Kể từ sau cuộc chiến sự Nga- Ukraine vào ngày 24/2, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào giới tài phiệt Nga đã gây thiệt hại cho toàn bộ nền kinh tế của quốc gia này. Đồng nội tệ của Nga, giá trị đồng RUB đã giảm xuống 1% trong khi các nhà quản lý EU đang thu giữ các dinh thự và du thuyền của các nhà tài phiệt Nga. Trong khi đó, các tập đoàn lớn của phương Tây đang rút các khoản đầu tư của họ ở Nga, và mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Nga là dầu và khí đốt có vẻ ngày càng bị cấm cửa ra thị trường bên ngoài.
Hai cơ quan xếp hạng khác gần đây cũng đã hạ bậc tín nhiệm của Nga, cắt xếp hạng của nước này xuống mức rủi ro cao. Tuần trước, Moody đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Nga xuống mức thấp thứ hai, với lý do tác động của các lệnh trừng phạt nhanh chóng và nghiêm khắc của phương Tây. Cơ quan xếp hạng này nêu rõ: "Ở đây có khả năng đáng kể là Nga sẽ bị gián đoạn trong việc trả nợ công có chủ quyền của mình".
"Cuộc chiến sự Nga - Ukraine ngày càng leo thang, việc tăng tốc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga và các hành động không thể đoán trước mà chính phủ đã thực hiện để đáp lại các lệnh trừng phạt đó, theo quan điểm của Moody đã làm suy yếu đáng kể khả năng và sự sẵn sàng của Nga trong việc đảm bảo trả nợ công quốc gia đúng hạn".
Trong khi đó, Tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) Global Rating đã hạ xếp hạng nợ công của Nga xuống xuống mức cực thấp "CCC-" vào tuần trước. Mức "CCC-" cho thấy khả năng vỡ nợ cao hơn "BB" và phải phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế, tài chính để có thể hoàn thành các cam kết nghĩa vụ tài chính. Xếp hạng này đặt mức độ tín nhiệm của Nga xuống ngang bằng với các quốc gia Angola, Bosnia, Kyrgyzstan, Moldova, Mông Cổ, Nicaragua, Niger và Pakistan.
Việc hạ mức tín nhiệm là tín hiệu cho các nhà đầu tư tránh xa Nga, kẻo họ vướng vào các lệnh trừng phạt đang mở rộng hoặc nhấn chìm tiền vào những tài sản đang giảm giá trị từng ngày. Nhưng một vụ vỡ nợ, mà các nhà phân tích bắt đầu coi là không thể tránh khỏi của Nga có thể gây ra những hậu quả sâu rộng hơn nhiều, khiến những người cho vay phải lao vào tìm kiếm mặt bằng tài chính cao, và tháo chạy khỏi các thị trường quốc tế đang phát triển dựa vào các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro.
Các nhà cho vay kinh doanh với Nga thường thực hiện các giao dịch bằng đô la hoặc euro đặc biệt là do nền kinh tế của Moscow đang có nhiều biến động và mới nổi. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin cho biết chính phủ của ông có thể buộc những người cho vay ở một số quốc gia chỉ chấp nhận tiền Nga. Điện Kremlin cũng đã cấm công dân của mình rút hơn 10.000 USD tiền tệ từ các ngân hàng của quốc gia.
Còn các nhà phân tích tại JPMorgan lưu ý rằng, Nga có khoảng 700 triệu USD tiền thanh toán các khoản nợ công đến hạn vào tháng 3. Hầu hết các khoản thanh toán này có thời gian gia hạn 30 ngày, có nghĩa là Nga có thể vỡ nợ sớm nhất là vào giữa tháng 4 tới đây.
"Các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với Nga đã làm tăng đáng kể khả năng xảy ra vỡ nợ trái phiếu bằng đồng nội tệ RUB của Chính phủ Nga. Việc Mỹ trừng phạt các tổ chức chính phủ Nga, các biện pháp đối phó của Nga nhằm hạn chế thanh toán nước ngoài và sự gián đoạn chuỗi thanh toán là những trở ngại lớn đối với Nga", công ty đầu tư JPMorgan cho biết.
Sự vỡ nợ xảy ra khi một thực thể không thể hoặc sẽ không trả được nợ của mình. Trong trường hợp của Nga, có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của nước này, các nhà kinh tế lưu ý.
Thứ nhất, Nga đang nhanh chóng mất khả năng tiếp cận với các dòng tài chính quốc tế. Ngân hàng trung ương Nga đã bị chặn truy cập hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại hối; các ngân hàng quốc doanh phải chịu lệnh trừng phạt và một số ngân hàng tư nhân đã bị cắt khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Những động thái này "gây khó khăn đặc biệt cho các tổ chức tài chính khi tham gia vào các giao dịch quốc tế", Fitch nhận định.
Thứ hai, các thực thể của Nga cũng có thể chọn vỡ nợ, buộc các bên cho vay nước ngoài phải gánh khoản nợ "như một cách trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây", William Jackson, trưởng nhóm kinh tế thị trường mới nổi tại Capital Economics cho biết trong một báo cáo nghiên cứu. Jackson lưu ý, chính phủ Nga cũng có thể cấm trả các khoản nợ nước ngoài.
Jackson chia sẻ: "Trong khi các cơ quan xếp hạng tập trung vào các khoản nợ do chính phủ Nga nắm giữ thì rủi ro lớn nhất là ở khu vực doanh nghiệp. Hơn một nửa số nợ của Nga khoảng 310 tỷ USD do các tập đoàn nắm giữ. 170 tỷ USD khác do chính phủ, các ngân hàng trung ương và ngân hàng địa phương nắm giữ".
Jackson còn viết: "Những thiệt hại từ việc Nga không trả được nợ nước ngoài sẽ được cảm nhận bởi các nhà đầu tư nước ngoài, chứ không phải các nhà đầu tư Nga. Nhưng cách này vẫn sẽ có những tác động gián tiếp đến nền kinh tế Nga".
Huỳnh Dũng -Theo Washingtonpost/ Cbsnews
Nguồn Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên