can thiệp trực tiếp vào vụ án, cần phải đưa vào tham gia tố tụng để giải quyết hậu quả pháp lý của số tiền đã đưa cho ông Hiển. Bản án sơ thẩm không đưa Nguyễn Trọng Thọ tham gia tố tụng là một vi phạm nghiêm trọng khi số tiền đã được định đoạt trong bản án mà án văn không đếm xỉa gì đến chủ nhân của số tiền này. Dẫn đến hậu quả phán quyết của bản án sơ thẩm về phần xử lý tài sản là không đủ căn cứ pháp luật và cho đến nay vi phạm này chưa được khắc phục.

Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên lên tiếng

Sau khi Tòa án Nhân dân huyện Tuần Giáo tuyên bị cáo Nguyễn Hải Phong 7 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo đã làm đơn kêu oan cho rằng do mình viết bài chống tiêu cực nên bị trả thù. Theo bị cáo, vào đầu năm 2013, bị cáo và phóng viên nhiều cơ quan báo chí khác có tham gia viết bài phản ánh tiêu cực tại vụ “mại dâm nhà nghỉ Thúy Nga” liên quan trực tiếp đến Công an và Viện kiểm sát huyện Tuần Giáo, khiến con đường quan lộ được quy hoạch lên làm cán bộ chủ chốt của một số cán bộ bị chậm lại, trong đó có cả cán bộ làm thẩm định viên của vụ án này.

Về nội dung này, ông Trần Ngọc Tuyên, luật sư bào chữa cho Nguyễn Hải Phong khẳng định, chính ông cũng là người tham gia bào chữa, trực tiếp tìm hiểu Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 39 ngày 9/6/2013 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuần Giáo liên quan đến vụ chứa mại dâm tại  nhà nghỉ Thúy Nga. Ông Tuyên cho rằng: đây cũng là điều cần phải lưu ý để xem xét lại toàn bộ diễn biến vụ án mà cơ quan điều tra đưa ra, xem có mâu thuẫn, trả thù, làm sai bản chất vụ án ngay từ cơ quan điều tra hay không.

Bởi vào năm 2013, sau khi bị cáo Nguyễn Hải Phong và nhiều phóng viên các cơ quan báo chí khác có tham gia viết bài phản ánh tiêu cực, tham nhũng liên quan đến vụ án chứa mại dâm tại nhà nghỉ Thúy Nga, nhiều cán bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng huyện Tuần Giáo bị ảnh hưởng không thể thăng tiến. Đến năm 2019, họ lại vẫn góp mặt trong vụ án hình sự được cho là lừa đảo chiếm đoạt tài sản này, mà bị cáo lại chính là nhà báo từng viết bài vụ án trước đây. Đây cũng là chi tiết rất quan trọng để có thể thấy đơn kêu cứu của bị cáo là có cơ sở, nhất là khi Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên chấp nhận nội dung kháng cáo, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả lại hồ sơ cho các cơ quan tố tụng huyện Tuần Giáo để điều tra lại theo quy định của pháp luật.

Tại phiên Tòa phúc thẩm, tranh thủ lúc HĐXX nghị án, bị cáo Nguyễn Hải Phong đã viết Đơn kêu cứu gửi tới các báo Trung ương và địa phương, một lần nữa khẳng định ông bị oan, bị trả thù do đã viết bài điều tra chống tiêu cực tại huyện Tuần Giáo.

Trả lời VOV, ông Nguyễn Vân Chương, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên cho biết: Ngay từ khi tiếp nhận được thông tin, Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên đã có công văn gửi cơ quan điều tra phân công Hội viên của mình là Trần Ngọc Tuyên, cũng là luật sư, tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà báo Nguyễn Hải Phong; đồng thời Ban Thường vụ Hội luôn bám sát, trao đổi thường xuyên với luật sư để nắm tình hình.

Ông Chương nói: “Khi Bản án sơ thẩm của TAND huyện Tuần Giáo tuyên nhà báo Nguyễn Hải Phong 7 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong chúng tôi đã dấy lên sự nghi ngờ về việc hình sự hóa một quan hệ dân sự, vì đây chỉ là quan hệ vay nợ. Có 3 vấn đề để chúng tôi xác định đây chỉ là quan hệ dân sự. Thứ nhất là việc vay nợ 300 triệu theo như Đơn kháng cáo lên phúc thẩm của anh Phong là có cơ sở, không có chuyện xin việc làm hợp đồng ở một Đài huyện miền núi tỉnh nghèo như Điện Biên mà lại phải chi tới 300 triệu đồng, rất vô lý. Thứ hai là nhờ giúp xin việc mà bắt thế chấp sổ đỏ và Thẻ hội viên Hội nhà báo; giấy biên nhận tiền để giúp xin việc lại đánh máy sẵn đầy đủ thông tin phía người cho vay, riêng thông tin phía anh Phong lại là chữ viết tay điền vào, là rất đáng nghi ngờ. Thứ ba là thời điểm và địa điểm hai bên gặp nhau để thỏa thuận xin việc và làm giấy nhận tiền là không đúng, vì thời điểm đó anh Phong đang phải ở Đài để lo duyệt và chuyển chương trình phát thanh, truyền hình...”

Về diễn biến TAND tỉnh Điện Biên xét xử phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên bày tỏ quan điểm: Điều này cho thấy nghi ngờ vụ việc chỉ là quan hệ dân sự nhưng đã bị  “hình sự hóa” là có cơ sở, rất cần làm minh bạch. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, danh dự của một nhà báo có vợ và con đều làm nhà báo, Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục bám sát diễn biến tiếp theo của vụ án này, đồng thời sẽ có công văn đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử khách quan, công bằng, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật./. 

Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây