Bán xăng dầu: Người lãi kỷ lục, kẻ 'lỗ kỹ thuật'

Thứ ba - 02/08/2022 16:23

Nửa đầu năm 2022 giá xăng liên tục lập đỉnh, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được mùa bội thu. Tuy nhiên kết quả kinh doanh của hai 'ông lớn' đầu ngành là PVOIL và Petrolimex lại có phần khác biệt, người lãi kỷ lục, kẻ 'lỗ kỹ thuật'.

111
Petrolimex bội thu trong nửa đầu năm 2022 - Ảnh: BÔNG MAI

Mặc dù hiện nay giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm lần thứ tư liên tiếp, trong đó xăng RON 95 giảm về mức 25.600 đồng/lít và E5RON 92 giảm xuống còn 24.620 đồng/lít, nhưng nửa đầu năm nay giá của hai loại xăng này từng liên tục tăng mạnh. Riêng kỳ điều chỉnh 21-6 đã tăng lên mức đắt đỏ lần lượt 32.870 đồng/lít và 31.300 đồng/lít.

Giữa lúc giá xăng dầu liên tục lập đỉnh, nhiều nhà bán lẻ cũng được mùa bội thu.

Trong lĩnh vực kinh doanh phân phối xăng dầu tại thị trường nội địa, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL, mã chứng khoán OIL) hiện đang xếp thứ 2 về sản lượng tiêu thụ, chiếm khoảng 17% thị phần.

Với hệ thống mạng lưới kinh doanh xăng dầu lớn mạnh, theo báo cáo tài chính vừa được công bố, quý 2-2022 PVOIL gặt hái hơn 30.400 tỉ đồng doanh thu, tăng tới 127% so với cùng kỳ năm trước.

Dù giá vốn tăng cao khiến biên lợi nhuận gộp giảm, kèm theo các chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng, song nhờ doanh thu đột biến nên doanh nghiệp vẫn lãi ròng sau thuế gần 510 tỉ đồng, tăng gần 88% so với quý hai năm trước.

Lũy kế nửa đầu năm nay, nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ nhì cả nước ghi nhận hơn 53.700 tỉ đồng doanh thu thuần và lãi ròng hơn 620 tỉ đồng, tương ứng tăng 113% và 72% so với bán niên trước. Đây cũng là mức lãi lớn nhất của PVOIL từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán đến nay.

Tại đại hội thường niên diễn ra gần đây, công ty thống nhất thông qua kế hoạch đạt 45.000 tỉ đồng doanh thu hợp nhất và 400 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm 2022. Như vậy sau nửa năm kinh doanh, doanh nghiệp đã vượt 19% chỉ tiêu doanh thu và vượt tới 98% chỉ tiêu lãi sau thuế cả năm.

Chiếm khoảng 50% thị phần nội địa - dẫn đầu thị trường kinh doanh xăng dầu, kết quả kinh doanh của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX) lại có nhiều điểm khác biệt.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý 2-2022, "ông hoàng" ngành bán lẻ xăng dầu ghi nhận doanh thu thuần hơn 84.300 tỉ đồng, tương đương tăng tới 78% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên sau khi trừ đi giá vốn, chi phí bán hàng, chi phí lãi vay... doanh nghiệp này lại báo lỗ hơn 196 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn còn lãi gần 1.500 tỉ đồng.

Việc lỗ trong quý 2 đã gây áp lực lên kết quả chung. Tổng kết nửa đầu năm nay, doanh nghiệp này lãi ròng hơn 206 tỉ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy Petrolimex còn cách khá xa chỉ tiêu 186.000 tỉ đồng doanh thu và hơn 3.000 tỉ đồng lợi nhuận cả năm.

Đáng chú ý Petrolimex chỉ "lỗ kỹ thuật" trên báo cáo tài chính, còn thực tế doanh nghiệp vẫn lãi hàng trăm tỉ đồng trong nửa năm qua.

Cụ thể, ông Nguyễn Bá Tùng - kế toán trưởng của Petrolimex - đã giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý 2 của công ty mẹ giảm mạnh so với cùng kỳ và phát sinh lỗ, chủ yếu do giá dầu thô chịu ảnh hưởng trực tiếp xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, các nước Tây Âu và Mỹ cấm vận dầu Nga đã làm cho giá xăng dầu thế giới biến động bất thường.

Trong đó giá dầu thế giới (WTI) tăng từ 99,4 USD/thùng vào đầu quý 2 lên mức 122 USD/thùng (tăng 23%), sau đó giảm sâu còn 105,8 USD/thùng vào cuối tháng 6.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải tăng cường nhập khẩu bù đắp nhu cầu tiêu dùng xã hội trong chu kỳ giá thế giới tăng cao, khiến biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu giảm mạnh.

Đáng chú ý, lãnh đạo của Petrolimex cũng cho biết do giá xăng dầu từ tháng 7 được điều chỉnh giảm với biên độ lớn, để đảm bảo nguyên tắc thận trọng theo chuẩn mực kế toán và cung cấp thông tin minh bạch tình hình tài chính cho nhà đầu tư, công ty mẹ đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại ngày 30-6 đối với lượng hàng tồn kho, với giá trị trích lập dự phòng là 1.259 tỉ đồng .

Như vậy, "nếu không trích lập dự phòng giảm giá này thì lợi nhuận trước thuế 6 tháng là 295 tỉ đồng", lãnh đạo Petrolimex chia sẻ thêm.


Theo Bông Mai/Tuổi trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây