Thưa ông, trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp trong những năm qua, các cơ quan quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai của tỉnh Hưng Yên đã triển khai các giải pháp gì để bảo vệ các tuyến đê quan trọng trên địa bàn?
Trước mùa mưa, bão lũ năm 2020, UBND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo xây dựng các phương án trọng điểm, phương án tổng thể ứng phó và xử lý kịp thời các sự cố phát sinh, đe dọa an toàn hệ thống đê điều. Bên cạnh đó tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm trên hệ thống đê, nhất là hệ thống sông Hồng và sông Luộc.
Thời gian vừa qua, trên hệ thống sông Hồng và sông Luộc cơ bản không có vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều, chủ yếu là vi phạm một số dự án bến bãi, tập kết vật liệu xây dựng sử dụng đất ngoài bãi sông.
Vậy qua công tác thanh tra có phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai hay không, thưa ông?
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có hai vi phạm nổi cộm. Trước hết là vi phạm sử dụng bến cập tàu và đường ống dẫn xăng dầu của Công ty cổ phần Xăng dầu Hưng Yên.
Toàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 40 bãi tập kết vật liệu xây dựng, trong đó gần 20 bãi có giấy phép, các bãi khác chưa được cấp phép. Trước mùa mưa bão năm 2020 tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT thành lập các đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về đê điều và thiên tai.
Qua kiểm tra cho thấy, trong khi dự án chưa hoàn thiện thủ tục cấp phép, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng, đơn vị thi công đã phá dỡ kè Đồng Thiện, xây dựng hệ thống mố cầu tại vị trí kè và bờ sông, vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ đê điều.
Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên đã báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh liên tục có các công văn về việc xử lý vi phạm Luật Đê điều tại vị trí kè Đồng Thiện. Theo đó, yêu cầu Công ty cổ phần Xăng dầu Hưng Yên và Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư thương mại và Xây dựng Hải Phòng dừng ngay việc xây dựng, tổ chức phá dỡ toàn bộ phần khối lượng công trình đã xây dựng chưa được cấp phép, hoàn trả kè Đồng Thiện theo nguyên trạng xong trước ngày 12/3/2020.
UBND tỉnh Hưng Yên cũng giao UBND huyện Tiên Lữ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đê điều đối với Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư thương mại và Xây dựng Hải Phòng (đơn vị tư vấn và thi công công trình) do đã có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 24 Nghị định số 104/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ với mức phạt 100 triệu đồng.
Sai phạm nổi cộm thứ hai liên quan đến dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất dịch vụ liền kề xã Phụng Công (huyện Văn Giang). Hiện nay, UBND tỉnh và Sở NN&PTNT đang xử lý vi phạm tại dự án này, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư dự án và các đơn vị liên quan hoàn thành các thủ tục để trình Bộ NN-PTNT xem xét và cho ý kiến.
Vậy với những bãi tập kết vật liệu xây dựng vùng bãi ngoài sông Hồng, sau khi được cơ quan chức năng thanh tra và xử lý, các bến bãi này có dừng hoạt động và khắc phục sai phạm không?
Hiện nay, một số bến bãi đã tạm dừng hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng; một số bến bãi đang chở vật liệu còn tồn đi nơi khác. Nguyên nhân xảy ra vi phạm là do tư tưởng chủ quan, lơ là công tác bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai.
Thứ hai, các sai phạm tập trung chủ yếu là bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất ở cơ sở chưa tốt và có phần nào đó còn buông lỏng. Thứ ba, việc phát hiện, xử lý và ngăn chặn giải quyết vi phạm giữa chính quyền địa phương các cấp và cơ quan quản lý đê điều chưa tốt, có nơi còn né tránh.
Đặc biệt, trong việc quản lý bến bãi chưa thống nhất và chồng chéo giữa Luật Bến thủy nội địa và Luật Đê điều.
Ông có thể nêu một số giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ đê điều và phòng, chống thiên tai trong thời gian tới?
Về giải pháp để xử lý vi phạm, hàng năm tỉnh đều thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định bến bãi, giải tỏa ách tắc dòng chảy, đảm bảo hành lang thoát lũ theo quy định.
Năm nay tỉnh cũng giao thanh tra Sở NN&PTNT phối hợp với thanh tra Bộ NN-PTNT để kiểm tra, xử lý các vi phạm. Về giải pháp trong thời gian tới, theo cá nhân tôi cần một số giải pháp.
Một là tăng cường công tác quản lý pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai đến tận chính quyền địa phương và người dân ở cơ sở để phát huy vai trò quản lý đê điều. Bởi sự nghiệp hộ đê là sự nghiệp của toàn dân, đã được quy định trong luật.
Thứ hai, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai ở cơ sở, nhất là cấp xã vì thời gian vừa qua có sự lơ là ở các cấp địa phương. Thứ ba, hàng năm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cấp về tuân thủ pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai.
Theo ông, có hiện tượng một số lãnh đạo địa phương bao che cho hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai hay không?
Nếu nói về việc lãnh đạo các địa phương bao che cho sai phạm thì chưa phát hiện, nhưng trong công tác này có sự buông lỏng trong quản lý, nhất là quản lý đất đai, vì vi phạm đê điều thường gắn với sử dụng đất đai là chính.
Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đê điều, theo quan điểm của cá nhân tôi vẫn còn thấp, tính răn đe chưa cao nên cần tăng mức xử lý, thậm chí xử lý hình sự để nâng cao sức răn đe nhiều hơn.
Xin cảm ơn ông!
Minh Phúc - Phạm Hạnh (Thực hiện)
Báo Nông nghiệp
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên