Nhân kỉ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890- 19/5/2021: Ôn lại những lời dạy của Bác Hồ về báo chí

Thứ tư - 19/05/2021 21:26
Sinh thời, Bác Hồ từng là nhà báo vĩ đại khi sáng lập tờ Người cùng khổ năm 1921 tại Pháp  và tờ Thanh Niên năm 1925 tại Trung Quốc. Từ khi trở thành nhà lãnh đạo đất nước - năm 1945 đến cuối đời - năm 1969, Bác Hồ luôn coi báo chí là vũ khí cách mạng và Người thường xuyên góp ý, căn dặn đội ngũ báo chí phát huy ưu điểm, hạn chế thiếu sót khuyết điểm nhằm phục vụ cách mạng cũng như công cuộc kiến thiết đất nước sau này.
111
Bác Hồ với các phóng viên báo đài. Ảnh tư liệu

Ngày 25/5/1947, trong thư Gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ, Người căn dặn: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”.( Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 131). Lời dặn của Bác hơn 70 năm qua vẫn còn nguyên giá trị thời sự nhắc nhở báo chí vừa ủng hộ cái đúng, cái chân chính, đồng thời báo chí phải thẳng thắn phê bình những sai trái trong xã hội. Báo chí cần coi lời dạy “phò chính trừ tà” của Bác là động lực chống lại bệnh giả dối cùng những tiêu cực khác trong xã hội. Có như vậy mới giữ được tính chiến đấu, tính phê bình của báo chí cách mạng.

Trong một tác phẩm khác, Bác dạy: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo” (Thư gửi lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng - Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, trang 625. Bài đăng trên báo Cứu quốc ngày 9/6/1949). Qua đây, có thể thấy Bác đã chỉ rõ cho đội ngũ các nhà báo cách mạng rằng: Viết báo là để cho nhân dân thích đọc, thích xem, khi dân chúng thích thì tờ báo thành công, bằng không thì “không xứng đáng là một tờ báo”. Mà một khi “không xúng đáng” thì cũng có thể coi là không hoàn thành nhiệm vụ. Cứ lấy ý trên của Bác liên hệ với báo chí của ta thì rất nhiều bản báo chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin của nhân dân, do đó nhân dân ít xem ít đọc. Vậy nên, những người làm báo có lòng tự trọng cần phải cố gắng rất nhiều để đổi mới nội dung tin bài, mỗi phóng viên khi viết từng tin bài, hãy đặt câu hỏi liệu thày mẹ ta, anh chị em ta có xem tin bài này hay không? Nếu có xem là thành công, còn thày mẹ ta không xem, anh chị em ta không xem thì coi như tin bài của ta thất bại. Câu hỏi này cũng dành cho các Ban Biên tập và người đứng đầu các cơ quan báo chí.

Là một nhà báo nên Bác Hồ tự nhận là người “có duyên nợ’ với báo chí. Tại  Đại hội lần thứ II và lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam vào các năm 1959 và năm 1962, Bác đều đến nói chuyện với Đại hội, ân cần dặn dò các nhà báo về đề tài, về cách viết. Tại cả hai kì đại hội, Bác cũng có khen báo chí và Bác cũng nhắc nhở đội ngũ báo chí nước nhà viết sao cho hay, cho ngắn gọn, cho dễ đọc. “ Sẵn đây, nếu các cô, các chú đồng ý, thì Bác xung phong phê bình các báo.
  • Bài báo thường dài quá, dây cà ra dây muống, không phù hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng.
  • Thường nói một chiều và thổi phồng các thành tich mà ít hoặc không nói đến khó khăn và khuyết điểm của ta.
  • Đưa tin hấp tấp, nhiều khi thiếu thận trọng.
  • Thiếu cân đối, tin nên dài thì tin viết ngắn, nên ngắn lại viết dài, nên để sau thì để trước, nên trước lại để sau.(Bài nói chuyện tại đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam - Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, trang 614)
     Và Bác dặn: “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và sắc bén giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, phụ trách, nói có sách mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng “Trị bệnh cứu người”. Chớ phê bình lung tung không chịu trách nhiệm.

Những người (bất kể ở địa vị nào) và những cơ quan được phê bình phải có thái độ thật thà khiêm tốn. Phê bình đúng, thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa. Nếu phê bình sai thì đăng báo giải thích. Quyết không được “phớt” lời phê bình và “trù” người phê bình”. (Sách đã dẫn, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, trang 614).

Nhân ngày sinh của Bác chúng ta ôn lại những lời dạy của Người để phấn đấu, khắc phục những non yếu trong nghiệp vụ làm báo, đồng thời có thêm sự tự tin trong việc nâng cao tính chiến đấu của bản báo, tăng cường phê bình những tiêu cực sai trái để “phò chính trừ tà”, đúng như Bác Hồ từng căn dặn và mong muốn.
                   


Công Đán
     

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây