Câu hỏi trên được đặt ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới và chúng ta đang phải sống cách ly bắt buộc với cộng đồng - điều mà trước đây phần lớn chúng ta chưa từng trải qua.
Nhân cột mốc 46 năm phụng sự bạn đọc, Tuổi Trẻ cũng đặt ra câu hỏi ấy trước những thách thức chưa từng gặp trên chặng đường phát triển của mình.
Thách thức đáng kể nhất là việc kết nối và chăm sóc bạn đọc, trong số đó có rất nhiều bạn đọc “ruột" đã gắn bó với Tuổi Trẻ hàng chục năm qua. Vì bị phong tỏa hay cách ly, họ mất đi món điểm tâm mỗi ngày (Tuổi Trẻ nhật báo), món dinh dưỡng mỗi tuần (Tuổi Trẻ Cuối Tuần) cũng như món trào phúng đầu tháng và giữa tháng (Tuổi Trẻ Cười).
Ba món quen thuộc ấy không chỉ có thông tin (tin tức, câu chuyện, nhân vật, vấn đề thời sự chính xác) mà còn hàm chứa thông điệp (tổng hợp, phân tích, đúc kết, bình luận rõ ràng) và hướng tới giải pháp hữu hiệu cho những vấn đề cộng đồng đang quan tâm, đang tranh cãi, đang cần thực thi để giải quyết thực trạng.
Nếu các loại hình sản phẩm của Tuổi Trẻ làm tốt được điều đó thì khó khăn trong kết nối với bạn đọc vì dịch bệnh chỉ là chuyện nhất thời. Nghĩa là nếu có thông tin chính xác, thông điệp rõ ràng và giải pháp hữu hiệu, thật sự có ích với cộng đồng thì Tuổi Trẻ hoàn toàn có thể vượt qua được khó khăn trước mắt để phụng sự bạn đọc lâu dài.
Được bạn đọc tin yêu, Tuổi Trẻ càng phải đòi hỏi mình hơn nữa để trở thành một món bổ dưỡng không thể thiếu trong đời sống cộng đồng dù bằng phương thức kết nối truyền thống (qua báo giấy, họp mặt, sự kiện thường niên…) hay kết nối hiện đại (qua báo điện tử, giao lưu trực tuyến, mạng xã hội…).
Đó là sứ mệnh Tuổi Trẻ đã đảm nhận và đương nhiên phải làm hết mình!
46 năm kết nối các nguồn lực xã hội
* “Vì ngày mai phát triển”: từ 1988 - 510 chương trình - hàng chục ngàn học bổng
* Cầu Nông Sơn: 2004, từ vụ chìm đò thương tâm ở bến Cà Tang
* Học bổng “Tiếp sức đến trường”: từ 2003 - 18 mùa - hơn 20.000 học bổng
* Bệnh xá Đặng Thùy Trâm - Đức Phổ, Quảng Ngãi: từ loạt bài “Mãi mãi tuổi 20”
* Chương trình Tháng 3 biên giới: trường học, công trình có ích tại Pò Hèn, xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, Quảng Ninh; trường học, cầu treo Sam Lang tại bản Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, Điện Biên…
* 2011: Chương trình “Góp đá xây Trường Sa”
* 2013: Chương trình “Chung tay bảo vệ chủ quyền Biển Đông”
* 2020 - 2021: “Cùng Tuổi Trẻ góp vắc xin ngừa COVID-19”, “Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19”
Theo Lê Xuân Trung/Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên