Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Xã phường cấp độ 1, 2 nên mạnh dạn cho học sinh đến trường

Thứ tư - 10/11/2021 17:07

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu quan điểm không nên đợi chờ trẻ em tiêm phủ vắc xin, do rủi ro ở lứa tuổi này không cao, khuyến cáo xã phường ở cấp độ 1 và 2 mạnh dạn cho các em đi học bình thường.

111
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Ảnh: Quochoi.vn

Là bộ trưởng lần đầu trả lời chất vấn trực tiếp tại nghị trường sáng nay 10-11, ông Nguyễn Thanh Long có thời gian trả lời trong buổi sáng và 15 phút chiều cùng ngày, để giải trình và làm rõ các nội dung mà đại biểu quan tâm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vắc xin.

Các vấn đề nóng khác cũng được đại biểu quan tâm chất vấn với bộ trưởng y tế là việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm COVID-19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm; giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn; định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế...

Cùng tham gia giải trình có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các bộ trưởng Bộ Công an, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Thông tin và truyền thông, Khoa học và công nghệ...

Kết luận phiên chất vấn lĩnh vực y tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đã có 32 đại biểu đặt câu hỏi, 6 đại biểu tranh luận. Phần chất vấn diễn ra sôi nổi, các đại biểu chất vấn ngắn, rõ ràng. Một số đại biểu chưa đồng ý với trả lời của bộ trưởng đã tranh luận đi đến cùng vấn đề.

Đại biểu chất vấn nhiều vấn đề, trong đó có nguyên nhân để dịch COVID-19 bùng phát đợt 4, bài học kinh nghiệm, trách nhiệm của Bộ Y tế trong xây dựng kịch bản phòng chống dịch, triển khai chiến lược vắc xin. Đại biểu cũng chất vấn về công tác quản lý giá xét nghiệm, trách nhiệm bộ trưởng trong vấn đề xảy ra sai phạm trong ngành y tế.

Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết chất vấn, đưa ra yêu cầu về thời gian để đại biểu, cử tri theo dõi việc thực hiện.

Vi phạm của cán bộ y tế không phải do lỗi cơ chế, hệ thống

Thông tin thêm về trách nhiệm ngành công an trong lĩnh vực y tế, đặc biệt việc mua sắm đấu thầu trang thiết bị y tế, bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay thời gian qua diễn ra các vụ việc phức tạp, với phương châm phát hiện một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, đấu tranh xử lý hành vi vi phạm, răn đe cả lĩnh vực. Điển hình vụ việc CDC Hà Nội, bệnh viện Bạch Mai… các đối tượng đã thừa nhận vi phạm.

Qua các vụ việc này có dư luận cho rằng do lỗi cơ chế, hệ thống, ông Lâm khẳng định là "không phải do lỗi này" mà lợi dụng tình hình khó khăn để lách luật, vi phạm về hình sự đáng bị xử lý. Với vi phạm hình sự, cá thể hóa trong quá trình điều tra, chứng minh được yếu tố tham ô, tham nhũng, thông đồng để ăn chia, tư lợi.

Theo đó, bộ trưởng Bộ Công an đề nghị Bộ Y tế, các địa phương tăng cường thanh kiểm tra, kịp thời ngăn chặn vị phạm; đưa một số mặt hàng trang thiết bị y tế vào diện bình ổn giá.

Với việc buôn lậu, buôn bán trái phép thuốc, vật tư y tế, ông Lâm cho hay các đối tượng sử dụng nhiều hình thức tinh vi để nhập lậu, dùng nơi khó đi lại để đưa hàng vào, nên Bộ Công an đã tập trung điều tra xử lý. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý bệnh dịch, phục vụ cung cấp an sinh xã hội thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ Công an kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Kế hoạch đầu tư, Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra quá trình tham mưu, quy trình đầu tư, mua sắm để sớm ngăn chặn vi phạm.

111
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn sáng 10-11 - Ảnh: Quochoi.vn
 

Kết thúc phần chất vấn lĩnh vực y tế, bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết cuộc chiến với COVID-19 chưa có tiền lệ, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Các giải pháp đưa ra trong thời gian ngắn không tránh khỏi hạn chế, và dần được khắc phục. 

Theo ông Long, ngành y tế còn bộn bề việc phải làm, từ việc tổ chức, đầu tư nhân lực cho đến phát triển ngành. Ông mong nhận được thêm nhiều đóng góp của đại biểu.

Bộ Y tế không chủ trương cấm bác sĩ kêu gọi ủng hộ trang thiết bị y tế

Trả lời đại biểu Trần Văn Tiến, bộ trưởng Long nhắc lại tình trạng khan hiếm là có, đặc biệt trong năm 2020, các nước tranh nhau mua. Việt Nam cũng đã chủ động cho sản xuất máy thở, cơ bản các máy có chức năng trung bình đảm bảo trong nước. Đối với máy thở chức năng cao cũng đã cố gắng mua, huy động, kêu gọi hỗ trợ, đơn cử như dự kiến mua 1.000 máy thở nhưng doanh nghiệp hỗ trợ 2.400 máy, nên hiện nay không thiếu máy thở chức năng cao.

"Có thể thiếu cục bộ, thiếu trong giai đoạn ngắn có thể xảy ra, nên đã thành lập kho dã chiến khu vực phía Nam, điều dộng máy thở trong kho của Bộ Y tế. Một vài bác sĩ kêu gọi hỗ trợ là tốt, nhưng Bộ Y tế không chủ trương không cho bác sĩ kêu gọi ủng hộ trang thiết bị y tế", ông Long khẳng định.


Về việc huy động lực lượng y tế tư nhân, khám chữa bệnh, ông Long cho hay đây là vấn đề hết sức quan tâm khi dịch xảy ra. Thực tế, Bộ đã gặp các giám đốc bệnh viện tại TP.HCM, đã kêu gọi sự chung tay có tới 10 bệnh viện tư nhân tham gia rất tâm huyết, dành giường cấp cứu cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, theo quy định điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm A là do ngân sách, bảo hiểm y tế chi trả, nên việc cho phép cơ sở y tế tư nhân thu tiền là chưa được pháp luật cho phép. Vì vậy, ông Long cho hay đã kiến nghị Chính phủ cho phép bệnh viện y tế tư nhân thu tiền, đảm bảo hiệu quả cao hơn trong điều trị bệnh COVID-10.

Giải đáp thêm tranh luận của đại biểu Nguyễn Anh Trí, với việc quản lý giá với lĩnh vực y tế tư nhân, ông Long cho hay hiện chưa có quy định về mức trần, chế tài xử lý đối với cơ sở y tế tư nhân khi thu cao. Do đó, Bộ làm việc với các đơn vị, hiệp hội y tế tư nhân, để đưa ra mức giá trần, để đảm bảo mức giá phù hợp với chăm sóc sức khỏe, mặc dù nhiều đơn vị y tế tư nhân phản đối. 


Ông cũng khẳng định tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm với các đơn vị thuộc bộ; có văn bản tới địa phương tăng kiểm tra giám sát với giá xét nghiệm, trang thiết bị, không vì dịch bệnh để tăng giá.

Bộ trưởng cũng khẳng định chưa có tình trạng giảm sút năng lực với lực lượng y tế công lập khi làm việc thêm, nên sẽ tăng cường kiểm tra giám sát hơn, đảm bảo việc cung cấp chất lượng dịch vụ giữa các đơn vị được tương xứng.

Cần tăng cường giám sát để tránh loạn giá xét nghiệm

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc): Nhiều trang thiết bị thiếu trầm trọng như máy thở, khẩu trang, nhiều bác sĩ lên mạng kêu gọi ủng hộ nhưng sau đó phải đóng thông tin, đây có phải chủ trương của bộ?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tranh luận về việc loạn giá xét nghiệm, cho rằng bộ trưởng trả lời chưa thỏa mãn.

Theo ông Trí, việc loạn giá xét nghiệm là có thật, Bộ Y tế cũng lắng nghe và có thay đổi kịp thời. Tuy nhiên, ông đề nghị Bộ có thông tư quy định giá trần với y tế tư nhân vì COVID-19 là đại dịch và cần được quản lý đặc biệt.

Giá xét nghiệm ở các cơ sở y tế tư nhân có thể cao nhưng không thể quá cao. Bộ Tài chính cần có hướng dẫn về giá để đảm bảo quyền lợi của người dân, cũng như tạo điều kiện đơn vị y tế tư nhân chân chính được tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Mặt khác, các bộ liên quan cần tăng cường giám sát để tránh loạn giá, sử dụng test xét nghiệm trôi nổi.

Vắc xin cho trẻ em được cấp phép không ảnh hưởng hệ sinh sản, phát triển của trẻ

Trả lời đại biểu Trần Hữu Hậu, bộ trưởng Long cho hay việc tổ chức tiêm cho trẻ em đã tổng kết, căn cứ theo hướng dẫn của WHO, FDA, cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ… chính thức cho phép tiêm vắc xin mRNA cho trẻ ở gần 40 nước. Cách làm là tiêm từ lứa tuổi cao xuống thấp, từ nhóm có bệnh lý nền. Hiện vắc xin duy nhất sử dụng là Pfizer đã được cấp phép.

Về cơ chế khi tiêm vắc xin tác động đến cơ thể trẻ em, ông Long khẳng định khi vào cơ thể vắc xin không xâm nhập hệ gene ADN mà sẽ tạo ra kháng thể, tạo ra kháng thể chống lại xâm nhập virus. Do đó, những ý kiến cho rằng gây đột biến, ảnh hưởng đến hệ sinh sản hoặc phát triển của trẻ đã được khẳng định không có, song về vấn đề này vẫn đang được tiếp tục theo dõi.

Ông Long cũng thông tin thêm là về công nghệ vắc xin bất hoạt của vắc xin cho trẻ em mà Sinopharm sản xuất, cũng được đánh giá là an toàn với trẻ. "Mọi vắc xin được cấp phép là đảm bảo an toàn với trẻ em", ông Long khẳng định.

Cơ sở khoa học để tiêm vắc xin COVID-19 đại trà cho trẻ em?

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho biết hiện nay có những thông tin về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo công nghệ mRNA cho trẻ em ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, đề nghị bộ trưởng Bộ Y tế cho biết rõ vấn đề này và cơ sở khoa học để triển khai tiêm vắc xin COVID-19 đại trà cho trẻ em.

Có lỗ hổng trong quản lý giá thiết bị y tế, giá xét nghiệm

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin thêm về quản lý giá liên quan đến lĩnh vực y tế: Năm 2012 giá giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành, trong đó giá thiết bị y tế giao cho Bộ Y tế. Từ đó, Nghị định của Chính phủ xác định trách nhiệm quản lý giá thiết bị y tế của Bộ Y tế. Với thời gian qua xảy ra sai phạm giá thiết bị y tế, mà cả lĩnh vực đất đai, giáo dục, đây là lỗ hổng cần hoàn thiện.

"Bộ Y tế xây dựng Nghị định 98 với hai văn bản tham gia góp ý để đề nghị Bộ Y tế thắt chặt lỗ hổng này", ông Phớc nói quy định này chặt chẽ hơn, từ phương thức công khai giá đến buộc phải kê khai giá, truyền về trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế quản lý. Nếu bán giá sai thì bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép hoạt động và nếu có hậu quả nghiêm trọng phải truy tố, xử lý hình sự.

Trong kê khai giá cũng yêu cầu, với thiết bị nhập phải công khai giá nhập của hải quan, chi phí tính hợp lý. Còn nếu giá trong nước phải công khai giá thành sản xuất trong nước. Đó là vấn đề hoàn thiện được và bịt lỗ hổng giá thiết bị y tế. 
Liên quan loạn giá kit xét nghiệm, thiết bị y tế, ông Phớc cho hay đã dự báo được tình hình này nên chỉ đạo ngành thuế, hải quan, không để đơn vị viện trợ, tài trợ lợi dụng nâng giá đưa vào chi phí sản xuất vì theo quy định được trừ vào chi phí hợp lý để miễn giảm thuế.

Về huy động nguồn lực xã hội ngành y tế, bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay đã ban hành luật PPP nhưng vẫn xảy ra sai phạm, do có lỗ hổng gây nên tình trạng trục lợi, có thể nâng giá dịch vụ để ăn chia, trục lợi. Do đó, tới đây sẽ tăng cường thanh kiểm tra, ngăn chặn thất thoát lãng phí, tham nhũng xảy ra.

Lãnh đạo một số cơ sở y tế có năng lực chuyên môn nhưng chưa có năng lực quản lý

111
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: Quochoi.vn

Trao đổi một số nội dung liên quan, bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết việc đại biểu đạt vấn đề "bác sĩ giỏi chưa chắc quản lý giỏi" rất hay và cần quan tâm.

Theo bà Trà, việc xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và các đơn vị sự nghiệp y tế nói riêng được quán triệt theo các nghị quyết của Đảng. Trong đó nói rất rõ tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm cán bộ quản lý ở các đơn vị sự nghiệp. Bộ Y tế cũng đã ban hành tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm.

Tuy nhiên, thực tiễn có một số cơ sở y tế, người quản lý có năng lực chuyên môn nhưng chưa có năng lực quản lý.

Bộ Nội vụ xin tiếp thu ý kiến đại biểu để xem xét, rà soát có những điều chỉnh nhằm hướng đến việc bổ nhiệm cán bộ quản lý vừa có năng lực chuyên môn, vừa có năng lực quản lý.

"Vấn đề quan trọng là làm rất rõ tiêu chuẩn, điều kiện kiện của người đứng đầu các đơn vị y tế", bà Trà nói.

Nói đến việc phân cấp quản lý hệ thống y tế, bà Trà thừa nhận còn có nhiều vướng mắc, phải rà soát, xem xét căn cơ, nhất là hệ thống y tế cấp tỉnh, cấp huyện. Ngay sau kỳ họp, Bộ Nội vụ sẽ báo Chính phủ thực hiện phân cấp được ngay. Ngoài ra, nghiên cứu phân cấp các cơ sở y tế mà Bộ Y tế đang quản lý cho các tỉnh theo hình thức phân cấp lãnh thổ.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhận trách nhiệm về vấn đề vắc xin

Thông tin về chiến lược vắc xin, ông Long nói ta tiếp cận vắc xin sớm nhưng mua bị chậm hơn, lý do là tình trạng khan hiếm vắc xin, một số nước có vắc xin đặt hàng với số lượng lớn, dẫn tới có tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin. Chưa kể tâm lý sử dụng vắc xin, từ chối không tiêm vắc xin diễn ra ở quy mô toàn cầu. 

Khi mua vắc xin cũng phải vượt qua rào cản về mặt pháp luật, phải chấp nhận mọi điều kiện về mặt mua bán mà không được điều khoản thương thuyết, chấp nhận mọi rủi ro như giao hàng chậm, giá cả, không được trả lại vắc xin, giao hàng không đúng thời hạn, nên gây khó khăn cho mua bán, tiếp nhận hợp đồng...

"Về vấn đề này Bộ Y tế nhận trách nhiệm, nên có kế hoạch triển khai để đảm bảo tiêm vắc xin cho năm 2022", ông Long cho biết đến nay đã hoàn thành chiến lược tổng thể về COVID-19.

Với vấn đề bác sĩ làm thêm có ảnh hưởng chất lượng khám chữa bệnh do đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đặt ra, ông Long cho hay việc hành nghề của bác sĩ là được phép, nhằm đảm bảo thu nhập và nâng cao năng lực, nhân lực y tế, cũng để không phân biệt giữa công và tư. Tuy nhiên, cũng để bác sĩ tái tạo sức lao động, nghiênm cấm bác sĩ không hoàn thành công việc chung do việc riêng, nên sẽ tăng cường kiểm tra vấn đề này.

Giải pháp ngăn chặn cá nhân lợi dụng đặt máy, trang thiết bị vào bệnh viện để sai phạm

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) hỏi giải pháp khắc phục tình trạng xã hội hóa để các cá nhân lợi dụng đặt máy, trang thiết bị vào bệnh viện và có những sai phạm xảy ra thời gian qua.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) chất vấn về trách nhệm của Bộ Y tế trong việc tham mưu chiến lược và triển khai chiến lược vắc xin?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) hỏi nhiều bác sĩ, liên kết khám, chữa bệnh riêng có ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh?

Giải pháp nào nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) chất vấn giải pháp giải quyết khó khăn trạm y tế? Trách nhiệm của bộ trưởng để thiếu số bác sĩ, nhiều nơi chất lượng chuyên môn của y, bác sĩ còn thấp?

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) và đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) cùng chất vấn trách nhiệm và giải pháp nào nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng?

Về tăng cường năng lực y tế cấp xã, ông Long cho hay hệ thống y tế đã sắp xếp, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tế, nhưng không đáp ứng được khi tình hình dịch xảy ra phức tạp. Năng lực y tế cơ sở, nhất với tuyến xã, chỉ có 48,4% các trạm y tế đảm bảo thực hiện dịch vụ cơ bản, nhưng với xã còn nhiều vấn đề cần thay đổi, thay vì theo vì cấp hành chính mỗi phường xã có một trạm y tế. 

Do đó, tăng cường đầu tư nâng cấp, sửa chữa trạm y tế nhưng không đáp ứng yêu cầu, nên tới đây trong đề án tăng cường năng lực trạm y tế xã, đảm bảo nhân lực trạm y tế, nên Bộ đã đang và sẽ đưa ra tăng cường năng lực để vừa khám chữa bệnh, học hỏi và học tập, đưa bác sĩ tuyến huyện và xã, thiết lập hệ thống khám chữa bệnh từ xa, tăng năng lực hệ thống y tế, tổ chức hệ thống y tế tuyến xã theo nguyên lý y học gia đình. 

Tiếp đó là đổi mới y tế tài chính, hoạt động ở một số trạm còn khó khăn nên ông đề nghị địa phương quan tâm hơn, đảm bảo người dân được quan tâm chăm sóc sức khỏe.

Về nhân lực y tế, bộ trưởng khẳng định đây là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm. hiện nay theo đào tạo chung, hiện mỗi năm có gần 7.000 bác sĩ ra trường, không thể đẩy nhanh tốc độ đào tạo do phù thuộc vào năng lực từng trường. 

Vì vậy, sẽ đào tạo theo hướng sâu hơn, 9 năm mới ra trường hành nghề, cấp chứng chỉ theo đúng tinh thần chung, nhân lực vùng sâu vùng xa có đề án về tăng cường đào tạo, đảm bảo tiếp cận dịch vụ y tế thuận lợi.

Với vấn đề được đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đặt ra về người lao động gặp khó khăn, phải ngừng đóng bảo hiểm y tế, ông Long cho hay tỉ lệ đóng đã đạt trên 95% nhưng trong năm 2021 có dấu hiệu giảm đi, nên đã phối hợp các bộ liên quan rà soát để có cơ chế chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM) khi lực lượng nhân lực bác sĩ còn yếu, ông Long cho hay nhân lực y tế phải có phân bổ phù hợp, nhưng do điều kiện khó khăn, tài chính hệ thống y tế, nên nhiều đơn vị tự chủ, tuyển dụng nhân lực còn khó khăn. Trong khi giá dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu cầu, nên để đáp ứng yêu cầu thì tăng cường đào tạo, sắp xếp bộ máy, sử dụng nhân lực phù hợp, có chương trình đổi mới căn bản toàn diện đào tạo bác sĩ y khoa…

Năm 2022, tập trung thanh tra, kiểm tra việc sử dụng các nguồn lực chống dịch COVID-19

111
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Thủ tướng giao cho Thanh tra Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng giao cho Kiểm toán Nhà nước trong năm 2022 tăng cường thanh tra, kiểm toán chuyên đề về việc huy động, sử dụng quản lý các nguồn lực vào công tác phòng, chống dịch ngăn chặn tham nhũng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội để nghị ngành y tế tăng cường giám sát, kiểm tra nội bộ trong ngành để kịp thời hướng dẫn anh em làm đúng, tránh trường hợp khi các cơ quan chức năng vào thanh, kiểm tra thấy sai phải xử lý.

Về tranh luận của đại biểu Hoàng Văn Cường, ông Long cho hay theo quy định thì khi để xảy ra tình trạng sai phạm trong đơn vị thì trách nhiệm người đứng đầu trong thiết lập cơ chế làm việc, quy định làm việc, kiểm tra giám sát thực hiện, nên mọi văn bản của Đảng và Nhà nước đều nêu cao trách nhiệm người đứng đầu.

Về quản lý ngành y tế theo địa bàn, lãnh thổ, ông Long nói Bộ Y tế chỉ đạo về mặt chuyên môn. Còn với vấn đề nhân lực, nhân sự, quản lý tài chính, thanh kiểm tra là trách nhiệm thuộc các UBND tỉnh, thành phố. Bộ Y tế lập đoàn kiểm tra chuyên ngành nhưng về mặt chuyên môn, còn mặt kinh tế, quản lý mua sắm đấu thầu, mua sắm là do địa phương.

"Thời gian qua các vi phạm quản lý đấu thầu mua sắm, cũng liên tục có văn bản nhắc nhở địa phương, đơn vị thuộc bộ. Dù đã có nhiều quy định cho phép cơ chế mua sắm, nhưng các địa phương vẫn ngại mua sắm trong phòng chống dịch", ông Long nói.

Do đó tới đây sẽ ban hành quy định quản lý mua sắm trang thiết bị y tế về phòng chống dịch, kiểm soát giá, Thủ tướng cũng chỉ đạo cần đảm bảo công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm trong mua sắm, nên địa phương cần tăng cường kiểm tra giám sát, khi có vi phạm xử lý theo đúng quy định pháp luật, dù rất đau đớn nhưng phải xử lý để làm trong sạch, làm lành mạnh hóa.

Cơ quan có chức năng không phát hiện ra vi phạm, làm sao các giáo sư, bác sĩ phát hiện?

111
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn

Bấm nút tranh luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) trao đổi về vấn đề sai phạm kinh tế trong bệnh viện dẫn đến giáo sư, bác sĩ, tiến sĩ bị khởi tố. Ông Cường cho biết các giải pháp bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra chưa thỏa đáng.

Bộ trưởng nói có quy dịnh phân cấp cho một phó chuyên phụ trách về kinh tế của bệnh viện. Tuy nhiên, theo ông Cường, có trường hợp dù cấp phó có sai phạm thì trưởng bệnh viện vẫn phải chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu. Hay có những việc dù phân công cấp phó quản lý nhưng trưởng cũng phải quyết.

Thứ hai, trách nhiệm cơ quan quản lý. Theo quy định hằng năm, đơn vị chức năng của cơ quan chủ quản và các cơ quan kiểm toán, thanh tra phải tiến hành kiểm toán những kinh phí sử dụng vốn sử dụng ngân sách; đối với những kinh phí sử dụng vốn của đơn vị thì phải kiểm tra hoạt động tài chính. Nhưng lâu nay các cơ quan có chức năng không phát hiện ra vi phạm làm sao các giáo sư, bác sĩ làm sao phát hiện để ngăn chặn?

"Quy định hiện nay đối với những sai phạm sau khi có thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì những cơ quan chức năng này phải chịu trách nhiệm. Vậy khi điều tra vụ án có bỏ sót hay không?", ông Cường đặt câu hỏi.

Vắc xin nội: Chỉ giảm thiểu thủ tục, phải đảm bảo chuyên môn và an toàn

Về vấn đề nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước được đại biểu Dương Minh Ánh nêu, ông Long cho hay đã có 2 đơn vị thử nghiệm lâm sàng đến giai đoạn 3. Bộ Y tế cắt ngắn về thủ tục hành chính nhưng phải đảm bảo chuyên môn và an toàn, nên đã thành lập 2 Hội đồng Y đức và Hội đồng cấp phép, đánh giá an toàn và hiệu quả, nên cũng kỳ vọng sớm có vắc xin về Việt Nam.

Về thông tuyến bảo hiểm y tế, ông Long cho hay để đảm bảo người dân tiếp cận chất lượng dịch vụ bảo hiểm y tế song cũng có hạn chế là khó quản lý bảo hiểm y tế, có nơi tăng lượng bệnh nhân nhưng có nơi ít bệnh nhân. Do đó, Bộ Y tế sẽ xem xét, rà soát lại để điều chỉnh phù hợp, trên nguyên tắc người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng nhưng gần nơi mình sinh sống nhất.

Không yêu cầu người dân xét nghiệm khi đi lại

Trả lời chất vấn của đại biểu Tạ Văn Hạ, bộ trưởng Bộ Y tế cho biết việc yêu cầu thời gian xét nghiệm lạicũng khác nhau giữa các nước nhưng cơ bản các nước lấy mốc 72 giờ. 

Tần suất xét nghiệm, trước đây Bộ Y tế và Bộ GTVT có hướng dẫn xét nghiệm cho người đi từ vùng dịch ra khỏi khu vực khác, không áp dụng đi lại giữa các vùng tương đương.

Tuy nhiên, sau này áp dụng nghị quyết 128 thì không yêu cầu người dân xét nghiệm khi đi lại. Chỉ xét nghiệm cho người dân từ vùng dịch trở về và xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm, theo địa bàn nguy cơ, nhóm nguy cơ.

Với việc quản lý người di chuyển địa bàn có dịch là 1,6 triệu người lao động mà đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đặt ra, bộ trưởng Long cho hay đã có tham mưu, công điện về các địa phương trong việc kiểm soát người lao động di chuyển thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ nên phải xét nghiệm, cách ly, theo dõi giám sát y tế chặt chẽ, nên cần tiếp tục thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 128, không ngăn sông cấm chợ, đưa đón người lao động, theo dõi giám sát chặt chẽ, tăng bao phủ vắc xin.

Khi nào có vắc xin COVID-19 của Việt Nam?

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho biết cử tri quan tâm đến thời gian yêu cầu xét nghiệm và xét nghiệm lại mỗi địa phương quy định khác nhau, nên thống nhất thời gian như thế nào?

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) muốn biết thời gian nào có vắc xin COVID-19 của Việt Nam?

Các trung tâm y tế tại TP.HCM sẽ giao về cho quận huyện quản lý

 

Trả lời vấn đề đại biểu Dương Ngọc Hải (TP.HCM) nêu về đổi mới tổ chức hệ thống y tế, ông Long cho hay hiện nay bệnh viện do Sở Y tế quản lý nhưng năng lực quản lý về nguồn lực đầu tư, con người chưa được hết. 

Do đó, riêng với TP.HCM sẽ ủng hộ thí điểm phương án giao quản lý trung tâm y tế cho quận huyện, nhằm để tăng phân cấp phân quyền, tăng quản lý địa phương. Còn với địa phương trên cả nước, dù có nhiều khó khăn nhưng sẽ cân nhắc để đảm bảo tăng cường đầu tư, quản lý và trách nhiệm.

Đối với các trung tâm y tế có vướng mắc trong thanh, quyết toán, bộ trưởng cũng nhìn nhận việc chi tiêu các trung tâm y tế rất thấp, 75% thực hiện tuyến huyện và xã nhưng mức chi tiêu chỉ hơn 30%, nên cải cách cơ chế tài chính tuyến huyện đang được đặt ra, đảm bảo theo hình thức theo cơ chế nhà nước đặt hàng giao nhiệm vụ, theo gói dịch vụ y tế dự phòng và theo cơ chế bảo hiểm y tế. 

"Xin tiếp thu ý kiến đại biểu để cải cách tài chính y tế tuyến huyện", ông Long bày tỏ.

Lên án những vi phạm, tham ô, tham nhũng trong y tế

 

ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chất vấn cơ chế, công tác hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra của Bộ Y tế trong việc để xảy ra những sai phạm gần đây.

Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ hết sức đau lòng. Nguyên nhân do có những vấn đề về cơ chế, hướng dẫn và đặc biệt do vi phạm mang tính cá nhân. Mặc dù quy định hết sức cụ thể nhưng có vi phạm, tham ô, tham nhũng. 

"Chúng tôi lên án, mặt khác bộ tiếp tục rà soát những vấn đề phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát với các đơn vị để ngăn ngừa, phòng chống, đấu tranh các trường hợp vi phạm", ông Long nói.

Điều chỉnh lương, phụ cấp để cán bộ y tế yên tâm làm việc

 

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga về giải pháp chống chảy máu nhân lực ngành, đặc biệt khi ngành có những cán bộ bị xử lý do vi phạm, bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đối với ngành y tế chất lượng nguồn nhân lực hết sức quan trọng. 

Bộ Y tế vừa qua luôn quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, làm sao để y tế Việt Nam có chất lượng tương đương nền y tế của các nước trên thế giới.

Bộ cũng có chính sách, giải pháp thu hút nhân lực làm việc trong các đơn vị y tế công lập. Tuy nhiên cũng có hiện tượng một số cán bộ y tế ở công lập sang làm cho tư nhân. Tuy nhiên hiện lực lượng y tế công lập vẫn đóng vai trò chủ đạo. Tới đây Bộ tiếp tục quan tâm đào tạo nhân lực, thu hút người làm trong y tế công lập. 

"Chúng ta cũng cố gắng điều chỉnh tiền lương, phụ cấp để đảm bảo cán bộ y tế yên tâm làm việc tại các cơ sở công lập", ông Long nói.

Không chờ tiêm phủ vắc xin mới cho trẻ em đến trường

Với việc trẻ em chưa được đến trường, ông Long khẳng định đã trao đổi với Bộ Giáo dục và đào tạo, thống nhất không vì lo lắng quá dịch bệnh mà không cho trẻ em đi học.

Theo ông, cũng không nên đợi chờ trẻ em tiêm phủ vắc xin, do rủi ro ở lứa tuổi này không cao, nên Bộ Y tế khuyến cáo xã phường ở cấp độ 1 và 2 mạnh dạn cho các em đi học bình thường, nhưng hiện mới chỉ có 22 địa phương ở cấp độ 1 cho đi học.

"Nghị quyết 128 hướng dẫn rõ, các bộ đã có chỉ đạo nên mong tới đây tiếp tục. Nhiều nước cũng đang học trực tuyến, nên tới đây triển khai đồng bộ hiệu quả hơn", ông Long nói.

Từ đây đến cuối năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

Trao đổi lại với đại biểu Lưu Văn Đức, bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết việc dự báo, đặc biệt dự báo về COVID-19, hết sức khó khăn. Các nước cũng chưa có dự báo dài hạn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ mới đưa ra nhận định đến hết năm 2022 chưa hết dịch và chưa thể khẳng định.

Khó khăn vậy là do dịch chưa có tiền lệ, có những biến chủng thay đổi liên tục. Sắp tới, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với WHO để có kinh nghiệm, kỹ thuật hơn trong dự báo.

Theo ông Long, vấn đề quan ngại hiện nay là vừa qua dịch COVID-19 quay trở lại các địa phương. Dự báo từ đây đến cuối năm tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp. Do các địa phương chuyển sang sống thích ứng nên xuất hiện chủ quan, người dân không tuân thủ 5K. Ngoài ra thời tiết trở lạnh hoặc dịp tết đến có hoạt động đông người cũng sẽ là yếu tố tăng nguy cơ lây lan. 

"Tôi lưu ý các địa phương hết sức qua tâm tình hình dịch. Mặt khác, các địa phương tăng phủ vắc xin càng nhanh càng tốt", ông Long nói.

Trẻ em chưa được đến trường là thận trọng quá mức?

Nêu vấn đề nhân lực ngành y tế đang thiếu, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đặt câu hỏi về giải pháp chống chảy máu nhân lực ngành, đặc biệt khi ngành có những cán bộ bị xử lý do vi phạm. 

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) đặt câu hỏi về công tác dự báo diễn biến dịch, đặc biệt là năm 2022, trách nhiệm ngành y tế với chiến lược vắc xin, đảm bảo công bằng, khi nhiều địa phương Tây Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng bằng sông Cửu Long chưa tiêm đủ mũi 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) yêu cầu giải pháp đột phá giảm thiểu chênh lệch khám chữa bệnh giữa miền núi và đồng bằng. Theo đại biểu, cử tri cũng phản ánh việc trẻ em chưa được đến trường là thận trọng quá mức cần thiết, chưa đánh giá hết khó khăn của việc học trực tuyến.

Bộ Y tế không kiểm soát giá xét nghiệm là thiếu sót

Sau khi bộ trưởng Bộ Y tế trả lời về giá xét nghiệm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tranh luận lại và cho rằng Bộ Y tế không kiểm soát là thiếu sót. Trong một quận mà giá xét nghiệm khác nhau. 

Ông Hòa còn cho biết vừa qua ông xét nghiệm ngoài vỉa hè sân bay Tân Sơn Nhất mất hơn 400.000 đồng, theo ông "giá vậy tội cho dân". Nếu Bộ đã quy định giá mới thì phải kiểm soát.

Về tiêm vắc xin và nguyên tắc phân bổ vắc xin dựa trên Nghị quyết 21, cho đối tượng và địa bàn ưu tiên. Do đó, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ phân bổ vắc xin, chiến lược vắc xin đưa ra bài bản, tập trung đối tượng ưu tiên, người cao tuổi, trên 65 tuổi; một số địa phương bắt đầu tiêm vắc xin cho trẻ em, bắt đầu từ địa bàn trọng điểm và tháng 11 sẽ triển khai toàn quốc. 


Về mũi thứ 3, hiện Bộ Y tế đang lập kế hoạch và chưa triển khai, thực hiện tháng 12, nên hiện đang tập trung phủ hết mũi 1 và trả mũi 2, sau đó tiêm mũi 3 cho người cao tuổi trước.

Về tách bạch quản lý, bổ nhiệm cán bộ, ông Long nói đã có sự thay đổi khi yêu cầu các bệnh viện có ít nhất 1 cán bộ quản lý không nhất thiết là phải có chuyên môn y tế, có thể là cán bộ về tài chính, kế toán.

Giải trình thêm về vấn đề cán bộ quản lý ngành y tế, ông Long cho rằng một vài trường hợp vừa qua cán bộ vi phạm là không ảnh hưởng đến ngành. Những trường hợp có sai phạm là xử lý theo quy định pháp luật. 

Theo quy định quản lý, đã cố gắng tách bạch quản lý y tế và tài chính, quản lý nhân sự, nhưng có những trường hợp không rõ, nên bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến và làm tốt hơn.

Tình trạng loạn giá xét nghiệm, có hay không lợi ích nhóm?

Trả lời câu hỏi về việc cách ly, ông Long cho hay thực hiện theo Nghị quyết 128 về việc xét nghiệm, cách ly với những người đi từ vùng dịch trở về. Với những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, đã khỏi bệnh chỉ cần theo dõi y tế ở nhà… 

Song tùy thuộc tình địa phương, để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, với khu vực có mật độ dân cư cao, chung cư có nhiều người chung sống, chưa tiêm phòng thì đảm bảo cách ly an toàn. Với trường hợp đại biểu nêu là khu chung cư đông người, buộc phải áp cách ly tập trung để đảm bảo an toàn.

Với vấn đề giá xét nghiệm, giá trang thiết bị sinh phẩm mà đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu, có hay không lợi ích nhóm, ông Long cho bết trang thiết bị y tế, sinh phẩm không thuộc mặt hàng quản lý giá theo Luật Giá, nên có nhiều mức giá khác nhau giữa các hãng sản xuất, các công ty sản xuất, các thời điểm.

"Giá khẩu trang, găng tay, máy thở khan hiếm trên thị trường nên có tình trạng tranh mua ở thời điểm ban đầu. Nhưng thời gian qua đã có hạ giá. Bộ Y tế đã từng bước minh bạch hóa cung ứng vật tư, sinh phẩm y tế. Tháng 7-2020 yêu cầu công ty công khai niêm yết giá trên cổng của Bộ Y tế với hơn 69.000 sản phẩm, triển khai đấu thầu và cung ứng", ông Long nói.

Bộ cũng yêu cầu doanh nghiệp tăng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm, tăng cường cấp phép tạo cạnh tranh giữa các đơn vị, với 131 sản phẩm sinh phẩm xét nghiệm. Tăng cường vận động tài trợ từ các nước với trên 50 triệu test.

Việc tăng cường giảm giá thành là yêu cầu đặt ra nên Bộ Y tế hướng dẫn trong gộp mẫu, cho phép về mặt chuyên môn và giảm giá thành. Chiến lược xét nghiệm tùy từng thời điểm, có điều chỉnh phù hợp.

Bộ cũng đã có văn bản yêu cầu thực hiện theo phương thức thực thanh thực chi. Người dân tự nguyện, thu phí chỉ được phép thu theo đúng giá đầu vào, nên có sự chênh lệch giá khác nhau giữa các bên. Nhưng ông Long cũng thừa nhận do quá bận chống dịch nên có địa phương thực hiện thu giá xét nghiệm chưa phù hợp.

"Bộ và Thủ tướng Chính phủ liên tục có văn bản nhắc nhở các đơn vị, đảm bảo không có lợi ích nhóm, tiêu cực, đưa vào chương trình thanh tra đấu thầu mua sắm sinh phẩm, trang thiết bị", ông Long nhấn mạnh.

Thông tin thêm, ông nói có 8 đơn vị sản xuất sinh phẩm trong nước, cơ bản đáp ứng đầy đủ. Thúc đẩy nghiên cứu phương pháp chuẩn đoán mới qua hơi thở, nước bọt để giảm giá thành; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; giá sinh phẩm trang thiết bị chính thức đưa vào mặt hàng quản lý giá, bình ổn giá với mặt hàng này, ban hành Thông tư 16 về giá xét nghiệm chỉ tính giá tối đa.

Ông cũng khẳng định cơ bản test PCR cơ bản đủ, thúc đẩy sản xuất và hiện nay có 2 đơn vị sản xuất, 2 đơn vị chuyển giao công nghệ từ Pháp… đảm bảo thúc đẩy sản xuất trong nước để chủ động nguồn cung ứng.

Các địa phương phải tuân thủ Nghị quyết 128

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Yến, bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đại dịch COVID-19 chưa có trong tiền lệ, nhiều quốc gia phải điều chỉnh chính sách tùy giai đoạn, thời gian. Đến nay hầu hết chuyển sang chung sống an toàn, thích ứng. 

Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với COVID-19, theo đó, các địa phương đánh giá cấp độ dịch dựa trên tình hình dịch, tình hình tiêm chủng và năng lực y tế của địa phương. Từ đó đưa ra các giải pháp áp dụng phù hợp.

Thực tế, vừa qua địa phương cũng đánh giá được cấp độ dịch theo quy mô tuyến xã. Giải pháp hiện nay của Bộ Y tế để triển khai nghị quyết này đồng bộ là yêu cầu các địa pương đánh giá được cấp độ dịch để áp dụng các biện pháp tương ứng. Áp dụng các biện pháp như hoạt động ngoài trời, lưu thông hàng hóa… phải tương ứng với cấp độ dịch. Các địa phương phải tuân thủ quy định của nghị quyết.

Theo bộ tưởng Bộ Y tế, việc chuẩn bị cơ sở đối với y tế là rất quan trọng. Các địa phương phải chuẩn bị hệ thống y tế, trong đó hạ tầng, y tế cơ sở trung tâm hồi sức cấp cứu cần đáp ứng cấp độ 4.

"Trước đây căn cứ vào mức độ dịch và đặc điểm quy mô dân số, diện tích… một số địa phương có áp dụng các biện pháp khác nhau. Tuy nhiên từ khi có nghị quyết 128 cơ bản các địa phương đã triển khai đồng bộ", ông Long nói.

Nghị quyết 128 mỗi nơi thực hiện một khác, F1 tiêm 2 mũi vẫn cách ly tập trung?

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu tình trạng thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ hiện nay các địa phương mỗi nơi một khác. "Đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp để thực hiện Nghị quyết 128 đồng bộ trên phạm vi cả nước?", bà Yến chất vấn.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường đề cập đến sự hoang mang của người dân, đặc biệt là người dân ở Thủ đô Hà Nội, mặc dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thực hiện 5K đầy đủ, nhưng chỉ cần đi chung thang máy với F0 vài chục giây cũng bị đưa đi cách ly tập trung. Đại biểu Cường đề nghị bộ trưởng nêu quan điểm về vấn đề này.

Phát biểu đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu một số điểm mới của việc chất vấn lần này: mỗi đại biểu nêu câu hỏi trong vòng 1 phút, bộ trưởng trả lời mỗi vấn đề 3 phút.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu chọn 1-2 vấn đề trọng tâm. Quá trình trả lời, các phó thủ tướng và các hành viên khác của Chính phủ sẽ tham gia trả lời chất vấn.

Đại biểu không dùng quyền tranh luận để thực hiện quyền chất vấn, tranh luận với bộ trưởng chứ không tranh luận với nhau.

Trao đổi trước phần chất vấn ngành y tế, bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết từ kỳ họp thứ nhất đến nay Bộ Y tế nhận nhiều nội dung chất vấn của đại biểu. Thời gian qua ngàn y tế nhận được nhiều động viên, cũng như góp ý về hạn chế. Ngành y tế tiếp thu đầy đủ để bổ sung vào chiến lược phòng chống dịch sắp tới.

Theo chương trình, bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn đầu tiên, sau đó là bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn và bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sau cùng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ là người điều hành toàn bộ các phiên chất vấn tại kỳ họp này.

 

Theo Tiến Long - Ngọc An/Tuổi trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây