Ngay sau ngày thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm việc tiếp công dân và phòng chống tham nhũng, bè phái...

Thứ ba - 06/09/2022 16:54
Ngày mồng 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sáng ngày mồng 3/9, Người họp chính phủ thống nhất 6 nhiệm vụ cấp bách gồm chống giặc đói, giặc dốt, bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò, giáo dục cần kiệm liêm chính cho nhân dân, thực hiện tự do tín ngưỡng - Lương Giáo đoàn kết và tiến hành tổng tuyển cử “tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 trang 7, nxb Chính trị quốc gia).

Cũng ngày hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thông báo tiếp dân, Người viết: “Từ hôm nay, tôi sẽ rất vui lòng tiếp chuyện các đại biểu của các đoàn thể như: Các báo Việt và Tàu, Hoa kiều, Văn hóa giới, Công chức, Công giáo, Phật giáo, Công hội, Nông hội, Thương giới, Phụ nữ, Thanh niên, Nhi đồng,... Xin chú ý:


1. Gửi thư nói trước, để tôi sắp thì giờ, rồi trả lời cho bà con, như vậy thì khỏi phải chờ đợi mất công.

2. Mỗi đoàn đại biểu, xin chớ quá 10 vị.

3. Mỗi lần tiếp chuyện, xin chớ quá 1 tiếng đồng hồ.
                      Hà Nội ngày 3 tháng 9 năm 1945
                     Hồ Chí Minh kính.
(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 10)

Trong bối cảnh thù trong giặc ngoài, chính quyền non trẻ, khó khăn trăm bề, bận rộn trăm việc..., vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giành thời gian tiếp công dân. Sự việc này cho thấy Người luôn lắng nghe và tôn trọng nguyện vọng của dân, không một chút ngại ngần né tránh. Đây cũng là bài học cho bộ máy công quyền của nước nhà, nhằm giải quyết những bức xúc và khó khăn của người dân.

Trong thời gian này, ngoài thời gian suy tính và thực hiện những bước đi ngoại giao với các nước lớn như Trung Quôc, Mĩ, Pháp... Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cùng với Chính phủ lâm thời lãnh đạo nhân dân cả nước vượt qua nạn đói, vượt qua những âm mưu của các đảng phái thân Tưởng, thân Pháp, thân Nhật, thân Anh... để xây dựng một chính quyền mới có kỉ luật, có phương pháp làm việc công minh, chính trực, thật sự vì dân. Người đã viết một số bài báo hướng dẫn cách tổ chức các hoạt động cách mạng và một số lá thư khuyến khích các giới quần chúng tham gia những công cuộc ích nước lợi dân, thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa... Đây đều là những lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mang tính thời sự cho đến ngày hôm nay. Trong bài báo “Sao cho được lòng dân” đăng trên Báo Cứu quốc ngày 12/10/1945, Người viết có đoạn: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dẫu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ dến đời sống của nhân dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta mang tới... Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 48).

Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Ủy ban nhân dân các kì, tỉnh, huyện và làng để chấn chỉnh những sai phạm của bộ máy lúc đó. Người giải thích: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác công việc của dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kì dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”. Và Người chỉ ra những sai phạm của chính quyền cách mạng còn non trẻ khi đó:“Tôi vẫn biết trong các bạn có nhiều người làm đúng theo chương trình của Chính phủ và rất được lòng dân. Song cũng có nhiều người phạm những lỗi lầm rất nặng nề. Những lỗi lầm đó chính là:

1. Trái phép - Những kẻ Việt gian phản quốc, chứng cứ rõ ràng thì phải trừng trị đã đành, không ai trách được.

Nhưng cũng có lúc vì tư thù tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm cho dân oán thán.

2. Cậy thế - Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân.

3. Hủ hóa - Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, thử hỏi tiền bạc lấy ở đâu ra?...

4. Tư túng - Kéo bè kéo cánh, bà con bạn hữu của mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài...

5. Chia rẽ - Bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các tầng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hòa thuận với nhau...

6. Kiêu ngạo - Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cứ lúc nào cũng vác mặt quan cách mạng lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hoại đến oai tín của Chính phủ” (Bài đăng  Báo Cứu quốc ngày 17/10/1945, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 56, 57, 58).

Đọc lại những  tác phẩm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh 77 năm về trước, chúng ta thấy nhiều việc đang là vấn nạn của ngày hôm nay: Một số cán bộ tham nhũng hối lộ giàu một cách bất minh, rồi có tình trạng kéo bè kéo cánh lợi ích nhóm hay cả nhà làm quan như Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh và Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến...

Ôn lại một số lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những ngày lập nước năm xưa là để nhắc nhở đội ngũ cán bộ cảnh tỉnh với những cám dỗ vật chất và quyền lực, làm việc công tâm, thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, khắc phục những thói hư tật xấu, nhằm xây dựng Nhà nước do dân và vì dân.
                         

Công Đán      

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây