Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản - cho biết: Tháng 6/2019, nhóm nghiên cứu của ông đã chỉ rõ trên địa bàn huyện Phong Điền (gồm cả khu vực thủy điện Rào Trăng 3) của tỉnh Thừa Thiên Huế có 1 hệ thống đứt gãy chính theo phương Tây Bắc - Đông Nam và các đứt gãy phụ.
"Chúng tôi đã tiến hành điều tra với tỷ lệ 1:50.000 và đã có cảnh báo về hiện trạng trượt lở tại khu vực nói trên. Đến tháng 6/2020, chúng tôi đã bàn giao đề án này cho Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Thừa Thiên Huế", Tiến sĩ Hòa cho biết.
Tiến sĩ Trịnh Xuân Hòa cho biết, các hệ thống đứt gãy phát triển rất mạnh mẽ, với nhiều phương giao cắt nhau làm cho tại các khu vực trên xuất hiện các đới dập vỡ quy mô rộng, các đá bị dập vỡ nứt nẻ mạnh; vỏ phong hóa phát triển dày, nhất là các nhóm đá phun trào axit - trung tính và tuf của chúng và nhóm đá biến chất giàu alumosilicat, vật liệu phong hóa bở rời hoặc hỗn độn mềm - cứng, khả năng liên kết kém; đa số địa hình sườn núi có độ dốc trung bình đến cao (20º), là nơi quá trình trọng lực sườn xảy ra mạnh và rất mạnh.
Ngoài ra, nhóm nguyên nhân tác động kích hoạt rõ ràng nhất là do mưa và cắt xẻ taluy để làm đường giao thông và lấy mặt bằng xây dựng nhà ở, làm mất cân bằng sườn dốc, dẫn đến nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá. Theo kết quả điều tra, tất cả các điểm trượt đều xảy ra khi có mưa hoặc trước đó có mưa lớn kéo dài; thống kê có 40/42 điểm trượt xảy ra tại taluy - sườn nhân tạo.
Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản cho biết, các kết quả khảo sát cho thấy, trong số 42 điểm trượt lở đất đá trong toàn huyện Phong Điền, có 28 điểm trượt có quy mô nhỏ, 11 điểm trượt quy mô trung bình, 2 điểm trượt quy mô lớn, 1 điểm quy mô rất lớn. Hiện các điểm trượt vẫn còn nguy cơ tiếp tục xảy ra ảnh hưởng trực tiếp tới đường giao thông.
Theo Tiến sĩ Hòa, khu vực trên có 40 điểm trượt xảy ra trên vách, sườn taluy nhân tạo, 2 điểm trượt xảy ra trên sườn dốc tự nhiên; 12 điểm trượt xảy ra trong khu vực rừng tự nhiên, 30 điểm trượt xảy ra trong khu vực rừng trồng.
Riêng tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3, đề án nghiên cứu cũng chỉ rõ yếu tố nguy hiểm về địa hình như: Hai bên bờ sông dốc và hẹp; mặt cắt thung lũng dạng chữ V, kéo dài theo phương á vĩ tuyến;...
"Khu vực trọng điểm nhà máy thủy điện A Lin 1 - Rào Trăng 3 đã được đề án cảnh báo là khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá cao và đề xuất điều tra hiện trạng trượt lở chi tiết ở tỷ lệ 1:25.000”, ông Hòa nói và cho biết bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá sẽ được đề án tiến hành trong năm 2021.
Như đã đưa tin, trưa 12/10, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được thông tin xảy ra sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 khiến nhiều người mất liên lạc.
Ngay trong ngày 12/10, một đoàn cứu hộ (21 người) trên đường vào hiện trường và cũng đã gặp nạn sạt lở khi đang dừng nghỉ ở ngôi nhà của kiểm lâm thuộc Tiểu khu 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Thời điểm đoàn gặp nạn có 8 người thoát ra ngoài kịp, 13 người mất liên lạc.
Đến tối 15/10, sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy toàn bộ 13 thi thể của những người trong đoàn cứu hộ mất liên lạc nói trên.
Hiện lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang tích cực mở đường do sạt lở đất đá để vào thủy điện Rào Trăng 3 tìm kiếm người mất tích.
Theo Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên