Mong Báo Lao Động vì người lao động
Tôi vẫn nhớ như in sáng ngày 29.1.2022, ông Nguyễn Kim Tùng - đại diện Công ty Hồng Lĩnh (chủ đầu tư Cụm Công nghiệp Tân An, TP.Buôn Ma Thuột), gọi điện với trạng thái hốt hoảng báo tình hình hỗn loạn đang diễn ra ở Cụm công nghiệp Tân An: “Căng lắm em ạ, ở Đắk Lắk bao nhiêu năm anh chưa thấy có lần nào anh chị em công nhân lao động tụ tập đình công, đòi lương nhiều đến hơn trăm người.
Anh đã điện báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động thành phố, Công an... vào cuộc can thiệp để ổn định tình hình. Mong em xuống đây để nắm tình hình viết bài cho người lao động vì nhiều trang mạng xã hội đăng tải thông tin không khách quan, người dân tiếp cận được lại hiểu sai lệch vấn đề”.
Ông Nguyễn Kim Tùng nhớ lại, giáp Tết Nhâm Dần vừa qua, gần 200 công nhân lao động ở Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất H&L Đắk Lắk (Công ty H&L) đứng chờ trước cổng trụ sở doanh nghiệp để mong được trả lương, ứng thêm tiền để về quê ăn Tết... Nhận được tin chẳng lành, ông lập tức đến trụ sở doanh nghiệp này để ổn định tình hình, trấn an người lao động. Thời điểm đó khá phức tạp, người lao động bức xúc vì bị nợ lương, doanh nghiệp tài chính khó khăn không chi trả nổi đồng nào cho họ.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, ông Tùng gọi điện nhờ PV Báo Lao Động và một số cơ quan báo chí khác đến hiện trường, nắm thông tin. Nhờ đó, mọi thông tin vụ việc được báo chí cập nhật chính xác đầy đủ... người đọc có cái nhìn khách quan hơn về vụ việc, hiểu đúng bản chất của vấn đề.
Để người lao động an tâm về quê, đợi sau Tết lên giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng, ông Tùng đã bỏ tiền túi của mình hỗ trợ cho mỗi công nhân lao động 1 triệu đồng.
Công nhân vui mừng
Chiều tối ngày 15.2.2022, Công ty H&L tuyên bố tạm dừng hoạt động chỉ ít ngày sau khi đón công nhân lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Lý do được đại diện doanh nghiệp đưa ra là tình hình tài chính của đơn vị quá khó khăn, không để chi trả tiền lương cho người lao động như đã cam kết trước đó.
Thời điểm ấy, trước sức ép của công nhân, đại diện doanh nghiệp cũng lúc túng chưa biết phải giải quyết tình hình ra sao. Cuối cùng, Chủ doanh nghiệp, đại diện chủ đầu tư Cụm công nghiệp Tân An và các sở, ngành tỉnh Đắk Lắk ngồi lại bàn bạc, tháo gỡ khó khăn cho người lao động.
Sau hơn 2 giờ thảo luận, nhiều phương án giải quyết được đưa ra và được tập thể người lao động chấp thuận.
Tôi cùng ông Tùng lắng nghe được nhiều tâm sự, hoàn cảnh của nhiều công nhân lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người túng quẫn, nhiều tháng chạy vạy vay tiền để lo chi phí sinh hoạt qua ngày. Kẻ thì lo lắng không biết đi đâu về đâu sau khi doanh nghiệp “vỡ trận”... Nghe những mẩu chuyện ấy ai nấy đều lắc đầu ngán ngẩm, xót xa.
Hôm ấy, tôi và ông Tùng ở lại công xưởng của Công ty H&L đến hơn 20h mới trở về nhà.
Sáng sớm hôm sau, ông Tùng vui mừng thông báo: “Đại đa số công nhân lao động bị nợ lương, sống vật vờ thời gian qua đã được một xưởng may tại Cụm công nghiệp Tân An hỗ trợ nhận vào làm việc. Trước tiên, doanh nghiệp sẽ ứng tiền ra lo cho công nhân chi phí sinh hoạt, sau khi thời gian thử việc hoàn tất sẽ nhận họ vào làm chính thức”.
Anh chị em công nhân vui mừng phấn khởi. Họ gửi lời cám ơn Báo Lao Động đã đồng hành, hỗ trợ để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, gây sức ép với doanh nghiệp để họ có trách nhiệm đối với công nhân của mình.
Một thời gian sau, phía Công ty H&L buộc phải bán linh kiện, máy móc, vật tư trong xưởng ở Cụm Công nghiệp Tân An để giải quyết dứt điểm tiền lương còn nợ động cho anh chị em lao động.
Theo Bảo Trung/Lao động
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên