Hưng Yên ước vọng những cây cầu

Thứ hai - 22/11/2021 10:36
 
                                        Tùy bút của Đoàn Minh Tấn

Ở xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên có một cột mốc Pháp dựng ghi dấu là trung tâm đồng bằng Bắc bộ. Nằm gọn ở đồng bằng diện tích chỉ hơn 923 KM2 nhưng dân số có tới hơn 1,26 triệu người, Hưng Yên đất chật người đông và là tỉnh duy nhất cả nước không có núi rừng, biển cả.

Đã một thời từ thủa hồng hoang, con chim từ núi bay về biển, và dấu chân con người tràn theo lưu vực sông Hồng tìm những đường đi. Cũng đã một thời, người Việt cổ trên đất phù xa cổ ở Hưng Yên khai sinh lập địa, lập làng và be bờ xôi ruộng mật cấy trồng lúa nước, góp phần khởi lập nền tiền văn minh của đồng bằng châu thổ được tạo lên bởi sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình từ rất xa xưa.
111
Cầu Hưng Hà trị giá gần 3.000 tỉ đồng vượt sông Hồng nối hai tỉnh Hà Nam và Hưng Yên - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Đất mỡ mầu với sự cần cù của người nông dân hai sương một nắng, đã bao đời làm lên bốn mùa hoa trái tốt tươi. Không biết từ bao giờ thổ nhưỡng phía nam tỉnh Hưng Yên lại ưu ái cho hương thơm vị ngọt của loài nhãn quý, “ nhãn lồng  tiến vua “nổi tiếng trong nam ngoài bắc mà chẳng đất nơi nào có được hương vị nhãn ấy. Dọc bãi sông Hồng, sông Luộc từ ngàn xưa đã có nghề trồng dâu nuôi tằm, sử sách còn ghi làng Vân Phương, xã Liên Phương, thành phố Hưng Yên nổi tiếng một thời nghề dệt lụa, góp mặt ở thương cảng Phố Hiến ngày nào vượt đại dương đến với khách hàng ở nhiều nước xa xôi. Cứ mỗi độ xuân về, hoa nhãn vàng ươm khắp các làng quê yêu dấu, trên con đê uốn lượn xứ nhãn Hồng Châu, Hồng Nam, Quảng Châu, Tân Hưng thành phố trẻ Hưng Yên… hay trên mỗi con đường quê phủ đầy bóng nhãn. Nghề nuôi ong từ lâu đời đã làm lên mật ngọt đồng bằng đượm đặc trưng từ hoa nhãn quê nhà. Sen cả nước nhiều nơi có, nhưng những đầm sen Hưng Yên từ bùn đen mọc ra  hạt sen bùi nấu với bột dong, đường kính trắng, đỗ xanh và long nhãn Hưng Yên là món chè đặc sản khách phương xa ăn một lần nhớ mãi. Rồi tương Bần từ hạt gạo, hạt đỗ quê ta, rồi gà Đông Cảo nuôi từ hạt thóc, hạt ngô quê mình thịt ngon thơm không chỉ người Việt ta mà người tây cũng thích, rồi các làng nghề, các món đặc sản ẩm thực quê hương…

Truyền thuyết kể rằng, dòng sông Cái là con sông Hồng chảy vào đất Việt qua dất Hưng Yên bãi bờ bằng phẳng, nước và phù xa cát từ núi rừng phía bắc tích tụ về mênh mang cả vùng Khoái Châu trù phú, nàng Công chúa con Vua Hùng kết duyên với chàng trai nghèo đánh cá làm nên thiên tình sử Tiên Dung - Đồng Tử. Từ lâu lắm rồi, Hưng Yên mang trong mình những trầm tích văn hóa vật thể và phi vật thể, đó là những di tích dày đặc đền, đình, chùa, miếu, quán… là làn điệu trống quân, ca trù, hát chèo làm say đắm lòng người mỗi dịp lễ hội…góp phần tô thắm cho văn hóa Việt Nam thêm đậm đà bản sắc dân tộc.


Phố Hiến cổ với 20 phố và 3000 nóc nhà không còn nguyên trạng do nhiều nguyên nhân, nhưng câu ca trong dân gian còn lưu truyền mãi "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Từ thế kỷ 16, cùng với Hội An ở đàng trong, Phố Hiến ở đàng ngoài đã hình thành tự nhiên khi thương thuyền là giao thông chính. Người từ trời tây bên kia một phần tư chu vi quả đất như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp rồi người Trung Hoa, nhiều nước Đông Nam Á đã vượt biển qua cửa Ba Lạt ở Nam Định  ngược sông Hồng đến với quê ta và dừng lại làm lên Phố Hiến, buôn bán sầm uất, hưng thịnh suốt hơn ba thế kỷ, trước khi đô thị cổ này lụi tàn vào thế kỷ 19, khi đường bộ phát triển thay thế dần thế mạnh đường sông. Vậy là Hưng Yên đâu chỉ có hoa thơm trái ngọt, có các di sản văn hóa nghìn đời, Hưng Yên một thời còn là mảnh đất có truyền thống thương mại lớn nhất nhì cả nước, từ mấy trăm năm trước đã "mở cửa, hội nhập" với thế giới bên ngoài, đã xuất và nhập khẩu hàng ta, hàng tầu, hàng tây rồi đó.

Cuối năm 2019, khi cầu Hưng Hà vượt sông Hồng trên tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với Hà Nội – Ninh Bình sắp khánh thành, tôi một mình đi bộ trên cây cầu sừng sững nơi ngã ba sông sông Hồng, sông Luộc, miên man nghĩ về Hưng Yên bao quanh hai phía tây và nam là những dòng sông lớn. Những dòng sông muôn đời phù xa cuộn đỏ, hung dữ lũ mùa hạ mà thời Tự Đức đã 18 lần vỡ đê sông Hồng ở Văn Giang, những dòng sông hiền hòa, êm đềm trôi chảy lúc thu đông đến, nhất là vài chục năm nay có trị thủy của thủy điện Hòa Bình, những dòng sông mang nguồn nước mát lành qua hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, tưới cho hàng vạn héc ta lúa cấy trồng mỗi khi mùa đổ ải, và "nghiêng đồng đổ nước ra sông"  khi úng ngập vùng chiêm trũng. Sông với đời sống con người gắn bó là thế, tác dụng là thế trong tạo hóa của đất trời.

Trên thế giới này các đô thị lớn đều nằm bên những dòng sông sông lớn, ở nước ta cũng vậy, đó là yếu tố tự nhiên, tất yếu trong quá trình phát triển của lịch sử mà ông cha ta đã tổng kết cái thời đường bộ, đường sắt, đường không chưa phát triển là "nhất cận thị, nhì cận giang". Thế nhưng cùng với Phố Hiến lụi tàn, thương cảng Hải Phòng ra đời thì vùng đất phía nam tỉnh  Hưng Yên dường như cũng vắng buồn theo. Thuần nông kéo dài hàng thế kỷ và thị xã Hưng Yên từ thời Pháp đến thời tỉnh Hưng Yên cũ (1954 - 1968), nhất là 29 năm hợp nhất với tỉnh Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng (1968 – 1997) trở thành ngõ cụt về giao thông, chỉ có con đường 39A từ Phố Nối, đi từ quốc lộ 5 qua phà triều Dương sang tỉnh Thái Bình nên nhiều người gọi là “ thị xã đi qua “. Con đường 39B ( nay là là 38B ) là con đường nối từ ngã ba Chợ Gạo ngoại thị xã Hưng Yên đến thị xã Hải Dương cũng luôn thưa thớt xe, người. Cả hai con đường này đều lởm chởm xe đi xóc, có chuyện nói vui rằng, ai bị hóc xương đi ô tô trên đường 39A nhiều ổ voi, ổ gà chả cần đi bệnh viện, xe xóc xương tự nôn ra hết. Còn thị xã Hưng Yên tuy có mấy nhà máy may, nhựa, đay, cơ khí và mấy hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp thời bao cấp làm mũ, đệt thảm đay… nhưng đìu hiu vắng vẻ, ban ngày thỉnh thoảng mới có chiếc ô tô chạy trên quốc lộ, xe máy hon đa Nhật đời 80, 81 hay simson Đức, min khờ Liên Xô… nhiều chục phút mới thấy có chiếc vù phóng trên đường phố, ban đêm ngay chập tối đường phố đã vắng tanh, le lói chút ánh sáng đèn đường vài khu phố chính. Không tính thời chống chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ vì "tất cả sức ngưới, sức của cho tiền tuyến", chỉ tính từ khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 1975 đến khi tái lập tỉnh 1997, hơn hai chục năm mà tốc độ xây dựng, kiến thiết mới chẳng đáng là bao.
111
Hồi trai trẻ có lần tôi đi gánh hàng đỡ cho mẹ tôi từ bến đò La Tiến huyện Phù Cừ về xã Dị Chế huyện Tiên Lữ trên quãng đường khoảng 15 cây số, con đê tả sông Luộc rất đẹp giữa miền quê thanh bình, êm ả,  nhưng là con đường đất, mưa to là bùn đất "quý người" dính đầy chân, đầy lốp xe đạp nên vùng phía nam huyện Phù Cừ và huyện Tiên Lữ không xa thị xã Hưng Yên mấy mà khái niệm là vùng xa, vùng sâu. Khi đi công tác, có lần tôi đi tàu thủy từ Hà Nội dọc sông Hồng về thị xã Hưng Yên, tàu ghé bờ đỗ bến đò Yên Lệnh là bờ đất. "Nhất cận thị , nhì cận giang" với người dân là thuận lợi bởi trồng cây rau màu, cây công nghiệp trên đất bãi và nghề chài lưới ven sông, nhưng với thị xã Hưng Yên hay huyện lỵ cũ của Tiên Lữ ở Phố Xuôi xã Thụy Lôi thì dường như rất chậm phát triển. Phải chăng thị xã là ngõ cụt, phải chăng hai mặt tây và nam bị ngăn bởi hai con sông lớn. Tiếng gà gáy hai bờ cùng nghe như phóng đại của lời thơ, bài hát kiểu văn nghệ, nhưng gần địa lý mà xa kinh tế, xã hội bởi giao lưu cách trở. Những ngày ấy nhiều người dân ước ao có một cây cầu thay đò Yên Lệnh. Nhưng đất nước vừa trải qua ba cuộc chiến tranh, kinh tế còn nghèo nàn, chỉ dám ước mơ bến phà thay bến đò còn hiện thực, chứ mấy ai dám nghĩ đến có một cây cầu.

Thế rồi thời tỉnh Hải Hưng năm 1993, cầu Triều Dương vượt sông Luộc thay bến phà Triều Dương nối đôi bờ Hưng Yên – Thái Bình được khánh thành vì nó nằm trên tuyến quốc lộ 39A. Niềm vui Hưng Yên lần đầu tiên có một cây cầu qua sông lớn. Bây giờ cầu sắt này đã thành cổ lỗ sĩ nhất vùng. Cầu công nghệ mới xây dựng bằng bê tông cốt thép dự ứng lực vừa rẻ vừa nhanh.

Phải đến ngày 1 tháng 1  năm 1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập thì sắc thái thị xã Hưng Yên trở lại thủ phủ tỉnh mới bừng lên khí thế mới, khí thế của "Bãi Sậy kiên cườn"", "Đường 5 bất khuất", của "đội nữ du kích Hoàng Ngân ngày nào" "đòn gánh đánh tây, tay không bắt giặc"… Và trong bộn bề công việc của một tỉnh mới tái lập, cái quan tâm đầu tiên của tỉnh là làm bến phà Yên Lệnh thay bến đò Yên Lệnh ngay trong năm đầu tái lập tỉnh. Ô tô bắt đầu túc tắc xuống phà từ  Hưng Yên sang Hà Nam và ngược lại, không phải từ thị xã Hưng Yên đi miền Trung, miền Nam phải vòng lên Hà Nội qua cầu Chương Dương như trước đó.

Bằng quyết tâm của hai tỉnh Hưng Yên, Hà Nam và được sự quan tâm của trung ương, năm 2001 Thủ tướng Phan Văn Khải về cắt băng thông xe cầu Yên Lệnh. Niềm vui như vỡ òa trước hết là thị xã Hưng Yên và huyện Duy Tiên bên tỉnh Hà Nam. Hai địa phương thời nào từng chứng kiến tàu tấp nập trên sông ra vào cảng trên bến dưới thuyền, giao hay nhận hàng ra vào kho và thương điếm của Phố Hiến xưa. Nhiều văn nghệ sĩ cảm hứng sáng tác thơ hay bài hát về cầu Yên Lệnh: "Cây cầu nối nhịp bờ vui, Yên Lệnh cầu nối đôi ta" như câu ca có lẽ từ thời Phố Hiến cổ "Hỡi cô cắt cỏ bên sông, có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây". Khi có cầu là lồng bằng xe đạp, xe máy qua cầu. Còn bến phà thì vĩnh viễn viễn lùi vào dĩ vãng. Chuyển toàn bộ cơ sở vật chất và con người bến phà Yên Lệnh về thay bến đò La Tiến trên sông Luộc ở Phù Cừ.

Từ đầu những năm 2000, Chính phủ đã quy hoạch tỉnh Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Một loạt khu công nghiệp, cụm công nghiệp từng bước được ra đời ở phía bắc tỉnh gồm các huyện Văn Lâm, Mỹ Hào, Văn Giang, Yên Mỹ, trong đó có nhiều doanh nghiệp và khu công nghiệp của nước ngoài, phía nam tỉnh do địa thế không nằm cạnh quốc lộ 5 nên phát triển công nghiệp ít hơn phía bắc tỉnh. Những năm gần đây các huyện Kim Động, Khoái Châu, Ân Thi cũng thu hút đầu tư công nghiệp khá hơn. Vấn đề còn ở tầm nhìn dài hạn khác để làm sao phát triển cân đối cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đúng hướng và bền vững, đi đôi với quy hoạch có bài bản và bảo về môi trường sinh thái, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, "Nông thôn mới" phải thực sự là mới về sản xuất, hạ tầng và văn hóa. Mục tiêu lâu dài là công nghiệp, ưu tiên công nghiệp sạch tạo ra nguồn thu lớn tương ứng với diện tích sử dụng. Rồi nông dân là thành viên các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới như  “ doanh nghiệp “ trên các cánh đồng mẫu lớn, sản xuất cây, con theo công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời 4.0. Bát ngát các cánh đồng chuối tiêu hồng và nhãn lai ghép ngoài bãi cũng như trong nội đồng ở các huyện Kim Động, Khoái Châu; các cánh đồng cam, quất, quất, cây dược liệu và hoa ở các huyện Văn Giang, Khoái Châu là điển hình như thế. Vựa lúa Tiên Lữ, Phù Cừ, Ân Thi, Kim Động được thủy lợi hóa “ vắt đất ra nước, thay trời làm mưa “ từ cuối những năm 50 đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi 10 lần Bác Hồ về thăm Hưng Yên được Bác động viên, khen ngợi; lại kết hợp với thâm canh giống mới, làm năng suất tăng gấp 3 lần so với sau 1954 hòa bình ở miền Bắc, công cuộc đổi mới từ 1986, trong đó có "khoán 10" làm dân không còn chạy ăn từng bữa như thời bao cấp gõ kẻng đi làm ghi công tính điểm. Gạo Hưng Yên đã góp cùng cả nước xuất tới nhiều quốc gia và tặng bạn Cu Ba, lợn tăng đàn xuất đi Trung Quốc... Đường nông thôn ngày một đẹp hơn, nhiều nhà tầng, nhà ngói thay nhà tranh tre, vách đất… Tuy thế, nhiều vấn đề xã hội vẫn còn day dứt, luôn là nỗi lo thường trực…

Giờ đây Hưng Yên đã có bốn cây cầu trên hai sông lớn, sau Triều Dương ra đời 1993, Yên Lệnh ra đời 2001, Hưng Hà ra đời 2019 và cầu La Tiến qua sông Luộc ra đời năm 2020. Chuẩn bị khởi công cầu Mễ Sở vượt sông Hồng trên tuyến đường vành đai 4 thủ đô Hà Nội qua huyện Văn Giang, Văn Lâm. Thị xã công nghệp Mỹ Hào đã hình thành, khu đô thị Ecopark Văn Giang đã mang dáng vẻ đô thị xanh, hiện đại và đang từng bước hoàn thiên, khu đô thị Vinhoms Văn Giang cũng rộng ngót 500 héc ta như khu đô thị Ecopark đang san lấp mặt bằng sẽ đi thẳng xây dựng “đô thị thông minh", dự án khu đô thị khác giáp quốc lộ 5 gần thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm đã được Chính phủ phê duyệt; tỉnh quy hoạch thành phố Lý Thường Kiệt tương lai nằm giữa trung tâm tỉnh ở huyện Yên Mỹ và Ân Thi, các tuyến đường mới liên tỉnh, toàn bộ đê tả sông Hồng và sông Luộc đã trải thảm nhựa áp phan rộng 10 mét từ nguồn kinh phí trung ương, tuyến đường mới từ thị trấn Văn Giang qua Yên Mỹ đi thị xã Mỹ Hào đã được Bộ Giao thông phê chuẩn thi công trong thời gian tới. Tuyến đường trục bắc - nam tỉnh sẽ làm theo cam kết dự án BT của Vingroup, một số tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ khác làm mới và nâng cấp; các khu, cụm công nghiệp mới hình thành có trọng tâm, trọng điểm; sân vận động liên hợp cùng nhà thi đấu thể thao đa năng, hiện đại ở thành phố Hưng Yên (thuộc dự BT của Vingroup) đã có trong dự án, khu đại học Phố Hiến tuy có chậm nhưng chắc chắn sẽ đến ngày phải dần dần khởi sắc, khu đô thị Vin hơn 230 héc ta phía đông thành phố và cải tạo sông Điện Biên chảy giữa lòng thành phố Hưng Yên mới chỉ có trên bản vẽ nhưng không thể kéo dài mãi được…

Tầm nhìn dài hạn đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và nhất là năm 2045 đồng hành cùng đất nước kỷ niệm 100 năm thành nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hưng Yên sẽ ra sao khi phát huy tiềm năng, thế mạnh giáp thủ đô Hà Nội và gần cảng Hải Phòng? Để Hưng Yên không là "miếng áo vá" trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, hẳn không chỉ là quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội thật bài bản, khoa học, là nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn là hạ tầng mà trong đó giao thông đi trước một bước có yếu tố thúc đẩy cực kỳ quan trọng. Phá thế ngăn sông, biến đường bộ, thủy, sắt thành động lực trong đó có những cây cầu lớn qua sông sông Hồng, sông Luộc phải là mục tiêu lâu dài có tính chiến lược.

Trong mong muốn và kỳ vọng ấy, vào những ngày mùa xuân Nhâm Dần 2022 đang đến, kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh, đứng trên cầu Hưng Hà rộng 22,5 mét, dài hơn 2,1 km sừng sững, hiên ngang nơi ngã ba sông, ngắm nhìn sông Hồng, sông Luộc mênh mông sóng nước, với trù phú đảo bãi bồi và bãi ven sông, với con đê vững chãi uốn lượn cùng lũy tre xanh chắn sóng được ông cha ta đắp từ thời Lý... Tưởng tượng rằng: Năm 1831 khi Vua Minh Mạng ra sắc chỉ thành lập tỉnh Hưng Yên tách ra từ trấn Sơn Nam thì nơi đây là trung tâm tỉnh, bởi lúc đó ba huyện Hưng Nhân, Duyên Hà, Thần Khê thuộc tỉnh Hưng Yên (mãi sau mới cắt về về tỉnh Thái Bình), và khi đó một phần huyện Yên Mỹ thuộc tỉnh Hải Dương và huyện Văn Lâm, một phần huyện Văn Giang thuộc tỉnh Bắc Ninh. Có thể chăng, con cháu chúng ta đến lúc nào đó sẽ nghĩ và quy hoạch một thành phố nơi ngã ba sông ở cả ba tỉnh hiện thời, kéo dài nội thành của thành phố Hưng Yên đến khu chân cầu Hưng Hà không có gì là khó, còn bên kia hai sông được biết tỉnh Hà Nam đã quy hoạch huyện Lý Nhân dần lên thị xã, cách cầu Hưng Hà khoảng 3 cây số đã có cầu Thái Hà cũng vượt sông Hồng, nối huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam với huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình có khu di tích nhà Trần nổi tiếng ở xã Tiến Đức gần ngã ba sông, đã có đường lớn thênh thang đi giữa cánh đồng. Cứ hình dung xem: Thành phố ngã ba sông tỉnh nào tỉnh ấy quản lý nếu không có sự biến đổi về địa giới hành chính tỉnh thì là thành phố giữa trung tâm đồng bằng Bắc bộ thật đẹp tuyệt vời và thơ mộng biết bao, giống và có thể đẹp hơn thành phố Cần Thơ giữa trung tâm đồng bằng Nam bộ. Sự dịch chuyển về đô thị và công nghiệp không có gì là lạ trong xu thế phát triển và đã từng xảy ra trong lịch sử quốc gia, quốc tế. Cách đây không lâu, có ai nghĩ nơi vùng xa, vùng sâu này lại ra đời 2 cây cầu lớn đều vượt sông Hồng rất gần nhau. Thì dọc sông Hồng từ Hà Nội về, dọc sông Luộc đến Ninh Giang tỉnh Hải Dương đã có tuyến đường nhựa rộng trên đê, có thể sẽ hình thành nhiều cây cầu khác nữa? Để Hưng Yên thông thoáng giao lưu với bốn phương tám hướng, phát triển hưng thịnh và yên bình là ước vọng của nhiều thế hệ như cái tên rất đẹp 190 năm trước đã ra đời.     

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây