Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan, tạo ra một bối cảnh căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ - Trung. Động thái này khiến bà Pelosi trở thành quan chức đầu tiên trong 3 nhân vật quyền lực nhất nước Mỹ (tổng thống, phó tổng thống, chủ tịch hạ viện) đến Đài Loan sau 25 năm kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich tới hòn đảo này vào năm 1997. Chuyến đi này cũng biến bà Pelosi (82 tuổi) trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế.
Bà Pelosi, hạ nghị sĩ Dân chủ, là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Mỹ lãnh đạo Hạ viện. Bà đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoặc cản trở chính sách của nhiều đời tổng thống Mỹ.
Theo Hiến pháp Mỹ, chủ tịch Hạ viện là người đứng thứ 2 trong danh sách kế vị tổng thống sau phó tổng thống Mỹ. Văn phòng của chủ tịch Hạ viện nằm bên trong Điện Capitol, với ban công riêng nhìn ra Đài tưởng niệm Washington, thể hiện vai trò quan trọng của công việc này.
Chủ tịch Hạ viện, các cấp dưới và chủ tịch các ủy ban Hạ viện là người quyết định những dự luật nào sẽ được xem xét và biểu quyết. Họ thiết lập chương trình nghị sự và quyết định các quy tắc chi phối cuộc tranh luận.
BBC nhận định sự nhạy bén trong lĩnh vực lập pháp, khả năng giữ cho đảng Dân chủ đoàn kết khi có vấn đề xảy ra cùng bản năng trên trường chính trị đã khiến bà Pelosi trở thành một nhân vật đáng gờm trên Đồi Capitol và thường xuyên là mục tiêu nhắm đến của phe đối lập.
Bà Pelosi nhiều lần trực tiếp đối đầu với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong suốt nhiệm kỳ của ông. Thậm chí, bà đã xé bản sao Thông điệp Liên bang năm 2020 sau khi ông Trump hoàn thành bài phát biểu. Đáp lại, ông Trump cũng liên tục cáo buộc bà Pelosi có tư tưởng “cực tả”.
Bà Nancy Pelosi là nữ Chủ tịch Hạ viện Mỹ đầu tiên. Bà đã giữ chức vụ này từ năm 2019 và trước đó là giai đoạn 2007-2011. Bà cũng là hạ nghị sĩ Dân chủ đại diện cho quận San Francisco, California từ năm 1987.
Bà Pelosi sinh ra ở Baltimore, bang Maryland, vào ngày 26.3.1940 với tên gọi Nancy D’Alesandro. Cha bà, ông Thomas D’Alesandro Jr, cố hạ nghị sĩ bang Maryland và từng là thị trưởng Baltimore giai đoạn 1947-1959. Anh trai bà, Thomas D’Alesandro III, cũng từng là thị trưởng Baltimore từ năm 1967 đến năm 1971.
Sau khi tốt nghiệp trường Trinity ở Washington D.C năm 1962, bà kết hôn với ông Paul Pelosi rồi chuyển đến New York. Sáu năm sau, hai vợ chồng chuyển đến San Francisco, bang California.
Tại San Fransisco, bà Pelosi tình nguyện làm người tổ chức các hoạt động cho đảng Dân chủ và đã kêu gọi gây quỹ rất hiệu quả. Sau đó, bà tham gia Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ rồi giữ chức chủ tịch đảng Dân chủ ở California từ năm 1981 đến năm 1983. Đến năm 1988, bà Pelosi giành được ghế trong hạ viện Mỹ.
Năm 2001, bà Pelosi ra tranh cử vị trí phó lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện và giành chiến thắng sít sao. Năm tiếp theo, bà chuyển lên làm lãnh đạo phe thiểu số, chức danh do người đứng đầu phe đối lập trong Hạ viện nắm giữ, và trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ lãnh đạo một đảng trong Quốc hội.
Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2006, đảng Dân chủ lần đầu tiên sau 12 năm nắm quyền kiểm soát Hạ viện. Chiến thắng này đã giúp bà Pelosi trở thành Chủ tịch Hạ viện vào ngày 4.1.2007, người phụ nữ đầu tiên giữ vai trò này trong lịch sử Mỹ.
Bốn năm sau, đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện. Tuy nhiên, bà Pelosi đã bất chấp thất bại và vượt qua nhiều thách thức để một lần nữa trở thành chủ tịch Hạ viện vào năm 2018 và nắm giữ vai trò đó đến nay.
Chuyến đi Đài Loan của bà Pelosi không phải là lần đầu tiên người phụ nữ này thách thức quan điểm của Bắc Kinh. Trong suốt sự nghiệp chính trị lâu dài của mình, bà Pelosi đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề mà bà cho là nhân quyền và dân chủ.
Theo AFP, năm 1991, hai năm sau sự kiện Thiên An Môn, bà Pelosi và hai nghị sĩ Mỹ khác đã đến đây giăng biểu ngữ. Cảnh sát nhanh chóng ập đến và buộc các nhà lập pháp Mỹ rời đi. Tuy nhiên, mỗi năm tại quốc hội, bà Pelosi đều nhắc đến sự kiện này.
Phía Trung Quốc nhiều lần yêu cầu các nước bên ngoài không can thiệp công việc nội bộ của Trung Quốc.
Bà Pelosi cũng là người đã phản đối các đề nghị đăng cai Olympic mà Trung Quốc đưa ra từ năm 1993. Năm 2008, bà thúc giục Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông George W Bush tẩy chay lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, nỗ lực này không thành công.
Đầu năm nay, Chủ tịch Hạ viện Mỹ lại tiếp tục đưa ra lời kêu gọi "tẩy chay ngoại giao" Thế vận hội mùa đông 2022 ở Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ủng hộ đề nghị này và thông báo không gửi bất kỳ đại diện ngoại giao hoặc quan chức nào tham dự Olympic Bắc Kinh 2022.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên