Năm 1995, Bệnh viện Việt - Đức khởi sự cho việc điều trị theo yêu cầu? Lần ấy vào Bệnh viện Việt - Đức thăm ông bạn Trần An Duyệt (PV Đài Truyền hình Việt Nam) ngạc nhiên thấy ông bạn nằm tại một phòng khá tiện nghi. An Duyệt không nằm một mình. Giường bên là một cụ già người manh mảnh khuôn mặt nhẹ nhõm... Rồi An Duyệt vui vẻ giới thiệu tôi với vị khách cùng buồng.
Tôi hơi bị… choáng! Bởi cụ già manh mảnh đây chính là người thay mặt Chúa Kito dưới trần thế coi sóc đoàn chiên Việt gần bảy triệu người, Đức Hồng y Phaolo Giuse Maria Phạm Đình Tụng.
Ngài là chức sắc cao nhất của Giáo hội Công giáo Việt. Tiên khởi là Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Như Khuê. Kế đó là Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn. Sau khi hai đấng được chúa gọi về thì kế nhiệm là Hồng Y Phạm Đình Tụng kiêm Tổng giám mục địa phận Hà Nội.
Vẫn nụ cười hom hóm, ngài vào chuyện cởi mở, tự nhiên. Nên tôi biết được duyên do đức Hồng Y phải vào đây. Hai tuần trước, quen lệ, tầm 4 giờ sáng, ngài đã dậy lo việc kinh bổn. Chả may cụ trượt chân ngã. Cú ngã tai ác dẫn đến việc rạn xương vai. Nhà nước Việt Nam gợi ý nếu cụ sang Roma (Ý) chữa trị thì sẵn sàng tạo mọi điều kiện! Nhưng cụ Hồng y tự lượng sức mình bệnh mình dứt khoát đề đạt nguyện vọng xin được chữa trị tại Việt Nam mà cụ thể là ngay ở bệnh viện Việt - Đức. Thời gian nằm viện cùng với phác đồ điều trị lẫn săn sóc của các thầy thuốc, bệnh cụ Hồng y có cơ thuyên giảm, cụ đã nhúc nhắc đi lại được...
Hình như không khí vốn cô tịch lẫn u ám của nhà thương khiến người ta dễ gần và những khoảng cách nếu có cũng bớt doãng ra so với khi thường nên giữa vị chăn chiên với hai kẻ phàm trần như chúng tôi đâm được mặn chuyện.
Chuyện gần chuyện xa... Tôi nhớ khi biết cả hai chúng tôi đã từng can dự vào việc làm báo mà đối tượng là thanh thiếu nhi (An Duyệt trước khi là một nhân vật quan trọng ở Truyền hình Trung ương từng phụ trách chương trình thanh thiếu nhi của Đài TNVN), cụ vui vẻ hồi tưởng lại cái thời xa khi cụ là một linh mục trẻ từng có nhiều năm làm thầy làm cha phục vụ trẻ mồ côi ở cô nhi viện Têresa phố Hàng Bột. Rồi xa hơn những năm phục vụ cho đám dân nghèo mà đa phần là người trẻ ở quê ra phố khu nhà Bác ái Bạch Mai.
... Lại có một lúc hình như chuyện của chúng tôi lạc sang địa hạt kinh bổn? Ấy là khi An Duyệt bật mí, cụ Hồng y đây vốn là người rành rẽ tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Latinh nữa nhưng đã làm được cái việc khá độc đáo là chuyển phần kinh Phúc âm ra... thơ lục bát! Trước vẻ tò mò của tôi, cụ Hồng Y vẫn cái cười hom hóm cố hữu, cụ nói đại ý, thơ lục bát là tài sản vô giá của người Việt thì hà cớ gì lại không dùng? Chỉ hiềm nỗi như cụ cho hay, mình tài hèn sức mọn nên mặc dù cố gắng lắm nhưng phần nhân bản nhân văn lẫn minh triết của kinh Phúc âm như nó vốn có, cụ mới chuyển tải được phần nào nhưng giáo dân, nhất là các vùng sâu vùng xa, bà con thuộc lẫn lĩnh hội được các ý tứ đó khá mau.
Thấy vẻ háo hức của tôi, cụ cười hiền hậu bảo để khi khác rảnh rỗi, các ông muốn tham khảo tôi cũng sẵn lòng. Nhưng cụ khiêm tốn thêm nói như cụ Nguyễn Du lời quê góp nhặt dông dài thôi.
May mắn sau lần được gặp và hầu chuyện Đức Hồng Y, tôi ngồi với ông bạn, nhà báo Phạm Huy Thông người công giáo cùng học Khoa văn (rồi sau này khoa Triết) của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.
Ông lại có mối quen biết thậm chí thân tình với nhiều Đức cha, Linh mục.
Chuyện với Phạm Huy Thông ngạc nhiên biết thêm ông bạn tôi lại là chỗ bà con xa với Đức Hồng Y!
Một sự việc thương tâm mà ít người biết đến là ngài đã mất đi người mẹ thân yêu vào năm 1949 trước khi làm linh mục. Khi nghe tin ngài sắp được thụ phong, bà xuống thuyền từ Phát Diệm ra Hà nội để sắm sửa áo lễ và chén thánh cho con. Thật bất hạnh cho chuyến đi này, bà bị trúng một phát đạn trong khi ca nô đang di chuyển trên sông. Bà tử nạn và xác cũng không được tìm thấy.
Năm 1954, ngài làm chánh xứ Hàm Long. Trong cơn lốc di cư, rất nhiều linh mục trong giáo phận đã bỏ con chiên ở lại để di cư vào Nam. Ngài đã hai ba lần đi theo giáo dân xứ đạo của ngài vào Nam để làm mục vụ, để lo liệu và giúp đỡ họ… Ngài có nhiều điều kiện và hoàn cảnh thuận lợi để ở lại miền Nam, nhưng Ngài quyết tâm ngược về xứ Bắc.
Ông cố Phạm Văn Hiến, người cha ruột của ngài cũng theo đoàn người di cư vào Nam. Sau này ông cụ sống rất thanh bần lúc tuổi già, và mất năm 1966.
Từ ngày di cư cho đến ngày qua đời cụ cố không hề liên lạc được gì với con trai cả của mình!
Tôi hỏi thêm Phạm Huy Thông về việc chuyển kinh bổn sang thơ lục bát và song thất lục bát. Phạm Huy Thông đọc thông làu ngay.
Không ai được làm tôi hai chủ/ Coi Chúa Trời tiền của như nhau/ Bởi vì tiền của ở đâu/ Lòng ta ở đó lo âu đêm ngày. Hoặc:
Người xưa bảo ghét thù yêu bạn/ Chúa không cho giới hạn hẹp hòi/ Chúa truyền yêu hết mọi người/ Nguyện cầu cho cả những ai địch thù!
Nhà báo Phạm Huy Thông cũng cho hay, từ hồi còn là linh mục và Giám mục, ngài còn có nhiều bài thơ ngắn để truyền dạy trong giáo dân về Kinh tín ca/ Ca nhiệm tích (7 bài thơ dài về các bí tích/ Kinh dọn mình/ Kinh cảm ơn bằng những vần điệu lục bát dễ nhớ.
Tôi tin một Chúa ba Ngôi/ Đựng nên vạn vật đất trời bao la/ Ngôi nhất là Đức Chúa Cha/ Ngôi hai con Chúa ngôi ba thánh thần.
Ngay bản thân Phạm Huy Thông, Ngài cũng ưu ái quá chừng. Khi gọi đến cho ít tiền để viết luận án Tiến sĩ, khi Ngài qua Roma dự lễ phong chân phước Anre Phú Yên, Ngài gọi đến muốn mua quà gì Ngài mua cho vì có thể đây là lần cuối Ngài xuất ngoại. Huy Thông chỉ xin ngài một cỗ tràng hạt do chính Đức Thánh cha ban phép cho mẹ. Ngài ưng thuận và mẹ tôi đi đâu cũng khoe cỗ tràng hạt của Đức Thánh cha do chính Đức Hồng Y xin cho.
Riêng tôi, một kẻ hèn thường cũng được Ngài đoái thương! Qua ông bạn An Duyệt và Huy Thông, nhiều Lễ Noel tôi nhận được thẻ và phù hiệu dự lễ do Ngài cho chuyển tới! Và vinh hạnh mấy lần được chứng kiến Đức Hồng Y chủ trì lễ trọng trong các đêm cực Thánh ấy!
(Còn nữa)
Ấn tượng thêm nhận xét của Phạm Huy Thông. Người Việt coi số 9 là số đẹp. Cuộc đời Ngài có rất nhiều biến cố gắn với con số 9. Ngài sinh năm 1919, qua đời năm 2009, hưởng thọ 90 tuổi. Năm 1929, Ngài vào trường tập. Năm 1949, Ngài được nhận chức Phó tế và 6/6/1949 được truyền chức linh mục. Khi thi vào trường tập, Ngài đứng thứ 39 mà trường chỉ lấy có 37 học sinh. Cứ tưởng rớt. Ai ngờ có 2 thí sinh ốm phải nghỉ, vậy là Ngài lại đỗ. Rồi khi đã bước sang tuổi 75 phải nộp đơn nghỉ hưu theo giáo luật, Ngài lại được vinh thăng Tổng Giám mục Hà Nội, rồi Hồng y. Vậy là Chúa đã chọn Ngài.
Theo Xuân Ba/Tiền phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên