Tôi đã có 25 năm rời giảng đường đại học để đi làm. Trong từng ấy thời gian, tôi đã chứng kiến nhiều người bạn, đồng nghiệp rời bỏ cơ quan Nhà nước. Tất cả đều có lý do của mình, nhưng hai lý do cơ bản nhất là lương không đủ sống, môi trường không phù hợp hoặc thấy mình không được coi trọng.
Ngần ấy năm làm trong cơ quan Nhà nước, với tôi điều đó cũng là dễ hiểu. Có những đồng nghiệp mà thực sự đến khi họ thông báo quyết định nghỉ việc, tôi vẫn không thể tin nổi. Tôi nhớ mãi lần đang đi công tác ở tỉnh miền núi thì nhận được điện thoại của cô bạn về quyết định bỏ việc. Tôi đã khá sốc và hoang mang vì không bao giờ nghĩ người có chuyên môn tốt như cô ấy lại có quyết định như vậy sau gần 10 năm gắn bó và yêu nghề.
Trong thời gian làm việc, cô bạn tôi không bao giờ đòi ưu đãi hay than vãn về thu nhập, một phần như đã nói vì cô ấy yêu công việc, một phần cô ấy cũng như đa số người làm trong Nhà nước đều hiểu rằng, có chế độ ưu đãi thì cũng chỉ hơn người khác một chút, đòi hỏi để làm gì. Nhưng điều làm cô ấy buộc phải đưa ra quyết định là vì không chịu được “sếp” của mình bởi những cử chỉ, hành động mà theo cô ấy là quá thiếu tôn trọng nhân viên.
Đến giờ, thỉnh thoảng chúng tôi ngồi cà phê, cô ấy vẫn cảm thấy nuối tiếc vì rời xa nơi đã rất gắn bó và tưởng chừng sẽ cống hiến trọn thời gian đi làm. Cô ấy cũng cảm ơn người đã giúp cô ấy đưa ra quyết định thôi việc. Vì nó mà cuộc sống, thu nhập của cô ấy tốt hơn rất nhiều, có thể yên tâm lo cho gia đình và con cái.
Trong câu chuyện, tôi cảm nhận được cô bạn khá hài lòng và tự hào về nơi mình đang làm việc là một doanh nghiệp tư nhân, nhất là ánh mắt lấp lánh khi kể về sếp. Cô ấy kể, làm việc ở chỗ mới, không nặng nề chuyện lễ lạt hay phải dò ý sếp. Việc ai người nấy làm, hiệu quả công việc được lấy làm thước đo để đánh giá công việc và thu nhập. Cô ấy vẫn biết “trong doanh nghiệp một đồng họ bỏ ra đều phải sinh lời, nhưng sự đánh giá đúng khả năng và khích lệ nhân viên khiến cô ấy cảm thấy xứng đáng và được tôn trọng”.
Cũng có những người bạn, đồng nghiệp khác của tôi bỏ việc không phải vì sợ môi trường làm việc trong cơ quan Nhà nước, mà chủ yếu vì cơm áo gạo tiền. Với họ thì đồng lương hàng tháng không đủ để sống ở mức tối thiểu, nhất là đối với những người ở tỉnh xa phải thuê nhà. Trong khi 3 năm mới được tăng lương một lần, vài trăm ngàn không thấm khi giá cả tăng cao.
Có những người trước khi thi tuyển vào một cơ quan ở Trung ương, đã từng ước ao được làm việc ở đó đến nhường nào. Khi vào làm người này được đánh giá cao về khả năng, nhưng cũng sau vài năm, chính đồng lương eo hẹp đã khiến họ phải dứt áo ra đi mặc dù vẫn nhiều luyến tiếc. Bởi với họ “cơm áo không đùa với khách thơ”, trong khi chưa lo được cho bản thân thì khó chăm lo được cho vợ con, bố mẹ già ở quê.
Và đến giờ, tôi đã chứng kiến nhiều bạn thân, đồng nghiệp bỏ việc ở các cơ quan Nhà nước từ cấp Trung ương đến tỉnh, Thành phố. Hầu hết số họ đều phát triển ở những nơi làm mới, có cuộc sống tốt hơn.
Theo Sở Nội vụ TP.HCM, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/6/2022, có 6.177 cán bộ, công chức, viên chức ở đây thôi việc. Còn thống kê chưa đầy đủ, riêng ngành y tế, cả nước giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đã có 9.397 viên chức xin thôi việc, thậm chí bỏ việc. Riêng tại Hà Nội, gần 900 nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác trong 18 tháng qua.
Cũng theo Sở Nội vụ TP.HCM và các tỉnh, thành thì cơ bản nguyên nhân chủ yếu mà cán bộ, công chức, viên chức thôi là từ vấn đề thu nhập, cơ hội thăng tiến và áp lực công việc. Nhiều người dám thôi việc cũng cho thấy tư duy về làm việc trong cơ quan Nhà nước đã có sự thay đổi.
Thôi việc trong Nhà nước ra ngoài làm, nhìn ở khía cạnh nào đó, cũng là sự vận hành phù hợp với cơ chế thị trường, vì ai cũng muốn hướng tới công việc và môi trường làm việc tốt hơn, không “an phận thủ thường” như trước nữa. Và kể cả khu vực công hay tư, khi thái độ và khả năng làm việc tốt hơn thì hiệu suất đóng góp cho toàn xã hội cũng sẽ cao hơn.
Nhưng con số công chức, viên chức thôi việc, bỏ việc cũng khiến nhiều người có thực sự băn khoăn. Bởi những người đã quyết từ bỏ công việc trong Nhà nước đa số là những người có năng lực thực sự. Họ dám thử thách khả năng ở một môi trường mới đòi hỏi yêu cầu cao hơn.
Hiện ở nhiều nơi, nhiều đơn vị, công chức viên chức chất lượng chuyên môn chưa cao không phải ít, họ làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về”.
Với một đội ngũ công chức như vậy, giờ đây lại đang gặp phải việc “chảy máu" công chức, viên chức, sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động trong các cơ quan Nhà nước.
Vì thế, từ thực tế mà Sở Nội vụ TP.HCM và nhiều nơi đã đúc kết “nguyên nhân chủ yếu mà cán bộ, công chức, viên chức thôi việc là từ vấn đề thu nhập, cơ hội thăng tiến và áp lực công việc” cho thấy, đã đến lúc phải nhìn nhận nghiêm túc về hoạt động, cơ chế đãi ngộ trong cơ quan Nhà nước.
Trong thời gian dài vừa qua, Chính phủ và Bộ ngành liên quan đã có rất nhiều chính sách nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như tinh giản biên chế, văn hóa công sở, nhiều địa phương có chính sách đãi ngộ, thu hút người tài, tuyển người qua thi…
Nhưng nhiều nơi, nhiều chỗ làm chưa hiệu quả. Tinh giản biên chế có nơi thực hiện theo kiểu “rượu cũ bình mới” giảm chỗ nọ, phình chỗ kia mà chưa thực sự giảm được lượng công chức, viên chức “sáng cắp đi tối cắp ô về”, nên dù tinh giản nhưng lương ngân sách nhiều nơi vẫn phải chi trả đủ cho số người như cũ. Vì thế, cơ chế gần như cào bằng, không thể đãi ngộ hoặc nếu có thì không đáng kể cho những người làm được việc. Từ đó, không khuyến khích mọi người, làm thui chột mong muốn cống hiến của người có năng lực thực sự.
Chưa kể, trong các cơ quan Nhà nước, lượng công chức, viên chức “con ông cháu cha” làm việc kém hiệu quả khá nhiều. Nhưng lại có nghịch lý, dù không làm được việc nhưng họ lại được ưu ái hơn những người khác. Từ đó dẫn đến sự mất công bằng và không tôn trọng những người làm được việc.
Việc tuyển người qua thi tuyển có nhiều nơi đã thực hiện, nhưng đôi khi vẫn là hình thức, chiếu lệ, vẫn có hiện tượng “cài cắm” người thân quen, con ông cháu cha.
Vì thế, qua việc công chức, viên chức ồ ạt nghỉ việc như trong thời gian vừa qua, cũng là điều đáng suy ngẫm để chúng ta thấy cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ, đồng bộ từ chính sách đến việc thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng, cơ chế tiền lương, đãi ngộ cũng như văn hóa công sở...
Có như thế, những công chức, viên chức được tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước mới cảm thấy vinh dự, tự hào khi được phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước mà không bị gánh nặng cơm áo hay những ảnh hưởng tiêu cực khác chi phối./.
Theo An An/VOV.VN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên