Thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 theo Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là Đề án), các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập.
Sau 5 năm theo học Đông y, tìm hiểu về phương pháp dưỡng sinh Trung Hoa, chị Hoàng Thị Tho, xã Tiên Tiến (Phù Cừ) đã mở cơ sở Mộc Tâm Spa. Đến nay, cơ sở của chị đã phát triển, tạo niềm tin chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho nhiều khách hàng. Mới đây, dự án cao xoa bóp thải độc xương khớp Mộc Tâm của chị đã đoạt giải khuyến khích cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Chị Tho cho biết: Tôi được các cấp Hội LHPN tạo điều kiện cho đi tham gia lớp tập huấn kiến thức về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hỗ trợ trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp để tôi cho ra đời sản phẩm cao xoa bóp thải độc xương khớp Mộc Tâm, hỗ trợ điều trị các bệnh về xương khớp. Sản phẩm sử dụng chủ yếu các loại cây như: gừng, tía tô, lá lốt, mùi, quế, hương nhu… Sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp giảm đau xương khớp, giảm căng thẳng, mệt mỏi nên được nhiều khách hàng tin tưởng đặt mua.
Xác định khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là giải pháp giúp phụ nữ tự tin phát triển kinh tế, hằng năm, Hội LHPN tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; giao chỉ tiêu cụ thể cho Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố, đồng thời tăng cường phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp liên quan để huy động nguồn lực hỗ trợ triển khai Đề án. Đồng chí Lê Thị Huyền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phù Cừ cho biết: Các cấp hội trong huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm khơi dậy tiềm năng, tinh thần sáng tạo của phụ nữ, thúc đẩy việc hiện thực hóa ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Đồng thời, thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên có ý tưởng khởi nghiệp để kịp thời hỗ trợ.
Thực hiện Đề án, các cấp hội đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực về: lựa chọn ý tưởng; kỹ năng lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh; xây dựng thương hiệu; xúc tiến thương mại; quảng bá giới thiệu sản phẩm… cho cán bộ hội, hội viên có ý tưởng khởi nghiệp. Từ đầu năm đến nay, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tổ chức khóa học “Phụ nữ tự tin làm kinh tế” cho 795 hội viên; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai mô hình “Trồng, chế biến hoa cúc chi vàng” tại huyện Ân Thi; triển khai mô hình nuôi giống vịt thương phẩm CT1234 với quy mô 2 nghìn con cho 5 gia đình hội viên xã An Vĩ (Khoái Châu); xây dựng cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn cho hội viên khởi nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, tổ chức hội hỗ trợ mô hình “Vườn cây sinh kế”, “Vườn cây dược liệu”, máy xay đa năng, con giống các loại... cho gần 500 phụ nữ để khởi nghiệp; phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho trên 113 nghìn hội viên; giới thiệu đào tạo nghề cho trên 5.600 hội viên; nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho gần 37 nghìn gia đình phụ nữ vay vốn; duy trì, phát triển 21 hợp tác xã, 30 tổ hợp tác, 5 câu lạc bộ “Vườn ươm phụ nữ khởi nghiệp” do phụ nữ tham gia quản lý. Cùng với đó, hằng năm, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp” giúp hội viên có nhu cầu khởi nghiệp có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, quản lý, tìm kiếm thị trường, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Việc triển khai, thực hiện Đề án thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự phối hợp của các ngành hữu quan, đặc biệt với sự hỗ trợ hiệu quả từ tổ chức hội, tinh thần dám nghĩ, dám làm của phụ nữ, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng trăm ý tưởng, dự án khởi nghiệp đã được hiện thực hóa giúp phụ nữ nâng cao kinh tế gia đình. Nhiều ý tưởng, dự án sau thời gian triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực và được Hội LHPN tỉnh vinh danh như: dự án sản xuất hàng may mặc của chị Phạm Thị Yến ở xã Hưng Long (thị xã Mỹ Hào) mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho 10 lao động nữ; ý tưởng mở cửa hàng kinh doanh và trồng các loại cây dược liệu của chị Đào Thị Dung, xã Trưng Trắc (Văn Lâm) được thực hiện góp phần nâng cao kinh tế gia đình và tạo việc làm cho 10 lao động…
Việc triển khai thực hiện Đề án đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tạo điều kiện để phụ nữ phấn đấu, vươn lên làm kinh tế giỏi, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai Đề án gặp một số khó khăn như: các mô hình khởi nghiệp chủ yếu nhỏ lẻ; một số phụ nữ có ý tưởng nhưng thiếu vốn, thiếu tự tin, chưa mạnh dạn thực hiện được ý tưởng của mình; một số cơ sở hội chưa được phân bổ nguồn kinh phí nên khó khăn trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp…
Để phát huy hiệu quả Đề án, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; triển khai các hoạt động hỗ trợ nhằm giúp phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh để phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống.