Phòng, chống ngập úng khu vực đô thị

Thứ hai - 29/07/2024 09:52
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong 5 năm trở lại đây, tại nhiều khu vực đô thị trong tỉnh như: Thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ), thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm)… thường xảy ra ngập úng cục bộ. Tình trạng ngập úng nhẹ thì 30 - 40 phút, nặng thì 2 - 3 giờ đồng hồ.
Đường Tuệ Tĩnh (thành phố Hưng Yên) bị ngập cục bộ sau trận mưa ngày 23/7/2024
Đường Tuệ Tĩnh (thành phố Hưng Yên) bị ngập cục bộ sau trận mưa ngày 23/7/2024
Hầu như năm nào hiện tượng ngập úng cục bộ cũng xảy ra ở thành phố Hưng Yên mỗi khi mưa lớn. Trong tháng 6 và tháng 7 năm nay, nhiều lần các tuyến đường ở các phường như An Tảo, Hiến Nam, Lê Lợi đã bị ngập bởi mưa lớn. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh tại khu vực trung tâm. Bà Vũ Thị Hiền, người dân sinh sống tại đường Lương Định Của, phường An Tảo cho biết: Mỗi trận mưa to, nước không tiêu thoát kịp, đoạn đường trước cửa nhà tôi lại ngập trắng nước, nhiều lần nước tràn vào nhà. Sau mưa phải đợi cả tiếng đồng hồ nước mới rút, ảnh hưởng tới sinh hoạt, đi lại.

Không chỉ tại đường Lương Định Của, ngay cả những tuyến đường lớn ở thành phố Hưng Yên như đường Nguyễn Văn Linh, đường Tuệ Tĩnh, đường Phạm Bạch Hổ... có nhiều đoạn bị ngập úng cục bộ khi mưa lớn xảy ra. Trong các ngày từ 22/7 đến 24/7, do ảnh hưởng của bão số 2, lượng mưa đo được ở thành phố Hưng Yên đạt 158mm, một số tuyến đường bị ngập úng, ảnh hưởng đến giao thông và đời sống của người dân.

Người dân tại thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ), thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm) và một số phường của thị xã Mỹ Hào như: Bần Yên Nhân, Nhân Hòa, Phan Đình Phùng... phản ánh tình trạng nhiều tuyến đường bị ngập úng cục bộ sau những trận mưa lớn. Mỗi khi mưa lớn, tình trạng ngập úng thường kéo dài từ 30 đến 40 phút, gây ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông và sinh hoạt của người dân các khu vực nêu trên. Đáng chú ý, mật độ giao thông cao tại những khu vực này làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn, dẫn đến nhiều rủi ro về an toàn giao thông và gây khó khăn trong việc đi lại.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập úng là sự biến đổi khí hậu với các trận mưa lớn bất thường và trái mùa ngày càng gia tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, cùng với hệ thống thoát nước cũ và không được bảo dưỡng định kỳ. Thêm vào đó, một số người dân xả rác bừa bãi cũng là nguyên nhân làm ách tắc các kênh mương, cống rãnh, gây cản trở dòng chảy thoát nước.

Để khắc phục tình trạng ngập úng khi mưa lớn, các địa phương đã triển khai một số biện pháp như: thường xuyên cải tạo, nạo vét hệ thống cống, rãnh thoát nước, nâng cấp hệ thống thoát nước được thực hiện kèm với quá trình nâng cấp đường giao thông, bảo đảm 100% tuyến đường mới đầu tư xây dựng có hạng mục tiêu thoát nước. Từ năm 2023 đến nay, thành phố Hưng Yên đã dành hơn 10 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống cống thoát nước, cải tạo kênh tiêu và trạm bơm tiêu úng trên địa bàn. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên đã thành lập “Tổ phản ứng nhanh” để kịp thời xử lý các tình huống ngập úng cục bộ, bảo đảm hệ thống tiêu thoát nước luôn được thông thoáng. Tổ phản ứng nhanh sẵn sàng dụng cụ và nhân lực để khơi thông cống thoát nước khi cần thiết và cảnh báo giao thông để giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, chính quyền các địa phương, đơn vị chuyên môn, duy trì các đội xử lý úng ngập, thường xuyên dọn đất cát và cỏ dại trên các tuyến đường để tiêu thoát nước nhanh hơn. Các thành viên trong đội còn chủ động túc trực tại các điểm ngập úng, khơi thông dòng chảy và cảnh báo cho người điều khiển các phương tiện qua lại, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân. Đồng chí Phạm Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên cho biết: Trong quá trình phát triển đô thị, thành phố chú trọng rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển không gian, phát triển hạ tầng, từng bước nâng cấp và hoàn thiện hệ thống tiêu thoát nước. Đồng thời quan tâm giữ gìn, cải tạo các hồ điều hoà trong thành phố; tăng cường quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng khu vực đô thị; xây dựng thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường cho người dân, ngăn chặn việc xả rác, lấn chiếm vỉa hè, hành lang sông ngòi, làm cản trở dòng chảy để việc tiêu thoát nước được nhanh và thoáng hơn.

Ngành chuyên môn cảnh báo thời gian tới sẽ tiếp tục có những trận mưa lớn, bất thường, trái mùa không theo quy luật do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Để phòng, chống ngập úng hiệu quả, ngành chức năng, chính quyền địa phương cần vào cuộc quản lý sâu sát, chặt chẽ đối với hệ thống thoát nước. Đồng thời, nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, ngăn chặn tình trạng xả rác bừa bãi, tình trạng tập kết vật liệu xây dựng bừa bãi trên vỉa hè, lề đường, xử lý nghiêm các trường hợp: lấn chiếm kênh, ao, hồ, cản trở miệng cống thoát nước, xả rác xuống hố ga, cống tiêu. Các biện pháp, chế tài nghiêm khắc đối với hành vi xả rác và lấn chiếm kênh mương cần được thực hiện triệt để. Các khu vực đô thị cần xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống tiêu thoát nước khoa học, phù hợp với sự phát triển đô thị và dự báo biến đổi khí hậu trong tương lai.

 
nguồn: https://baohungyen.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây