Trách nhiệm treo

Thứ hai - 15/08/2022 21:42
Phải nói thẳng ra là “trách nhiệm treo” chứ không phải dự án treo. Về hàng loạt các dự án đầu tư trên khắp cả nước hiện vẫn “trùm chiếu, trùm mền” hoặc thi công nhỏ giọt chậm trễ hàng chục năm so với tiến độ.

Hồi tuần trước tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, trước tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công, Thủ tướng phải kêu lên “Tiền để đấy không tiêu được rất xót ruột”. Nhưng nhiều dự án đã tiêu cả đống tiền ngân sách mà vẫn cứ “treo” mãi năm này qua năm nọ, thì còn xót đến mức nào!

Như Dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương quy mô 1.500 giường với nguồn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng, khởi công từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng. Đủ thứ ách tắc, mà không phải vì thiếu tiền. Từ vướng mắc về thủ tục, về quy trình mua sắm trang thiết bị, thiếu cả những hạng mục thiết yếu với một bệnh viện, cho tới phần việc hiển nhiên là các công trình phòng cháy chữa cháy đến giờ cũng phải mở ra thiết kế bổ sung...
 

Ngay đến một cơ sở y tế cỡ nhỏ như Dự án Trung tâm Y tế Quân-Dân y kết hợp trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) cũng ỳ ạch mấy năm nay. Nguyên nhân khá kỳ lạ, đó là cơ sở khám chữa bệnh cũ chưa chịu bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công! Trong khi với những dự án đặc thù thế này, thì chính ngành Y tế của tỉnh phải đứng ra chỉ đạo bàn giao mặt bằng theo hình thức cuốn chiếu để chuyển sang làm việc tại những địa điểm mới đã thi công xong, vẫn duy trì được hoạt động khám chữa bệnh bình thường. Phải đợi đến khi mới đây Chủ tịch tỉnh ra tận nơi chỉ đạo yêu cầu đích danh ngành Y tế thì mới tiếp tục chuyển động. Trong khi người dân trên đảo tiền tiêu Lý Sơn bao phen phải liều mạng vượt sóng gió vào đất liền cấp cứu, có trường hợp sản phụ sinh con ngay trên tàu cao tốc giữa biển bão...

Trong phiên họp Chính phủ nêu trên, Thủ tướng đã chỉ ra đúng căn bệnh trong việc chây ỳ các dự án đầu tư, đó là tinh thần thiếu trách nhiệm, là sự vô cảm. Theo Thủ tướng, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương “là những người nắm rõ nhất việc này, chúng ta nắm giữ các nguồn lực mà nhìn thấy những ách tắc thì chắc chắn phải sốt ruột, lo lắng, trăn trở, trừ những người vô cảm”.

Đúng là công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư từ lâu vẫn là nút thắt lớn nhất, dai dẳng nhất với mọi dự án. Khiến Bộ KH&ĐT phải tính đến đề án thí điểm việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, để giải phóng cho quá trình thi công.

Tuy nhiên, ở đây vẫn là câu chuyện trách nhiệm. Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi vẫn thả mặc cho dân xây nhà, mua bán sang nhượng trái phép ngay tại các vùng dự án? Trách nhiệm và sự linh hoạt của chính quyền, chủ đầu tư ở đâu khi không thể tìm được tiếng nói chung với người dân thuộc các dự án về đền bù, hỗ trợ, để sau hàng chục năm thị trường đất cát bị đẩy lên, mức đền bù cũ không thể nào áp dụng được nữa? Trách nhiệm của các cơ quan chỉ đạo, phối hợp ở đâu, khi tình trạng chồng chéo quy trình, thủ tục vẫn đè nặng các dự án?

Người xưa có chữ “huyền chức”, là treo chức/cất chức với quan lại mắc sai phạm, tắc trách. Nay, rất cần mạnh tay với việc treo chức mọi cán bộ, quan chức để xảy ra tình trạng dự án treo.

 

Theo Trí Quân/Tiền phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây