Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, có biết bao thế hệ những người con của quê hương Hưng Yên đã cống hiến sức lực, tuổi thanh xuân, hy sinh xương máu và bản thân mình để giành lại và bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, đến nay, tỉnh đã xác nhận gần 150.000 người có công (NCC) với cách mạng. Trong đó có 25.000 liệt sĩ; 2.300 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 747 lão thành cách mạng, 533 cán bộ tiền khởi nghĩa, 16.150 thương binh, 8.579 bệnh binh; 6.485 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 2.017 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và 87.339 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương. Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo đời sống cho NCC và thân nhân NCC với cách mạng.
Từng “vào sinh ra tử” trên các chiến trường, ông Nguyễn Văn Tư ở thôn Nghĩa Lộ (xã Chỉ Đạo, Văn Lâm) may mắn sống sót trở về nhưng mang trong mình thương tật. Tri ân những đóng góp của ông, hằng năm vào ngày lễ, tết, ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, ông thường xuyên được đón nhận sự quan tâm, thăm hỏi, những phần quà của tỉnh, huyện, xã, các tổ chức chính trị - xã hội… Ông Tư cho biết: Những món quà tri ân, thắm đượm đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của cấp ủy, chính quyền địa phương đã giúp chúng tôi được an ủi, động viên, vơi đi nỗi đau do chiến tranh để lại.
Chúng tôi gặp bác Nguyễn Duy Mên (thị trấn Trần Cao, Phù Cừ) đang được điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc NCC. Bác Mên cho biết: Hằng năm, được tham gia các đợt điều dưỡng, tôi được chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao có điều kiện nắm bắt thông tin về cuộc sống, sức khoẻ của đồng đội. Tôi cảm thấy rất phấn khởi.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công đã đón tiếp, phục vụ gần 700 NCC đến điều dưỡng. Với tinh thần, trách nhiệm cao, coi NCC như người thân của mình, đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động ở Trung tâm luôn chăm sóc tận tình, chu đáo. Hằng năm, căn cứ chỉ tiêu kế hoạch giao điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho NCC và thân nhân NCC với cách mạng và tình hình thực tế, Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch điều dưỡng chi tiết; chuẩn bị đầy đủ điều kiện các nguồn lực bảo đảm tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc về thể chất, nâng cao đời sống tinh thần phù hợp với sức khỏe của NCC đến điều dưỡng tại trung tâm…
Đã thành thông lệ, vào dịp tháng 7, Hội Thầy thuốc thành phố Hà Nội quê Phù Cừ phối hợp tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà NCC, thân nhân NCC với cách mạng ở huyện Phù Cừ. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Sơn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc thành phố Hà Nội quê Phù Cừ cho biết: Ngoài các hoạt động chăm lo đời sống hội viên, hội còn huy động các nguồn lực, tổ chức đoàn về khám bệnh, tặng quà các đảng viên cao tuổi, NCC và thân nhân NCC với cách mạng nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7). Đây là việc làm tri ân thấm đượm nghĩa tình của những người con xa quê hướng về quê hương.
Để tri ân, chăm sóc, bù đắp phần nào nỗi đau, mất mát hy sinh của NCC và thân nhân NCC với cách mạng, việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với NCC luôn bảo đảm đúng, đủ, kịp thời. Công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các chế độ chính sách đối với người có công được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi được thực hiện tương đối toàn diện. 6 tháng đầu năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận, xét duyệt trên 2 nghìn hồ sơ giải quyết chế độ đối với NCC và thân nhân NCC với cách mạng. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị và Nhân dân thực hiện nhiều việc làm như: Xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa, đăng ký chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Năm 2023, toàn tỉnh xây dựng và sửa chữa 78 nhà tình nghĩa; tặng 41 sổ tiết kiệm cho NCC với cách mạng. Đặc biệt, phong trào vận động, ủng hộ xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được quan tâm…
Sự quan tâm kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh là niềm động viên, chỗ dựa tinh thần vững chắc đối với NCC. Đồng chí Đặng Văn Diên, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Những năm qua, công tác đền ơn, đáp nghĩa đã có sức lan tỏa rộng khắp và trở thành việc làm thường xuyên của mỗi người dân, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm... Từ đó, tạo nguồn lực lớn để triển khai các hoạt động như: Chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm... Với sự quan tâm của các cấp, ngành và Nhân dân, đến nay, 100% số hộ gia đình NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh đều có mức sống trung bình trở lên.
Để thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, tri ân các gia đình chính sách, NCC, thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với NCC với cách mạng; tập trung giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng xác nhận NCC theo đúng quy định; huy động nguồn lực xã hội hóa, tích cực tham gia các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc, giúp đỡ gia đình liệt sĩ, NCC với cách mạng...