Bia chiến thắng Tam Nông- Làng kháng chiến kiểu mẫu.
Thứ hai - 11/01/2021 14:47
Bí thư Đảng ủy xã Hưng Đạo (Tiên Lữ) Trần Đức Thắng vui vẻ bộc bạch, báo một tin vui; Xã vừa hoàn thành xây dựng biểu tượng Bia chiến thắng Tam Nông-làng kháng chiến kiểu mẫu về đánh giặc, giữ làng ở đồng bằng Bắc bộ.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dân làng thôn Tam Nông, từ già đến trẻ, gái, trai một lòng quyết tâm cùng nhau đánh giặc giữ làng, bởi họ mong muốn có cuộc sống độc lập, tự do. Họ nguyện thề “Bao giờ đất lộn lên mây, mây chìm xuống đất thì đây mới tề”. Hiển nhiên rằng; chẳng bao giờ có chuyện đất lộn lên mây, cũng như làm gì có chuyện mây chìm xuống đất như thế nghĩa là không bao giờ dù có phải gian khổ, hy sinh xương, máu thì dân làng Tam Nông cũng không chịu tề. Với họ tề là theo chân giặc pháp, mà theo chân giặc pháp là một nỗi nhục với ông bà, tổ tiên, nhục trước tinh thần nồng nàn yêu nước của nhân dân ta. Vì vậy, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, dân làng Tam Nông kháng chiến chống thực dân Pháp đến cùng, bảo vệ làng xóm thân yêu, bao đời gắn bó, tạo dựng.
Đảng bộ và nhân dân xã Hưng Đạo tự hào có làng kháng chiến thôn Tam Nông, vì đã lập được nhiều thành tích vẻ vang, được Bác Hồ tặng thưởng Huân chương Chiến sỹ hạng Nhất, trong hội nghị về chiến tranh du kích năm 1951 ở Việt Trì, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá “ Tam Nông là một làng kháng chiến kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc bộ”. Đó là lý do để xã xây dựng Bia chiến thắng Tam Nông. Đây là địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương, nhắc nhớ mọi người nhất là thế hệ trẻ, gìn giữ, vun đắp tinh thần yêu quê hương, đất nước, đánh giặc giữ làng của cha ông, từ đó nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu trong học tập, lao động và công tác, góp phần xây dựng quê hương xã Hưng Đạo ngày càng giàu đẹp.
Bia chiến thắng được xây dựng cạnh đình Tam Nông, nơi vẫn còn cây nhãn điếc, đã từng được Đội tuyên truyền xung phong của Việt Minh treo cờ đỏ sao vàng lên ngọn cây, tập hợp đông đảo nhân dân, vạch trần âm mưu xâm lược, tội ác của quân Nhật. Biểu tượng Bia chiến thắng Tam Nông giàu ý nghĩa, là tâm nguyện, của Đảng bộ và nhân dân xã Hưng Đạo hứa sẽ kế thừa và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của ông cha vào công cuộc xây dựng quê hương đất nước. Nhìn vào biểu tượng ta thấy, bia chiến thắng Tam Nông giống như cuốn lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc đang được mở ra, phía trên của trang sử bên trái được gắn cờ đỏ, búa, liềm màu vàng, bên phải là ngôi sao vàng năm cánh. Đặt trước trang sử là hình ảnh ngọn lửa như vẫn đang bùng cháy, lan tỏa hun đúc, bồi đắp tinh thần yêu nước và cách mạng cho các thế hệ kế tiếp. Dưới cờ Đảng, và quốc kỳ là dòng chữ Bia chiến thắng, in đậm nét, nổi bật. Dưới nữa là dòng chữ Tam Nông-làng kháng chiến kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc bộ được in trang trọng trong khung danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân xã Hưng Đạo.
Ngược dòng lịch sử, trở về thôn Tam Nông của những năm cùng cả nước kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược.
Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công mới được hơn 1 năm, đến đầu tháng 12 năm 1946, thực dân Pháp bội ước tăng thêm quân, chiếm đóng trái phép nhiều nơi trên đất nước ta, khiêu khích quân ta ở Hà Nội. Trước tình thế khẩn cấp ấy, đêm ngày 19.12.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Người, Đảng bộ Hưng Yên đã lãnh đạo và phát động quân dân toàn tỉnh quyết tâm kháng chiến, cùng cả nước nhất tề đứng lên chống thực dân pháp xâm lược.Thực hiện chủ trương trên, Ủy ban hành chính kháng chiến xã Hưng Đạo phát động toàn dân tham gia xây dựng làng kháng chiến thôn Tam Nông, kiên quyết không cho giặc vào làng, nòng cốt là lực lượng dân quân, du kích. Theo đó, hàng ngàn, cây tre, gỗ được huy động từ khắp các làng, xã xung quanh, cùng với hàng ngàn ngày công lao động của dân quân, du kích và nhân dân đã kết được một hệ thống lũy tre, rào tre dầy gần 2 m xung quanh làng Tam Nông. Sau lũy tre là lũy đất được đắp cao khoảng 2 m, tiếp đến là hệ thống giao thông hào và công sự chiến đấu, tiếp sau là ao sâu, ruộng lầy, cỏ gai và bèo tây...Trong làng có hệ thống giao thông hầm xây bằng gạch chạy dọc thôn, có hào sâu, hố cá nhân dày đặc. Đầu đường vào làng, ngõ xóm đều có người canh gác, bố trí hầm chông, hố mìn...sẵn sàng chiến đấu chống lại những cuộc càn quét vào làng của giặc Pháp. Chỉ tính từ năm 1946 đến 1951, tại làng kháng chiến Tam Nông đã diến ra hơn 100 trận chống càn, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên giặc, trong đó có 61 tên lính Pháp và sỹ quan chỉ huy, chiến thắng của quân và dân Tam Nông góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, buộc Pháp phải rút quân về nước.
Giờ đây Hưng Đạo đã là xã nông thôn mới. Thôn Tam Nông luôn giữ vững danh hiệu làng văn hóa, thôn có nền sản xuất nông nghiệp khá phát triển các hộ gia đình cấy lúa giống Khang Dân cung ứng cho Công ty giống cây trồng Thái Bình và trồng cây vụ đông như dưa chuột, bí các loại tăng thu nhập cho gia đình, nên đời sống vật chất của nhân dân khá đủ đầy. Hạ tầng nông thôn gồm các tuyến đường giao thông, nhà văn hóa thôn...đều được đầu tư xây dựng mới, hoặc sửa chữa nâng cấp khang trang, diện mạo làng quê đổi mới, xứng đáng với danh hiệu “Làng kháng chiến kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc bộ”.
CĐ.
Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn Lịch sử Đảng bộ
và nhân dân xã Hưng Đạo tập I (1930-2015).